Đây là thông tin ông Trần Trọng Tuấn – Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết tại buổi họp báo định kỳ đầu năm 2018, do Sở Xây dựng tổ chức chiều 16/3.
Toàn cảnh buổi họp báo định ký đầu năm. (Ảnh: Cao Cường)
Trả lời các câu hỏi của phóng viên về việc có hay không việc lãng phí hàng chục ngàn căn nhà tái định cư (TĐC) khi không có người sử dụng. Ông Tuấn cho hay: Quỹ nhà TĐC trên địa bàn thành phố hiện có hơn 40.000 căn nhà và nền đất được phát triển từ những năm 2000.
Đến nay, đã bố trí sử dụng trên 26.000 căn nhà và nền đất, còn dư chưa sử dụng hơn 14.000 căn nhà và nền đất. Theo kế hoạch phát triển và quản lý nhà ở phục vụ TĐC từ nay đến năm 2020, cần sử dụng trên 8.500 căn nhà và nền đất. Số còn lại 5.222 căn nhà và nền đất không có nhu cầu sử dụng đến, do đo sẽ được tổ chức bán đấu giá ra thị trường.
Khu TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) không một bóng người. (Ảnh: Bùi Hiền)
Theo ông Tuấn, nguyên nhân dẫn đến thực trạng dư thừa hơn 14.000 căn hộ TĐC là do các chính sách quy định pháp luật đối với nhà TĐC thay đổi liên tục trong gần 20 năm qua.
“Trước kia, công tác đền bù giải toả TĐC được thực hiện theo Nghị định 22/CP của Chính phủ. Thời điểm này khi Nhà nước giải tỏa sẽ đền bù cho dân bằng tiền hoặc bố trí một căn hộ TĐC. Khi đó, người dân nhận nhà sẽ có lợi hơn nên Nhà nước tập trung xây dựng nhà để bố trí cho dân và đa số người dân thích chọn phương án nhận nhà để ở hoặc bán lại để kiếm lời. Thời điểm đó tôi là Phó Chủ tịch UBND quận 4 phải rất vất vả tìm mua căn hộ TĐC về bố trí cho dân vì thiếu trầm trọng”, ông Tuấn cho biết.
Do bỏ hoang nhiều năm nên các hãng mục công trình ở Khu TĐC Vĩnh Lộc B đã xuống cấp, hư hỏng. (Ảnh: Bùi Hiền)
Trước thực trạng này, UBND TP Hồ Chí Minh quyết định đầu tư khu đô thị TĐC Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) và khu TĐC 12.500 căn tại Thủ Thiêm, quận 2 với đầy đủ hạ tầng thiết yếu để bố trí TĐC cho dân ở.
Thế nhưng khi xây dựng xong, người dân lại không chịu vào ở mà chọn phương án nhận tiền, bởi không thể ở quận 7, quận 8 mà về Bình Chánh TĐC được. Và đây cũng chính là bài học sâu sắc cho chính quyền thành phố về việc TĐC tại chỗ.
Bên cạnh đó, chính sách về nhà TĐC thay đổi liên tục và có quy định yêu cầu giải toả phải bồi thường theo giá trị thị trường. Tính ra, người dân nhận tiền sẽ có lợi hơn nhận căn hộ bởi nhận căn hộ xong vẫn quay về chỗ cũ để mưu sinh, dẫn đến căn hộ TĐC xây xong không ai chịu ở.
Do đó, ngoài việc giữ lại hơn 8.500 căn nhà, nền đất TĐC để bố trí cho các dự án tiếp theo thì thành phố sẽ bán đấu giá 5.222 căn nhà, nền đất TĐC. Trên địa bàn thành phố hiện có 2 khu TĐC quy mô lớn và gây lãng phí là khu TĐC Thủ Thiêm và khu TĐC Vĩnh Lộc B.
Theo báo cáo, đến cuối năm 2016 khu TĐC Thủ Thiêm mới chỉ mua lại 6.714 căn đã xây dựng xong và đưa vào bố trí TĐC cho người dân.
Tuy nhiên, đến cuối tháng 8/2017, chỉ mới bố trí TĐC được 1.759 căn hộ cho người dân vào ở và 1.080 căn giao cho Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm, Cty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 2 để đưa vào sử dụng.
Hiện còn tồn đọng hơn 3.700 căn hộ chưa có người ở. Tại khu TĐC Vĩnh Lộc B thì cuối tháng 11/2017 mới chỉ bố trí được 479/1.939 căn hộ cho người dân vào ở. Số còn lại đành bỏ hoang nên nhiều căn hộ tại đây đã xuống cấp, đường nội bộ hư hỏng, các hạng mục hạ tầng kỹ thuật thiết yếu như siêu thị, bệnh viện, trường học xây xong cũng bỏ hoang.
Cao Cường/BXD