07/07/2016

Tiêu chí nào cho công trình xanh?

Đây là vấn đề được đặt ra tại Hội thảo tham vấn về đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ công trình xanh (CTX) ở Việt Nam, do Bộ Xây dựng tổ chức tại Hà Nội, ngày 6/7.

Các đơn vị tư vấn đánh giá CTX áp dụng tiêu chuẩn khác nhau

Tại Việt Nam hiện đang có một số đơn vị tư vấn đánh giá CTX. Đó là Hội đồng CTX Việt Nam đánh giá theo tiêu chuẩn Lotus, đã cấp chứng nhận cho 4 công trình; Tổ chức tư vấn của Mỹ đánh giá theo tiêu chuẩn Leed, đã cấp chứng chỉ cho 13 công trình; Tổ chức tư vấn của Singapore đánh giá theo tiêu chuẩn Green Mark và cấp chứng nhận có 6 trình; Hội Kiến trúc Việt Nam bình chọn và cấp chứng nhận Giải thưởng kiến trúc xanh cho 26 công trình. Mới đây nhất, Tổ chức IFC thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới cũng đã tham gia thị trường và cấp chứng nhận CTX cho một số công trình theo tiêu chuẩn Edge.

Và đương nhiên, mỗi tiêu chuẩn có những quy định, đánh giá, công nhận và xếp hạng CTX khác nhau. Hệ thống chứng nhận Lotus chú trọng đánh giá các tác động tiêu cực tới môi trường, việc sử dụng tài nguyên hiệu quả, mức độ tiện nghi của người sử dụng trong các giai đoạn thiết kế, xây dựng và vận hành…

Trong khi đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam chứng nhận kiến trúc xanh theo 5 nhóm tiêu chí gồm: địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng luợng hiệu quả; chiến lược môi trường trong nhà; kiến trúc tiên tiến, bản sắc; tính xã hội – nhân văn bền vững.

Với quan điểm để phù hợp với đa số các chủ đầu tư tại một thị trường phát triển như Việt Nam và để khuyến khích đa số các công trình trên thị trường hướng tới phát triển xanh, IFC áp dụng tiêu chuẩn Edge mà tự nhận là một công cụ đơn giản, nhanh chóng và hợp túi tiền hơn. Theo đó, Edge tập trung đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên trong công trình. Chỉ cần công trình có các giải pháp tiết kiệm từ 20% năng lượng, nước, vật liệu… trở lên là đã đủ tiêu chuẩn tiếp cận với chứng chỉ CTX Edge.

Như vậy là cho đến nay, Việt Nam chưa có tiêu chuẩn CTX quốc gia.

Hệ thống đánh giá CTX cần phải phù hợp với điều kiện Việt Nam

Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng đã phân tích những rào cản trong phát triển CTX tại Việt Nam. Theo GS Nguyễn Hữu Dũng (Chủ tịch Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam – VACEE), phát triển đô thị xanh và CTX hiện đang là những nội dung khiêm tốn trong Chương trình tăng trưởng xanh Việt Nam. Cơ quan quản lý nhà nước chưa có định hướng chiến lược và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển CTX. Chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm luật bảo vệ môi trường và thường chỉ gắn đầu tư xanh với lợi nhuận. Trong khi đó, người sử dụng và chủ sở hữu công trình còn quan ngại phát triển CTX làm tăng vốn đầu tư xây dựng lên 15 – 20% so với đầu tư thông thường. Trong khi trên thực tế đầu tư CTX chỉ làm tăng thêm khoảng 5 – 8% so với đầu tư thông thường. Thậm chí có hệ thống tiêu chí, chỉ cần tăng thêm 2% chi phí đầu tư là có được CTX.

