21/10/2019

TP. Hồ Chí Minh: Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng có nguy cơ lại trễ hẹn

Công trình chống ngập gần 10.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đáng kể tình trạng ngập nước, nhưng hiện nay dự án này đang khiến nhiều người dân bức xúc.

VOV đưa tin, theo Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh, dự án giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu – giai đoạn 1, với vốn đầu tư gần 10 ngàn tỷ đồng của Tập đoàn Trung Nam về cơ bản đã giải quyết xong khâu giải phóng mặt bằng và đang điều chỉnh tổng mức đầu tư để gia hạn thời gian tái cấp vốn. Thế nhưng nhà đầu tư vẫn không thể đẩy nhanh tiến độ dẫn đến nguy cơ dự án lại trễ hẹn.

Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng lại có nguy có trễ hẹn khiến nhiều người dân bức xúc

Dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng lại có nguy có trễ hẹn khiến nhiều người dân bức xúc

Chống ngập rồi lại tái ngập nặng

Đợt triều cường cao bất thường vào đầu tháng 10 vừa qua vẫn còn làm nhiều người dân ngán ngẩm. Mực nước dâng cao khiến cho nhiều khu vực như: Thảo Điền (Quận 2), Thanh Đa (Bình Thạnh),…bị ngập sâu trong nước. Người dân nhiều nơi cũng lần đầu tiên “nếm” cảm giác nước triều dâng gây nhiều thiệt hại vật chất và đảo lộn cuộc sống sinh hoạt khi sáng không thể đi làm, buổi chiều không thể về nhà mà phải chờ nước rút.

Anh Bùi Quang Bình, ngụ hẻm 149 Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh cho biết, nhiều ngày phải gửi xe ở ngoài rồi lội nước về nhà. Mực nước ngập năm nay cao hơn nhiều so với những năm trước.

Đợt triều cường cao bất thường vào đầu tháng 10 vừa qua vẫn còn làm nhiều người dân ngán ngẩm. Mực nước dâng cao khiến cho nhiều khu vực như: Thảo Điền (Quận 2), Thanh Đa (Bình Thạnh),…bị ngập sâu trong nước. (ảnh: Xuân Trường).

Đợt triều cường cao bất thường vào đầu tháng 10 vừa qua vẫn còn làm nhiều người dân ngán ngẩm. Mực nước dâng cao khiến cho nhiều khu vực như: Thảo Điền (Quận 2), Thanh Đa (Bình Thạnh),…bị ngập sâu trong nước. (ảnh: Xuân Trường).

Công trình chống ngập do triều gần 10.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đáng kể tình trạng ngập nước đang gây bức xúc tại TP. Hồ Chí Minh. Vì thế, người dân thành phố đang mong ngóng từng ngày dự án sớm hoàn thành.

Theo chuyên gia Hồ Long Phi, vấn đề chống ngập tại TP. Hồ Chí Minh cần có nhiều giải pháp khác nhau chứ không riêng gì công trình chống ngập gần 10.000 tỷ đồng. Giải pháp kỹ thuật trước giờ đã có và thực tế là chúng ta không cần sáng tạo gì mà quan trọng nhất chỉ là ý chí chính trị của thành phố. Về công trình dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng, ông Long Phi đề xuất cần phải xóa bao cấp trong chống ngập, có nghĩa là tính đúng tính đủ và từ đó lôi kéo được tư nhân và doanh nghiệp vào cuộc, không chỉ quá trình xây dựng công trình mà còn ở quá trình duy trì hoạt động, sửa chữa.

“Chuyện vướng mặt bằng lâu nay đã gặp chứ không phải mới đây. Tức là đụng tới cái gì liên quan mặt bằng là rối rắm đủ chuyện. Thành phố đang dựa vào cái đó như phao cứu sinh, nhưng xong rồi sao nữa. Vậy thành phố xoay tiền ở đâu ra, cơ chế vốn sao để giải quyết chuyện đó”, ông Long Phi băn khoăn.

TP. Hồ Chí Minh bao giờ mới hết ngập?

