09/08/2021

TPHCM nghiên cứu khai thác không gian đô thị dưới lòng đất

Theo Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, việc khai thác không gian ngầm đã được thành phố nghiên cứu hơn 10 năm trước và hiện nay một số nơi đã đi vào lập quy hoạch xây dựng. Đặc biệt, kế hoạch khai thác không gian ngầm được đẩy nhanh, nhất là khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang tăng tốc hoàn thiện để đưa vào hoạt động.

Trong lộ trình khai thác không gian ngầm liên quan đến tuyến Metro số 1, tháng 4/2020, UBND TPHCM đã phê duyệt kế hoạch tuyển chọn “Ý tưởng thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành”.

Không gian ngầm tại tầng B1 ga Nhà hát TP thuộc tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên, với các hạng mục thiết kế hiện đại đã cơ bản hoàn thiện

Việc thiết kế đô thị và không gian ngầm khu vực nhà ga Bến Thành phải đáp ứng yêu cầu về quy hoạch, kiến trúc, đạt hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường. Đặc biệt, khu trung tâm thương mại ngầm Bến Thành phải kết nối hài hòa với không gian đô thị các tuyến đường xung quanh như Lê Lợi, Hàm Nghi, Đồng Khởi, Nguyễn Huệ và các tòa nhà trung tâm thương mại lân cận.

Trung tâm thương mại ngầm Bến Thành được thành phố dự kiến xây dựng có diện tích khoảng 45.000m2 gồm khu vực cửa hàng thương mại rộng 18.100m2, hành lang và quảng trường ngầm rộng 21.500m2.

Trung tâm thương mại ngầm sẽ được triển khai xây dựng đồng bộ với gói thầu 1a của tuyến Metro số 1 nhằm giảm thiểu việc phải đào đường thi công, cũng như tránh ảnh hưởng đến tuyến Metro số 1 khi tuyến này đi vào hoạt động.

Ngoài ra, Sở QH-KT cũng đang lên ý tưởng và kêu gọi các chuyên gia góp ý kiến về việc xây dựng không gian ngầm tại trung tâm thành phố và khu đô thị mới Thủ Thiêm. Hiện thành phố có 11 ha diện tích không gian ngầm, chủ yếu thuộc các trung tâm thương mại và các bãi xe. Tương lai sẽ có thêm 72 nhà ga ngầm thuộc 11 tuyến metro.

Theo lộ trình trước năm 2025 xây dựng các cụm trung tâm thương mại liên kết với tuyến Metro số 1, Metro số 2. Lúc này, người dân có thể sử dụng mạng lưới không gian ngầm từ nhà ga đến các tầng hầm của các cao ốc lân cận. Điều này đồng nghĩa với việc một “thành phố dưới lòng đất” đáp ứng nhu cầu đi lại, mua sắm và ẩm thực sẽ hình thành trong giai đoạn này.

Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở QH-KT TP nhấn mạnh, khi không gian ngầm được khai thác hiệu quả sẽ góp phần giảm mật độ khai thác trên mặt đất, thu hút người dân tham gia các phương tiện công cộng mà cụ thể là metro. Đặc biệt, tạo thêm nguồn lực mới về kinh tế và giảm chi phí đầu tư.

Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM, không gian ngầm đối với đô thị là cực kỳ quan trọng theo trình độ phát triển kỹ thuật, khoa học, công nghệ nên khai thác sử dụng không gian ngầm sẽ có rất nhiều loại công trình ngầm. Việc quy hoạch phát triển không gian ngầm sẽ phát triển một phân khúc trong thị trường bất động sản vì thị trường bất động sản gắn với giao thông và thương mại dịch vụ để phục vụ cho sự thụ hưởng của người dân đô thị lẫn khách du lịch.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó KTS trưởng TPHCM, nhận xét thuận lợi lớn nhất tại thành phố là chưa nhiều nơi khai thác không gian ngầm và các tòa nhà cao tầng chưa khai thác nhiều dưới lòng đất; khảo sát cho thấy nhà dân xây dựng sâu không quá 15 m2, các tòa nhà có tầng đào sâu chừng 50 m… nên việc quy hoạch không gian ngầm một cách bài bản tương đối thuận tiện. Tuy nhiên, để quy hoạch không gian ngầm với quy mô lớn cần có nhiều dữ liệu về không gian gần mặt đất (độ sâu 5 m trở lại) cũng như nắm rõ được thông tin về các công trình ngầm như điện, nước, viễn thông để tiến hành thực hiện

KTS Trần Vĩnh Nam chia sẻ nhà nước cần tạo điều kiện và khuyến khích các tòa nhà xung quanh không gian ngầm kết nối vào ga metro. Việc này thuận lợi cho rất nhiều phía, trong đó hành khách tìm đến nhà ga để sử dụng, giảm kẹt xe mặt đất và tòa nhà đó thu hút nhiều người đến tham quan, mua sắm.

TH