20/10/2016

TP HCM sẽ phát triển đô thị theo mô hình tập trung đa cực

Chiều 19/10, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng đã tổ chức hội nghị thẩm định Quy hoạch Xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà – Chủ tịch Hội đồng thẩm định chủ trì hội nghị. Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cùng tham dự.


Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chủ trì hội nghị.

Phát triển “nén” ở các vùng đô thị

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, phạm vi lập điều chỉnh quy hoạch vùng (QHV) TP HCM bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của của TP và 7 tỉnh lân cận gồm: Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang với quy mô dân số khoảng 19,34 triệu người, diện tích đất tự nhiên gần 31 nghìn km2.

Theo đồ án QHV, TP HCM sẽ trở thành một vùng đô thị lớn phát triển năng động và bền vững, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng, có vai trò và vị thế quan trọng trong khu vực và thế giới.

Theo đó, về mô hình phát triển, TP sẽ phát triển theo mô hình tập trung đa cực. Đây là mô hình thích hợp để giải quyết các thách thức chính của vùng, đảm bảo sự thống nhất và cân bằng lãnh thổ, thích ứng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mô hình này đã được thực hiện từ năm 2008 nhưng được điều chỉnh lại dưới hình thức thu gọn và nén hơn quanh các cực tăng trưởng trọng điểm và các trục hành lang phát triển kinh tế. Cụ thể, TP sẽ phát triển nén ở các vùng đô thị, không khuyến khích mở rộng tràn lan, xây dựng các cực tăng trưởng năng động trên vùng nền đất cao hơn ở các khu vực nằm xa trong vùng; Phát triển đô thị ở khu vực trung tâm, thúc đẩy phát triển thích nghi ở các khu vực dễ bị ngập lụt; Tăng cường phát triển theo cụm dọc theo các hành lang phát triển, phát triển mạng lưới đường sắt vùng nhằm khuyến khích tăng trưởng theo cụm…


Đơn vị tư vấn báo cáo đồ án QHV TP HCM.

Về điều chỉnh cấu trúc không gian vùng: TP sẽ củng cố hệ thống giao thông chiến lược vùng. Kết nối từ trung tâm đi tới các cực tăng trưởng và tới các biên giới trong vùng; Hạn chế mở rộng các khu vực đô thị trung tâm hiện tại, cấu trúc lại vùng đô thị trung tâm thành một chỉnh thể thống nhất; Kết nối các khu công nghiệp lớn với các khu đô thị bằng cơ sở hạ tầng xã hội…

Trong quy hoạch chiến lược phát triển không gian vùng, đồ án đề cập đến việc kiểm soát các tác động của biến đổi khí hậu và từng bước áp dụng phát triển thích ứng. Cùng với đó là thành lập Trung tâm chỉ đạo kiểm soát ngập lụt vùng đô thị. Các tỉnh trong vùng cũng cần tham gia phân tích các khả năng tác động của biến đổi khí hậu. Hạn chế phát triển đô thị ở các vùng dễ bị ngập lụt và chịu ảnh hưởng do nước biển dâng. Về phát triển vùng đô thị trung tâm, đồ án nêu rõ, vùng này cần phải được QH như một thực thể thống nhất và trong tương lai nên phát triển lên hướng Bắc và hướng Đông, Tây Bắc.

Vùng TP HCM đã rất thành công trong việc thu hút nguồn vốn FDI trong ngành công nghiệp. Đây cũng là yếu tố quan trọng cần duy trì. Tuy nhiên, quy hoạch (QH) bổ sung hai sáng kiến trong lĩnh vực này, đó là: Cải thiện đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ, đầu ra và đầu vào (thực hiện thông qua Trung tâm xúc tiến hợp tác và phát triển thầu phụ công trình); và khởi động các quy trình phát triển kinh tế địa phương. QH được kỳ vọng sẽ điều chỉnh được vùng trung tâm và kiểm soát được sự phát triển của khu vực này.

Ngoài ra, đồ án cũng đề cập đến việc QH nhiều lĩnh vực khác của TP HCM.

