22/08/2020

Thường trực Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng

Chiều 21/8, Thường trực Thành ủy Hà Nội có buổi làm việc về kết quả phối hợp công tác giữa Bộ Xây dựng và UBND Thành phố; các cơ chế, chính sách và vấn đề lớn trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của thành phố, các vấn đề khó khăn, vướng mắc và đề xuất các nội dung cần thúc đẩy triển khai trong năm 2020 và những năm tiếp theo.

Quang cảnh hội nghị

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Vương Đình Huệ – Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết: Hà Nội là Thủ đô, là trái tim, là đầu não chính trị – hành chính quốc gia. Xây dựng, phát triển và bảo vệ Thủ đô là nhiệm vụ thường xuyên, trực tiếp của các cấp chính quyền và nhân dân Thành phố Hà Nội và là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, các lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước. Luật Thủ đô đã nêu rõ “Xây dựng và phát triển Thủ đô phải được thực hiện theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, các quy định của pháp luật về xây dựng, về quy hoạch đô thị và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường; bảo đảm quốc phòng, an ninh, kết nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của Thủ đô với các tỉnh, thành phố”.

Trong các năm qua, bám sát định hướng nêu trên, thành phố đã cụ thể công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị vào các văn kiện Đại hội Đảng bộ Thành phố, các chương trình hành động cụ thể của Thành ủy và đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên với tốc độ đô thị hóa nhanh, địa giới hành chính rộng, dân số gia tăng nhanh và sự di biến động lớn… do đó công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị còn nhiều khó khăn.

Hôm nay, Thành phố Hà Nội cùng với tập thể Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng, lãnh đạo một số Bộ, ngành của Trung ương tổ chức hội nghị làm việc để cùng bàn bạc, thảo luận một số nội dung lớn, quan trọng. Từ đó xác định những giải pháp căn cơ, hiệu quả trong công tác xây dựng, phát triển và quản lý đô thị, nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.

Triển khai thực hiện khâu đột phá về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn giai đoạn 2016 – 2020”, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 06-CTr/TU về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh hiện đại giai đoạn 2016 – 2020”. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị Thành phố Hà Nội, trong những năm qua công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thủ đô đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét (đặc biệt là hệ thống hạ tầng đô thị, phát triển nhà ở), đóng góp quan trọng không chỉ trong phát triển kinh tế – xã hội mà còn góp phần xây dựng bộ mặt Thành phố Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại, xứng đáng với vị thế là Thủ đô của cả nước.

Trên cơ sở các chủ trương, cơ chế, chính sách của Trung ương và để cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý Nhà nước, đồng thời tạo môi trường pháp lý thuận lợi, minh bạch, hiệu quả trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.

Thành phố đã phê duyệt 59/68 đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu trên cơ sở ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng (tỷ lệ phủ kín quy hoạch đạt 83%); 216 đồ án quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị với tổng diện tích khoảng 14.116,3ha; đã và đang xây dựng 35 quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị (05 quy chế đặc thù, 13 quy chế quận, thị xã và 14 quy chế thị trấn. Có 326/356/382 xã hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã (điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới). Chất lượng quy hoạch ngày càng được nâng lên, cơ bản bám sát yêu cầu và nhiệm vụ phát triển của Thủ đô. Diện mạo Thủ đô ngày càng được cải thiện, khang trang, hiện đại hơn.

Công tác quản lý, phát triển hệ thống hạ tầng đô thị được chú trọng: Tỷ lệ cấp nước sạch của thành phố đến hết năm 2019 đạt cao (xấp xỉ 100% khu vực nội thành và 78% khu vực nông thôn); Tập trung xây dựng các trạm xử lý nước thải tập trung (sinh hoạt, y tế, cụm công nghiệp…); Triển khai các dự án nạo vét, cải tạo chất nước các hồ trên địa bàn; Tiếp tục mở rộng diện tích cây xanh, đảm bảo chiếu sáng, vệ sinh môi trường, hạ ngầm các tuyến cáp điện, viễn thông tạo cảnh quan đô thị. Công tác quản lý, đầu tư, phát triển nhà ở, nhà ở xã hội đạt tốt, công tác quản lý xây dựng và trật tự xây dựng được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đúng quy định.

Qua báo cáo của Ban cán sự Đảng UBND thành phố cho thấy công tác phối hợp giữa UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng giai đoạn 2015 – 2020 được thực hiện chặt chẽ, bài bản trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của Thành phố Hà Nội nhìn chung còn nhiều tồn tại, hạn chế chưa đáp ứng nhu cầu, tốc độ phát triển và chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô.

Điển hình là công tác quy hoạch còn chưa đảm bảo tính dự báo, một số đồ án quy hoạch chất lượng chưa cao, chưa phù hợp với thực tiễn và thiếu tính khả thi do đó còn phải điều chỉnh cục bộ. Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của thành phố còn chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra, chưa phủ kín các quy hoạch phân khu, nhất là quy hoạch phân khu sông Hồng, việc phát triển các đô thị vệ tinh cũng chưa đạt tiến độ.

Chỉ tập trung phát triển đô thị ở nội đô, phía Bắc và phía Tây còn phía Nam và vùng nông thôn chưa được chú trọng nhiều. Công tác quản lý xây dựng trên địa bàn nhiều nơi chưa được quan tâm, chưa chú trọng nhiều đến công tác chỉnh trang đô thị. Tỷ lệ đô thị hóa, tỷ lệ đất dành cho giao thông, kiểm soát và xử lý nước thải chưa đạt kế hoạch. Khâu đột phá về phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn còn có những khó khăn, thách thức. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (công trình giao thông, các nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên…) còn chậm.