Thông tin trên báo Kinh tế và Đô thị, bên lề hội nghị giao ban thường trực Thành ủy, Ủy ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh với các quận, huyện (ngày 1/10) vừa qua, Bí thư Thành ủy Thành phố Nguyễn Thiện Nhân, cho hay: Triều cường có xu hướng ngày càng dâng cao. Lãnh đạo thành phố rất xót xa khi bà con mình bị đảo lộn cuộc sống, mưu sinh nhưng tình trạng này đã được dự báo trước. Các giải pháp chống ngập ngắn hạn không thể giải quyết. Chỉ còn chờ các giải pháp trung hạn, dài hạn như dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP. Hồ Chí Minh có xét đến biến đổi khí hậu – giai đoạn 1” (còn gọi là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng) mới giải quyết được.

Theo Bí thư Nguyễn Thiện Nhân, trong số 6 cống kiểm soát triều nhà đầu tư đang xây dựng thì còn 2 cống đều tập trung ở huyện Nhà Bè chưa bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công. “6 quận, huyện cam kết với thành phố bàn giao mặt bằng trước ngày 30/6. Hiện nay, 5 quận đã hoàn thành, chỉ còn huyện Nhà Bè. Cần cố gắng bàn giao mặt bằng thi công để công trình sớm hoàn thành, đưa vào vận hành chống ngập. Thành phố phấn đấu trong 10 năm tới phải xóa ngập trong nội thành”, ông Nhân cho biết.

Nhắc tới hiện tượng ngập do triều những ngày qua, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành phố đã nhìn nhận trước được vấn đề. Dự án chống ngập sau khi hoàn thành được kỳ vọng sẽ giải quyết cơ bản được hiện trạng trên.

“Thành phố có đặc điểm là ngoài ngập do mưa còn ngập do triều. Nhìn nhận được vấn đề trên, Thành phố đã đưa dự án chống ngập vào danh sách các công trình trọng điểm trong nhiệm kỳ này”, người đứng đầu Thành ủy Thành phố nói.

Cũng liên quan đến vấn đề chống ngập của Thành phố, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Võ Văn Hoan cho biết, sau những ngày đỉnh triều lên cao, lãnh đạo Ủy ban nhân dân Thành phố cũng cảm thấy sốt ruột với tiến độ dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng, đặc biệt hạng mục ngăn triều của dự án.

“Sau khi hoàn thành, các cống ngăn triều sẽ phối hợp cùng các hồ điều hòa giúp cải thiện vấn đề ngập lụt của Thành phố”, ông Hoan nhận định.

Ông Hoan cũng thông tin thêm về việc Thành phố đang hoàn thiện những khâu cuối cùng nhằm điều chỉnh phụ lục các hạng mục dự án để trình ngân hàng nhà nước, kéo dài thời gian tái cấp vốn. Dự kiến tháng 6 năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án.

“Sau khi hoàn thiện điều chỉnh các hạng mục nội bộ bên trong, Thành phố mới đủ cơ sở để xin gia hạn thời gian tái cấp vốn. Dù có điều chỉnh các hạng mục nhưng tổng mức đầu tư của dự án sẽ không thay đổi”, ông Hoan chia sẻ.

Năm 2050, đất cao dưới 1 m ở TP. Hồ Chí Minh có nguy cơ ngập vĩnh viễn

Theo Nghiên cứu Thành phố thích nghi với biến đổi khí hậu (2010) của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), dự báo đến năm 2050, trong tình huống ngập thường xuyên (ảnh hưởng của thủy triều và mưa gió mùa): Chỉ những diện tích cao hơn 3 m sẽ không bị ngập; đất ở mức 1-3 m bị ngập khi biên độ dao động thủy triều lớn; đất cao dưới 1 m có nguy cơ bị ngập vĩnh viễn. Trong những sự kiện ngập cực đoan (ngập xảy ra trong bão nhiệt đới), chỉ có những diện tích cao hơn 4,5 m không bị ngập.

Với mực nước biển dâng khoảng 26 cm đến 1 m vào năm 2050, diện tích địa lý của vùng ngập dự báo ở Thành phố sẽ tăng 3% với ngập cực đoan và 7% với ngập thường xuyên so với tình trạng ngập năm 2010. Độ sâu ngập tối đa trung bình được dự báo sẽ tăng gần 40% với ngập cực đoan và 21% với ngập thường xuyên. Thời gian ngập cực đoan tăng 12% và ngập thường xuyên tăng 22%.

XT/Báo Dân sinh