29/08/2016

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: “Ninh Thuận cần phải đổi mới trong cách làm quy hoạch”

Tại “Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016” của tỉnh Ninh Thuận được tổ chức vào sáng 27/8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Ninh Thuận cần phải chủ động xây dựng quy hoạch tổng thể theo hướng đổi mới, tiếp cận tư duy mới trong phát triển theo mô hình kinh tế xanh, sạch, phát triển nhanh và bền vững”. Thủ tướng cũng nhắc nhở các ngành nói chung và Ninh Thuận nói riêng khi làm quy hoạch phải nghiên cứu tổng thể để có tầm nhìn cao, xa chứ không nên vì những lợi ích trước mắt, đừng để tình trạng phân lô, bán nền đất ven biển như đã từng xảy ra ở các địa phương khác.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng nhấn mạnh: “Quy hoạch phải rõ ràng, thống nhất, tránh chồng chéo, mâu thuẫn nhau thì mới tạo cho nhà đầu tư yên tâm và không làm lãng phí tài nguyên đất nước…”. Đối với các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy ven biển, Thủ tướng yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu về môi trường để không phá hỏng lợi thế phát triển du lịch và kinh tế biển. Nếu nhà máy nào xả thải huỷ hoại môi trường thì phải đóng cửa ngay và nộp tài sản cho nhà nước.

Ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, Ninh Thuận được các nhà địa lý học ví như “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á” bởi có khí hậu đặc thù ít mưa, nhiều nắng và hầu như quanh năm không bị ảnh hưởng mưa bão nên có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Đây là lợi thế tự nhiên giúp Ninh Thuận phát triển những loại cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và trở thành đặc sản của địa phương như: nho, táo, tỏi, chăn nuôi dê, cừu… Ninh Thuận cũng có bờ biển dài hơn 105km, nằm ở trung tâm vùng nước trồi với đa dạng chủng, loài hải sản thuận lợi cho phát triển những ngành, lĩnh vực kinh tế biển để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Ông Nguyễn Đức Thanh, Uỷ viên TW Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Thuận cho biết: “Để hiện thực hoá được các mục tiêu và định hướng như quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh… do công ty tư vấn nước ngoài Monitor xây dựng và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thì Ninh Thuận sẽ tập trung ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các dự án, các lĩnh vực theo mô hình “xanh và sạch”. Hiện tỉnh đang kêu gọi đầu tư vào 57 dự án, dựa trên 6 nhóm ngành trụ cột là năng lượng sạch, du lịch, nông lâm thủy sản, sản xuất chế biến, giáo dục đào tạo và kinh doanh BĐS. Đây vừa là những ngành thế mạnh của Ninh Thuận vừa là xu hướng của VN cũng như nhiều nước trên thế giới đã và đang lựa chọn hướng tới”. Ông Nguyễn Đức Thanh cho biết thêm: Hiện có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có những nhà đầu tư đến từ Anh quốc quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo tại Ninh Thuận.


Thủ tướng cùng lãnh đạo các Bộ chứng kiến UBND tỉnh Ninh Thuận ký kết “Thỏa thuận hợp tác chiến lược” với các nhà đầu tư

Tại hội nghị này, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ký kết “Thỏa thuận hợp tác chiến lược” và trao giấy phép đầu tư cho nhiều nhà đầu tư, trong đó có tập đoàn Hoa Sen. Cụ thể, UBND tỉnh đã ký thoả thuận hợp tác chiến lược với Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen về đầu tư các dự án: Hạ tầng Khu công nghiệp Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Cảng tổng hợp Quốc tế Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Nhà máy sản xuất xi măng Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận; Nhà máy nhiệt điện, năng lượng tái tạo Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận và các dự án khác bao gồm: Khai thác khoáng sản; xây dựng; vận chuyển; kho bãi; du lịch, khách sạn… Theo kế hoạch, dự án Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná – Ninh Thuận sẽ được Tập đoàn này triển khai từ năm 2017 đến năm 2031 với tổng vốn đầu tư đăng ký 10,6 tỷ USD, theo 5 giai đoạn chia làm nhiều phân kỳ, với công suất dự kiến đạt 16 triệu tấn/năm. Trong đó, phân kỳ 1 thuộc giai đoạn I của dự án được thực hiện trong năm 2017-2018, công suất dự kiến 1,5 triệu tấn/năm và sẽ chính thức đi vào hoạt động trong năm 2019.


Ông Lê Phước Vũ – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tôn Hoa Sen cam kết sẽ đầu tư đảm bảo sự phát triển bền vững và thân thiện với môi trường

Để chuẩn bị cho việc triển khai dự án đúng mục tiêu sản xuất sạch, hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững, Tập đoàn Hoa Sen đã cam kết sẽ ứng dụng công nghệ hiện đại, đồng bộ nhằm tối ưu hóa năng lực sản xuất, tiết kiệm nguyên vật liệu và giảm thiểu tối đa tác động đối với môi trường thông qua các biện pháp: xây dựng hệ thống xử lý khí thải, nước thải đồng bộ, hiện đại; ứng dụng công nghệ tái sử dụng các chất thải để phục vụ các hoạt động của dự án và cộng đồng; xây dựng hệ thống hồ điều hòa chứa nước mưa và nước thải sau xử lý để tái sử dụng và tạo cảnh quan sinh học cho khuôn viên dự án; thực hiện cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của các đơn vị được ủy thác xử lý chất thải…

Trân Huyền/Báo Xây dựng