Chương trình phát triển đô thị, phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ chưa đạt tiến độ. Chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong khu vực nội đô chưa có nhiều chuyển biến, kinh tế đô thị chưa được quan tâm đầu tư và phát triển chưa tương xứng. Từ thực tiễn đó, trong Văn kiện Đại hội 17 tới của Đảng bộ Thành phố, bên cạnh việc tiếp tục kế thừa và phát triển 08 Chương trình công tác nhiệm kỳ 2015 – 2020 có sửa đổi và bổ sung thêm 01 chương trình công tác lớn là “Chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị và phát triển kinh tế đô thị giai đoạn 2021 – 2025”.

Qua hội nghị này và trên cơ sở các kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị của thành phố như đã nêu, Thành phố Hà Nội cùng với Bộ Xây dựng, các Bộ, ngành của Trung ương sẽ tập trung thảo luận, cho ý kiến đánh giá toàn diện những mặt làm được và chưa làm được, về những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời, xem xét, tạo điều kiện về các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tháo gỡ những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc, góp phần thúc đẩy phát triển về kinh tế – xã hội nói chung và công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị và kinh tế đô thị nói riêng trên địa bàn thành phố hiện tại cũng như các năm tiếp theo, hướng tới xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Tất cả những ý kiến đóng góp tại hội nghị sẽ giúp thành phố có đầy đủ các căn cứ pháp lý, lý luận và thực tiễn để chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp thu có chọn lọc, bổ sung vào dự thảo Báo cáo chính trị phục vụ Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ 17.

Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị Bộ Xây dựng chú trọng đến 8 kiến nghị sau:

Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ UBND Thành phố Hà Nội trong tất cả các khâu, công việc, bảo đảm chất lượng, tiến độ nhanh nhất trong quá trình lập, thẩm định, trình duyệt, điều chỉnh quy hoạch chung Thành phố Hà Nội (được ban hành theo Quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ); Thẩm định các đồ án quy hoạch phân khu nội đô (H1-1 A, H1-1 B, H1-1 C, H1-2, H1-3, H1-4), sông Hồng (R1-5), sông Đuống (R6), các quy hoạch phân khu đô thị vệ tinh; Thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh các Quy hoạch cấp nước Thủ đô, Quy hoạch xử lý chất thải rắn Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch thoát nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hà Nội trong việc nghiên cứu, đổi mới mô hình phát triển đô thị, tổ chức không gian đô thị.

Thứ hai, tổ chức nghiên cứu: Xây dựng nguyên tắc, phân loại các quy hoạch điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung Thành phố Hà Nội để đề xuất cấp có thẩm quyền ủy quyền cho UBND Thành phố phê duyệt; Xây dựng quy chế quản lý kiến trúc của Thành phố Hà Nội theo quy định của Luật Kiến trúc; Định hướng quy hoạch kiến trúc, thiết kế đô thị, các khu vực hai bên sông Hồng thuộc địa bàn Thành phố Hà Nội, trục Láng – Hòa lạc, trục sông Tô Lịch.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với UBND Thành phố Hà Nội trong quá trình xây dựng các Chương trình phát triển đô thị, Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021 – 2025 trên địa bàn Thành phố Hà Nội, rút ngắn thời gian thẩm định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2020.

Thứ tư, hỗ trợ, giới thiệu cho Thành phố Hà Nội một số tổ chức, doanh nghiệp lớn nghiên cứu, đầu tư trong các lĩnh vực phát triển đô thị thông minh, quy hoạch các khu chức năng đô thị, mô hình các công trình xây dựng thông minh – xanh – bền vững, mô hình thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hiện đại, thân thiện với môi trường.

Thứ năm, Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất việc ủy quyền cho UBND Thành phố Hà Nội thẩm định thiết kế, dự toán xây dựng các công trình nhà ở, công trình thương mại, dịch vụ và trụ sở làm việc – công trình cấp I thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng phù hợp với khả năng của thành phố và tạo điều kiện chủ động, thuận lợi cho Thành phố Hà Nội trong việc thực hiện các thủ tục xây dựng.

Thứ sáu, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, UBND Thành phố Hà Nội và các cơ quan liên quan triển khai Quyết định số 658/QĐ-TTg ngày 19/5/2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.

Thứ bảy, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo các Cục, Vụ, Viện trực thuộc tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quản lý Nhà nước cho từng nhóm vấn đề theo đề xuất của Thành phố Hà Nội.

Cuối cùng, phối hợp tổ chức các khóa tập huấn chuyên môn cho các cán bộ, công chức, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Bộ Xây dựng ưu tiên xây dựng các chương trình nghiên cứu, đào tạo quốc tế nhằm nâng cao năng lực, kinh nghiệm trong công tác quản lý đô thị, đặc biệt là quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải đô thị đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố (đô thị đặc biệt).

Ông Vương Đình Huệ cũng đề nghị Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng cụ thể hóa bằng Biên bản ghi nhớ và Văn phòng Ban cán sự Đảng Bộ Xây dựng, Văn phòng Thành ủy sẽ ký ban hành Thông báo Kết luận hội nghị ngày hôm nay để làm cơ sở cho các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện.

Ánh Dương – Việt Khoa/BXD