Để thúc đẩy phát triển công trình xanh tại Việt Nam, GS Dũng kiến nghị: Bộ Xây dựng chỉ đạo điều hành, tạo điều kiện cho các tổ chức có hệ thống đánh giá CTX hoạt động hiệu quả tại Việt Nam. Đồng thời, Bộ Xây dựng nên giao nhiệm vụ cho một vụ chức năng thành lập tổ chức phát triển CTX. Đơn vị này có chức năng soạn thảo để Bộ ban hành thông tư, quy định thúc đẩy phát triển CTX; tổ chức thẩm định cấp giấy phép chứng nhận CTX và ban hành hệ thống tiêu chí đánh giá CTX Việt Nam để công nhận, đánh giá CTX, đô thị xanh. Tổ chức CTX Việt Nam nên có đại diện thành viên của một số hội nghề nghiệp như Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam…

Tương tự, đại diện WINROCK, ông Đặng Vũ Tùng cũng cho rằng: Để thúc đẩy hiệu quả năng lượng trong ngành xây dựng Việt Nam, cần có sự tham gia của tất cả các bên, gồm Nhà nước, các hội nghề nghiệp kỹ thuật như Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam, Viện Kiến trúc Quốc gia, Trường Đại học Xây dựng, Trường Đại học Kiến trúc, Hội VLXD, Hiệp hội BĐS Việt Nam, các tổ chức tài chính…

Cần có cơ chế, chính sách ưu đãi trong đầu tư xây dựng CTX

Từ kết quả nghiên cứu và soạn thảo quy định về hoạt động đánh giá và chứng nhận CTX, ông Nguyễn Trung Hòa (nguyên Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng) đề xuất: Hoạt động đăng ký, đánh giá và chứng nhận CTX là hoạt động trên nguyên tắc tự nguyện. Các tổ chức đánh giá, chứng nhận CTX phải thực hiện việc đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật đồng thời gửi đăng ký hoạt động của tổ chức cho Bộ Xây dựng. Các tổ chức đánh giá phải có hệ thống các tiêu chí CTX cho mỗi thể loại công trình dân dụng, công nghiệp được xây dựng mới hoặc công trình đang hiện hữu, hoặc cải tạo. Hệ thống tiêu chí phải bao hàm đầy đủ các nội dung về vị trí xây dựng bền vững; hiệu quả sử dụng năng luợng; hiệu quả sử dụng nước và tài nguyên nước; hiệu quả sử dụng vật liệu và tài nguyên; môi trường và tiện nghi trong nhà; quản lý vận hành; sáng kiến, cải tiến trong thiết kế, xây dựng công trình…

Các chuyên gia cũng nhất trí cho rằng, nên sớm ban hành hệ thống tiêu chí quốc gia về CTX. Đây là tiêu chí khung, trên cơ sở đó các đơn vị tư vấn đánh giá, công nhận, cấp chứng chỉ CTX xây dựng tiêu chí cụ thể, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Việc đánh giá, cấp chứng chỉ nên xã hội hóa và do các tổ chức đánh giá. Bộ Xây dựng là quy định và thẩm định điều kiện năng lực của các tổ chức đánh giá, chứng nhận CTX.

Đặc biệt, Bộ Xây dựng cần cùng với các bộ, ngành khác phối hợp để nghiên cứu, đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư CTX. Bởi khi được hưởng lợi về thuế, về chỉ số xây dựng chẳng hạn, chắc chắn các chủ đầu tư hào hứng phát triển CTX.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho ý kiến về thời hạn chứng nhận CTX, về quản lý hoạt động của các tổ chức đánh giá, công nhận CTX, góp ý cho hệ thống tiêu chí đánh giá CTX. Hệ thống tiêu chí đánh giá không nên quá phức tạp mà phải phù hợp với điều kiện Việt Nam, phải có lộ trình và phù hợp với mức thu nhập GDP trong từng thời kỳ. Không thể áp dụng tiêu chí CTX ở đất nước thu nhập bình quân 30 nghìn USD/người/năm với đất nước có thu nhập bình quân 2 nghìn USD/người/năm.

Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Công Thịnh cho biết: Cuối năm 2016, Bộ Xây dựng sẽ ban hành quy định về hoạt động đánh giá và chứng nhận CTX. Việc xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá CTX quốc gia sẽ cần thêm nhiều thời gian. Hội thảo lần này là hội thảo đầu tiên, lấy ý kiến đóng góp cho quy định trên. Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thành dự thảo quy định và cũng sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong nghiên cứu, xây dựng và đề xuất Chính phủ ban hành cơ chế chính sách ưu đãi đối cho chủ đầu tư, người sử dụng CTX…

Hòa Bình