07/03/2018

Thuỵ Điển chia sẻ kinh nghiệm về phát triển bền vững và các khuyến nghị đối với Việt Nam

Sáng 6/3 tại Hà Nội, đã diễn ra sự kiện trao đổi “Kinh nghiệm Thuỵ Điển về phát triển bền vững và các khuyến nghị đối với Việt Nam”. Tham dự sự kiện có ông Lars Ronnas – Đại sứ đặc trách Biến đổi khí hậu (BĐKH) (toàn cầu) của Thuỵ Điển; ông Phạm Tùng Lâm – Đại sứ quán Thuỵ Điển tại Việt Nam; các đại diện khác đến từ Thuỵ Điển và các cơ quan thông tấn báo chí khác.


Ông Lars Ronnas – Đại sứ đặc trách BĐKH của Thuỵ Điển chia sẻ tại sự kiện.

Tại buổi trao đổi, ông Lars Ronnas – Đại sứ đặc trách BĐKH (toàn cầu) của Thuỵ Điển cho biết: BĐKH không còn là câu chuyện của tương lai mà là câu chuyện của hiện tại. Các hiện tượng thời tiết thay đổi như hiện tượng băng tan, nước biển dâng… là những tín hiệu rất đáng lo ngại. Chúng ta đang trong giai đoạn chuyển tiếp, do đó cần có sự phối hợp hài hòa nhằm hướng đến tương lai, vì vậy, cần tổ chức xã hội sao cho không bị ảnh hưởng bởi những tác động xung quanh. Trước đây, nhiều quốc gia sẽ học tập và làm theo những mô hình từ phương Tây. Trong đó, Thuỵ Điển là một nước có thiết chế xã hội và tiếp cận thông tin tự do, tuy nhiên, các quốc gia khác nếu muốn thì cần có sự học hỏi một cách chọn lọc và cân nhắc trong việc áp dụng để việc sử dụng nguồn tài nguyên đặc biệt là tài nguyên nước đạt được hiệu quả tốt nhất. Nhằm hướng đến một nền kinh tế phát triển xanh, con người cần có những giải pháp để việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên ngày hôm nay để không ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai, từ đó mở ra các cơ hội mới. Bên cạnh đó, việc giải quyết các thách thức BĐKH không chỉ giải quyết vấn đề hiện tại mà còn mang tính chất định hướng cho tương lai. Nếu tăng cường đầu tư vào các giải pháp thông minh thì việc phát triển kinh tế cũng hiệu quả hơn.

Ông Lars Ronnas nhấn mạnh: Việc phát triển kinh tế cần đi đôi với bảo vệ môi trường. Với kinh nghiệm 20 – 25 năm, kinh tế Thuỵ Điển đã tăng trưởng 58%, cùng với đó, phát thải GHG của Thuỵ Điển chỉ còn 55,8 triệu tấn CO2 so với 71,8 triệu tấn năm 1990 (giảm đến 22%). Mức phát thải nhà kính của Thuỵ Điển nằm ở mức thấp nhất trong khối EU và OECD (tính theo đầu người). Dự kiến đến năm 2035, Quốc hội Thuỵ Điển sẽ đưa ra chính sách nhằm trong khuôn khổ đối phó với BĐKH, đưa mức phát thải nhà kính về con số 0. Và Thuỵ Điển sẽ luôn cố gắng nỗ lực đưa ra nhiều ý tưởng mới để đạt được các mục tiêu đề ra.

Chính phủ cũng đã đưa ra một số hình thức ưu đãi xanh để giúp nền kinh tế Thuỵ Điển phát triển bền vững. Các ưu đãi khác bao gồm quỹ của Nhà nước hỗ trợ cho đối phó BĐKH ở các địa phương.

52% năng lượng của Thuỵ Điển đến từ các nguồn tái tạo, chủ yếu là thuỷ điện và nhiên liệu sinh học. Thuỵ Điển có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao nhất ở EU. Theo dự đoán của Cơ quan Năng lượng Thuỵ Điển, tỷ lệ này có thể tăng lên 55% vào năm 2020.

Phát biểu tại buổi trao đổi, ông Jakob Granit – Tổng Giám đốc Cơ quan quản lý Hàng hải và Nước của Thuỵ Điển chia sẻ: Trong quá trình nghiên cứu, ông nhận thấy có nhiều điểm tương đồng với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc như mục tiêu số 14 về bờ biển và đại dương, mục tiêu số 6 về nguồn nước ngọt, mục tiêu số 15 về đa dạng sinh học… từ đó, có thể đưa ra các chiến lược một cách phù hợp và tính hợp nhất. Thuỵ Điển đã và đang trao đổi với các cơ quan, các đối tác của Việt Nam cũng như các nước khác trong khu vực để ứng dụng mô hình “Source to Sea” một cách hiệu quả nhất, hướng đến một nền kinh tế xanh. Thuỵ Điển cũng mong muốn sẽ tìm ra được nhiều các giải pháp thông minh, sáng tạo hơn trong tương lai, ứng dụng kỹ thuật, công nghệ thông tin để khuyến khích và thu hút nhiều đối tượng tham gia hơn nữa.

Ngoài ra, hội đồng cũng được lắng nghe nhiều ý kiến khác đến từ đại diện của Thuỵ Điển. Nhìn chung, các đánh giá đều cho rằng để đối phó với biến đối khí hậu, rất cần có sự phối hợp của các cơ quan Chính phủ, phi Chính phủ, các doanh nghiệp để đưa ra được các biện pháp toàn diện, phù hợp với những thách thức của từng quốc gia, từ đó định hướng về các dự án phát triển bền vững trong tương lai, như việc sử dụng năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời… Bên cạnh đó, cần đánh giá và ước tính cụ thể trong lĩnh vực biển, hàng hải; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia và đưa ra các biện pháp phát triển xanh.

Về hợp tác của các doanh nghiệp giữa Việt Nam và Thuỵ Điển, với thế mạnh và chuyên môn của Thuỵ Điển trong quá trình phát triển năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp Thuỵ Điển sẵn sàng đổi mới sáng tạo và có những định hướng phù hợp với Việt Nam trong quá trình phát triển xanh. Và đây không chỉ mang tính chất ngoại giao mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp có những đột phá và đưa ra các mô hình mới. Thuỵ Điển mong muốn hoàn tất quá trình đàm phán với Việt Nam để có cơ hội hợp tác mới với các đối tác tại đây. Trước hết là thảo luận ở cấp các cơ quan Chính phủ, sau đó là hợp tác với các doanh nghiệp. Trong quá trình chuyển đổi, Thuỵ Điển mong muốn biến các dự án xây dựng thuỷ điện ở Việt Nam thành các dự án bền vững hơn.

Huyền Trang