Cụ thể hóa các mô hình phát triển

Đóng góp ý kiến vào nội dung đồ án Quy hoạch Xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, các chuyên gia cơ bản đánh giá, đồ án đã được thực hiện một cách công phu, bài bản và khoa học, có sự tham gia của nhiều Bộ, ngành địa phương và các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phản biện đã được đưa ra nhằm phân tích, làm rõ những mặt được, chưa được để đơn vị tư vấn tiếp thu, điều chỉnh để nâng cao chất lượng QH.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch, Phát triển đô thị Việt Nam đánh giá, đồ án đã cơ bản đánh giá, phân tích thực trạng phát triển một cách toàn diện. Đồ án đã đề xuất khá đầy đủ QH hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường thủy, trong đó có tính đến phát triển mạnh hệ thống giao thông đường sắt, các đầu mối kết nối đa phương tiện, các trục kết nối liên vùng quốc gia và quốc tế. Tuy nhiên, đồ án cần làm rõ nhu cầu đất phát triển mới cho từng giai đoạn, trong đó cần lưu ý đến việc rà soát thực tế đất đô thị, đất dự án BĐS, công nghiệp chưa sử dụng hết để tiếp tục đưa vào QH lần này. Dự báo cũng cần nhất quán với quan điểm đồ án đó là phát triển các đô thị nén, phát triển tập trung không dàn trải và tiết kiệm đất, nhất là các khu vực bị ảnh hưởng của ngập lụt.

Chuyên gia QH đến từ nước Anh, ông Ian Green thì cho rằng, đồ án đã đáp ứng được những thách thức mà TP HCM phải đối chọi. QH đã tính đến rất kỹ các bối cảnh quốc tế, vùng và quốc gia, sự liên hệ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng thích ứng với biến đổi khí hậu… mang lại lợi ích cho người dân ở trong khu vực. Tuy nhiên, ông Ian Green băn khoăn, phát triển bao trùm cần đầu tư rất lớn liệu chúng ta có đủ điều kiện để pháttriển hạ tầng và phát triển bền vững không? Từ đó, ông Ian Green đề xuất đồ án cần hướng tới mục tiêu chiến lược đơn giản hơn, cụ thể hơn để tăng tính khả thi.

Các chuyên gia cũng cho rằng, về mô hình hệ thống đô thị, đồ án cần làm rõ hơn định hướng phát triển đô thị trung tâm theo mô hình đại đô thị bao gồm TP HCM và vùng phụ cận. Về cầu trúc không gian vùng, đồ án đã nghiên cứu 4 vùng phát triển cơ bản và 6 hành lang phát triển. Tuy nhiên, cần phải xác định thêm 2 hành lang quan trọng nữa là hành lang biên giới (gắn với kinh tế cửa khẩu và an ninh quốc phòng) và hành lang ven biển (gắn với việc khai thác tiềm năng kinh tế biển)….

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà khẳng định, đồ án Quy hoạch Xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là đồ án lớn và có ý nghĩa quan trọng về kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng. Bộ trưởng đánh giá đồ án đã được thực hiện công phu, có cơ sở khoa học, thực tiễn, có tính tới việc kế thừa tiếp thu và có sựtham gia ý kiến của nhiều ngành, địa phương, tổ chức quốc tế. Về cơ bản, các ý kiền đồng tình với nội dung đồ án. Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý, trong quá trình lập đồ án vẫn còn một số băn khoăn cần tiếp thu, nghiên cứu như: tính phù hợp của đồ án QH này đối với các QH khác; Cần nêu rõ cụ thể những hạn chế bất cập cũng như những thách thức trong quá trình triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, đây là vùng đô thị đặc biệt nên những tác động của TP HCM với khu vực lân cận như thế nào? Và với đồng bằng sông Cửu Long ra sao?


Bộ trưởng Phạm Hồng Hà phát biểu kết luận hội nghị.

Bộ trưởng yêu cầu đơn vị tư vấn cần làm rõ mô hình phát triển và mục tiêu phát triển đơn giản hơn, hệ thống hơn. Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh, việc tổ chức thực hiện rất quan trọng. Đơn vị tư vấn cần tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, chỉnh sửa, hoàn thiện để nâng cao chất lượng đồ án hơn nữa.

Vân Anh/Báo Xây dựng