28/12/2020

Tổng kết 3 năm thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ

Sáng 25/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thanh tra Bộ Xây dựng đã tổ chức Hội nghị “Tọa đàm và tổng kết thực hiện Nghị định số 139/2017/NĐ-CP (Nghị định 139) của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước ngành Xây dựng”. Hội nghị nhằm tổng hợp phản ánh từ thực tiễn 3 năm triển khai Nghị định.

Chủ trì buổi Tọa đàm (từ trái sang): ông Hoàng Hải - Cục Trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, ông Lê Văn Lãng - Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng

Chủ trì buổi Tọa đàm (từ trái sang): ông Hoàng Hải – Cục Trưởng Cục Công tác phía Nam – Bộ Xây dựng; ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng, ông Lê Văn Lãng – Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết, trong 3 năm thực hiện, bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, theo phản ánh của các địa phương, việc tổ chức thực hiện Nghị định số 139 đã bộc lộ một số vướng mắc, khó khăn.

Tổng hợp sơ bộ có 7 nhóm vướng mắc: Nghị định 139 không quy định mức phạt theo tỷ lệ hoặc mức độ sai phạm dẫn đến bất cập trong xử lý; Khó khăn trong việc xác định thời điểm tính thời hiệu theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định về khảo sát xây dựng, lập, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng, thiết kế, dự toán xây dựng công trình; Khó khăn trong việc xác định hành vi vi phạm hành chính để xử phạt khi công trình xây dựng sai giấy phép xây dựng và sai cả quy hoạch; Khó xử lý vi phạm đối với chủ đầu tư hiện nay nhận tiền ứng trước, đặt cọc, thỏa thuận giữ chỗ đối với khách hàng; Nghị định 139 chỉ nêu thẩm quyền của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, nhưng chưa nêu rõ quy trình, trách nhiệm trong công tác này;

Việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng của Chánh Thanh tra Sở trên thực tế rất khó khăn do không đủ nhân lực và chi phí; Nghị định 139 quy định về việc cho dừng 60 ngày làm thủ tục điều chỉnh giấy phép áp dụng đối với công trình không phép, sai phép mà đang thi công, trên thực tế theo phản ánh là không đủ thời gian; Việc xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với ban quản trị nhà chung cư, do không phải là pháp nhân độc lập, không có tiền hoặc tài sản riêng nên ban quản trị nhà chung cư sẽ sử dụng kinh phí bảo trì phần sơ hữu chung của cư dân để đóng tiền phạt vi phạm hành chính.

Ông Trương Công Nam - Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh nêu kiến nghị

Ông Trương Công Nam – Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh nêu kiến nghị

Tại Hội nghị, ông Trương Công Nam – Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh đã nêu 5 vấn đề khó khăn khi thực hiện Nghị định tại địa bàn như: Nghị định chỉ quy định xử phạt hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ ở khu vực đô thị, không quy định xử phạt hành vi xây dựng nhà ở riêng lẻ (không phép, sai phép) ở khu vực nông thôn; chưa rõ trong việc xác định hành vi tái phạm để xử phạt; xử lý vi phạm hành chính đối với việc thực hiện sai công năng như: Chung cư mini, nhà 3 chung; áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với công trình không phép, sai phép, sai chỉ giới xây dựng, sai thiết kế, sai quy hoạch; vướng mắc trong thực hiện điều 79 của Nghị định…

Ông Nam cho hay, hiện nay, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh xuất hiện một số trường hợp người dân xin Giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ (có quy mô, diện tích lớn), tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư tự ý ngăn chia thành nhiều phòng thành chung cư mini hoặc phân thành nhiều căn nhà để kinh doanh. Đối chiếu với Điều 98 Luật Xây dựng, Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh nhận thấy, hành vi ngăn chia bên trong công trình không làm thay đổi một trong các yếu tố về vị trí, diện tích xây dựng; quy mô, chiều cao, số tầng của công trình và các yếu tố khác ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực chính thì không xem là hành vi sai phép. Như vậy, để ngăn chặn và xử lý đối với hành vi xây dựng chưng cư mini, xây dựng nhà 3 chung trên địa bàn thành phố thì phải áp dụng quy định nào để xử lý. “Nếu không có quy định chặt chẽ, loại hình này sẽ tiếp tục phát triển, làm phá vỡ quy hoạch do tăng mật độ dân cư cục bộ”, ông Trương Công Nam nói.

Ông Lê Hữu Hiệp, Đội Trưởng Đội Thanh tra địa bàn huyện Hóc Môn phát biểu ý kiến

Ông Lê Hữu Hiệp, Đội Trưởng Đội Thanh tra địa bàn huyện Hóc Môn phát biểu ý kiến

“Nghị định 139 không quy định xử lý công trình không phép hoặc xử lý công trình xây dựng sai nội dung so với giấy phép được cấp ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, địa bàn chúng tôi là huyện ngoại thành, hiện nay đang trong quá trình đô thị hóa. Do đó, câu hỏi đặt ra là những khu vực chưa có quy hoạch đô thị thì mình xem nó là nông thôn hay đô thị?”, ông Lê Hữu Hiệp – Đội Trưởng Đội Thanh tra địa bàn huyện Hóc Môn, Thành phố Hồ Chí Minh thắc mắc.

Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ Xây dựng tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành các biện pháp ngăn chặn, xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng. Đây là việc cấp bách, bởi, Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ quy định cụ thể các biện pháp ngăn chặn, xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, đến nay Nghị định số 180/2007/NĐ-CP của Chính phủ đã hết hiệu lực thi hành.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương trình bày ý kiến.

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương trình bày ý kiến

Ông Huỳnh Phạm Tuấn Anh – Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương nêu hàng loạt những bất cập khi thực hiện Nghị định như: Áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất chính như thế nào; Không thống nhất về cách hiểu “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm phải làm thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh hoặc cấp Giấy phép xây dựng”. Như vậy, đối tượng vi phạm chỉ làm các thủ tục để điều chỉnh hoặc cấp Giấy phép xây dựng hay bắt buộc phải có Giấy phép xây dựng hoặc Giấy phép xây dựng được điều chỉnh; việc quy định biện pháp khắc phục hậu quả trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai và xây dựng không thống nhất, mâu thuẫn đối với cùng một trường hợp khi áp dụng quy định của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP và Nghị định 91/2019/NĐ-CP….

Ông Tuấn Anh cho hay, một số chủ đầu tư dự án nhà ở và các tổ chức, cá nhân có liên quan, trong quá trình triển khai việc đầu tư xây dựng dự án chưa hoàn chỉnh các thủ tục theo quy định nhưng đã có các hoạt động tiếp thị, quảng bá sản phẩm nhà ở tại dự án cho khách hàng có nhu cầu và có lập các thỏa thuận dưới các hình thức như: Giấy xác nhận ưu tiên; Hợp đồng dịch vụ môi giới độc quyền; Hợp đồng đặt chỗ, đặt cọc; Phiếu đăng ký giữ chỗ và phiếu thu… Các văn bản thỏa thuận này được lập có chữ ký của khách hàng và dấu, chữ ký của chủ đầu tư dự án. Ngoài ra, còn có trường hợp một tổ chức, doanh nghiệp khác lập các văn bản dưới hình thức thỏa thuận tìm hiểu sản phẩm dự án, tìm hiểu thị trường để giới thiệu cho khách hàng nhưng bản chất là nhằm mục đích giao dịch các sản phẩm bất động sản tại dự án chưa đảm bảo các điều kiện để thực hiện việc kinh doanh bất động án theo quy định pháp luật. Các văn bản được liệt kê như trên có một số loại tuy không thể hiện với tiêu đề là hợp đồng nhưng hầu hết thể hiện các nội dung của Hợp đồng theo quy định của Điều 398 Bộ Luật Dân sự nhằm để thỏa thuận để thực hiện các giao kết về các hoạt động kinh doanh bất động sản không đúng quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản. Vậy việc lập các thỏa thuận dưới các hình nêu trên có được coi là hành vi vi phạm quy định về kinh doanh bất động sản quy định tại Chương V Nghị định số 139/2017/NĐ-CPcủa Chính phủ không?

Trong quá trình kiểm tra, Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương phát hiện trường hợp các chủ đầu tư xây dựng công trình có thay đổi công năng sử dụng của công trình như: Xin phép xây dựng nhà ở nhưng sử dụng làm văn phòng Công ty hay nhà kho; xin phép xây dựng là nhà sinh hoạt cộng đồng nhưng chủ đầu tư sử dụng để kinh doanh thương mại (đối với chung cư)… Tuy nhiên, theo Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ không có quy định xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi công trình sử dụng sai công năng nên Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương khó khăn trong việc củng cố căn cứ pháp lý để tiến hành xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm này.

Toàn cảnh Hội nghị

Toàn cảnh Hội nghị

Ngoài ra, còn một số khó khăn khác như, định nghĩa “công trình khác”; xử phạt nhà thầu; xử phạt đối với hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà vẫn tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm; xây dựng công trình có diện tích nhỏ hơn so với Giấy phép xây dựng được cấp; thời gian thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tháo dỡ công trình vi phạm được tính như thế nào; xác định mức thời gian tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; xử phạt thế nào đối với công trình lắp ghép di động…

Sở Xây dựng Bình Dương đề nghị hướng dẫn các quy trình xử lý vi phạm hành chính các trường hợp vi phạm và mẫu hóa biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt và các loại văn bản khác liên quan đến việc xử lý vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm; cụ thể hóa cách tính giá trị xử lý đối với trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu lại số lợi bất hợp pháp. Đồng thời, Sở kiến nghị Bộ Xây dựng bổ sung thêm các khái niệm, các từ ngữ còn có sự hiểu không giống nhau hoặc chưa có quy định tại các văn bản pháp luật liên quan như: Cách xác định “ngày dự án được bàn giao, đưa vào sử dụng”; làm rõ về công trình lắp ghép di động, container; “công trình khác”…

