02/10/2023

TPHCM đứng đầu cả nước về số công trình xanh

(KTVN) – Qua hơn 15 năm phát triển, đến nay số lượng công trình xanh của Việt Nam hiện đạt khoảng trên 300 công trình với tổng diện tích khoảng 7,2 triệu m2 sàn xây dựng… TP. Hồ Chí Minh hiện đang đứng đầu cả nước về số công trình xanh.

Đây là thông tin Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn đưa ra tại sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023, diễn ra chiều ngày 28/9, tại TPHCM.

Toàn cảnh phiên toàn thể sự kiện Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2023.

Phát biểu tại phiên toàn thể sự kiện, Thứ trưởng Nguyễn Tường Văn cho biết, TPHCM hiện đang đứng đầu cả nước về số công trình xanh với 67 công trình và đứng thứ 2 về diện tích sàn xây dựng được chứng nhận công trình xanh với tổng diện tích sàn được chứng nhận là 1,264 triệu m2.

Theo Thứ trưởng, các loại hình công trình xanh đã mở rộng từ công trình văn phòng, trụ sở cơ quan đến khách sạn, trung tâm thương mại, trường học, nhà xưởng công nghiệp.

Số lượng công trình xanh dù đã tăng lên đáng kể hàng năm nhưng so với tổng số công trình được xây dựng hàng năm thì con số này còn khá khiêm tốn. Thực tế này đòi hỏi cần có thêm nhiều sự nỗ lực, cố gắng để thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển công trình xanh trong thời gian tới.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn phát biểu tại sự kiện

Việc phát triển công trình xanh sẽ đồng thời thúc đẩy các giải pháp thiết kế kiến trúc, nội thất xanh, thúc đẩy phát triển sản phẩm, thiết bị cơ điện, vật liệu xây dựng xanh, giảm tiêu thụ nước, tài nguyên để xây dựng và vận hành công trình, giảm phát thải khí nhà kính góp phần thúc đẩy chuyển đổi xanh ngành Xây dựng.

Chuyển đổi xanh đang là xu hướng của nhiều quốc gia trên thế giới và Việt Nam. Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành trung ương Khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã đề ra nhiệm vụ “Thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn và lãnh đạo TPHCM cùng các đại biểu tham quan một số gian triển lãm bên lề sự kiện.

Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 17/11/2022 của Ban Chấp hành TW khóa XIII về tiếp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đưa ra các mục tiêu, nhiệm vụ và quan điểm về đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước gắn với chuyển đổi nền kinh tế sang hướng xanh, bền vững.

Để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 24, Nghị quyết số 29 và các cam kết của Chính phủ tại COP 26 về phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Văn khẳng định, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế đồng thời phải chuyển đổi xanh, trong đó có ngành Xây dựng. Việc phát triển công trình xanh là một trong những giải pháp quan trọng để ngành Xây dựng chuyển đổi xanh.

Tại sự kiện, các chuyên gia, nhà quản lý đã nhấn mạnh tới các giải pháp chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất xanh, khuyến nghị các giải pháp về cơ chế chính sách,  về quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, về cơ chế ưu đãi, tín dụng xanh, tài chính xanh… để tạo điều kiện thuận lợi, dỡ bỏ các rào cản, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển công trình xanh ở nhiều loại hình, cấp độ, quy mô công trình ở tất cả các địa phương trong cả nước.

Việt Khoa