Ông Trần Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến, kiến nghị

Ông Trần Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chánh Thanh tra tỉnh Bạc Liêu phát biểu ý kiến, kiến nghị

Tại buổi Tọa đàm, ông Trần Nguyễn Thanh Tâm – Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bạc Liêu nêu nhiều vướng mắc tại địa phương. Việc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc tháo dỡ công trình vi phạm trong khu dân cư, khu đô thị mới là chưa phù hợp. Bộ Xây dựng cần có hướng dẫn thêm về nội dung này ví dụ như áp dụng “Buộc thực hiện theo quy hoạch được duyệt”. Hiện nay, nhiều hộ gia đình sử dụng công trình sai công năng và mục đích được phê duyệt ban đầu. Cụ thể, qua hình thức xin Giấy phép xây dựng nhà ở, nhưng công trình lại được sử dụng để làm nhà trọ hoặc nhà nuôi yến… rất khó xử lý. Nghị định 139 chỉ nêu thẩm quyền xử phạt của các tổ chức, cá nhân trong quản lý, xử lý vi phạm nhưng chưa nêu rõ quy trình, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý, xử lý trật tự xây dựng. Việc này dẫn đến còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa chính quyền địa phương và các ngành chức năng (như Thanh tra Sở Xây dựng) làm cho công tác quản lý trật tự xây dựng chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Nghị định 139 không quy định rõ việc xử lý các hành vi trong lĩnh vực đấu thầu hoặc quy định rõ chuyển sang cơ quan nào xử lý khi phát hiện vi phạm trong lĩnh vực này (mặc dù trong chức năng của Thanh tra Sở Xây dựng có kiểm tra công tác đấu thầu). Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 01/6/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư không quy định thẩm quyền xử phạt của Thanh tra Xây dựng (thẩm quyền xử phạt thuộc về: Thanh tra Kế hoạch ĐT, UBND các cấp, Thuế, Quản lý Thị trường) mà theo quy định tại Khoản 4, Điều 56 Nghị định 50 chỉ cho phép Công chức thuộc các cơ quan quản lý Nhà nước lập biên bản vi phạm hành chính. Tuy nhiên, Khoản này không nêu cụ thể công chức thuộc ngành nào được lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển đến cơ quan nào để ra quyết định…

Xoay quanh các nhóm vướng mắc này, phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Văn Lãng – Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng – phụ trách phía Nam tổng kết có 5 nhóm kiến nghị, gồm: Kiến nghị liên quan đến quy định chung (về mức độ xử phạt, khung xử phạt, xác định thời điểm để tính thời hiệu xử phạt…); Kiến nghị liên quan đến quy định trong lĩnh vực hoạt động đầu tư xây dựng; Kiến nghị liên quan đến quy định về hoạt động kinh doanh bất động sản; Kiến nghị liên quan đến quy định Luật Xử lý vi phạm hành chính, trách nhiệm, quy trình xử lý vi phạm hành chính; Kiến nghị liên quan đến các quy định cần được nghiên cứu, lấy ý kiến thảo luận tại hội nghị.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng đánh giá cao ý kiến, kiến nghị của các tỉnh, quận, huyện. Ông cho biết, những ý kiến này sẽ được tiếp thu một cách cẩn trọng, đúng quy định pháp luật để sau đó đưa vào sửa đổi Nghị định 139, nhằm tiếp tục đảm bảo được nguyên tắc các hành vi được phủ kín, phân loại hành vi vi phạm, mức xử phạt phải có tính răn đe và có tính khả thi cao trên thực tiễn.

“Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức các buổi Hội nghị để lấy ý kiến của người dân, doanh nghiệp và các Hiệp hội… Dự kiến khoảng cuối quý I/2021, Thanh tra Bộ Xây dựng sẽ báo cáo lên Bộ trưởng Bộ Xây dựng, thực hiện theo đúng trình tự quy định xây dựng văn bản vi phạm pháp luật của Bộ và các quy định của Bộ Tư pháp”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết.

Từ năm 2018 đến ngày 15/12/2020, các đơn vị chức năng ngành Xây dựng đã kiểm tra và lập hồ sơ xử lý đối với 18.125 trường hợp, xử phạt 12.152 trường hợp với tổng số tiền trên 540 tỷ đồng; cưỡng chế thi hành 4.113 trường hợp vi phạm. Trong đó, 19 Sở Xây dựng miền Nam đã kiểm tra và xử lý 5.466 trường hợp vi; xử phạt 3.664 trường hợp với số tiền trên 170 tỷ đồng; cưỡng chế thi hành 1.032 trường hợp vi phạm.

Tâm Bút/BXD