07/12/2016

Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội

Ngày 7/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân thuê.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị toàn quốc về nhà ở xã hội.

Tham dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan và các Bộ, Ban, ngành Trung ương…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nhu cầu có nhà ở là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, là một trong những yếu tố góp phần phát triển nguồn nhân lực của đất nước. Việc chăm lo giải quyết nhà ở cho nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm và xác định là một vấn đề xã hội, một nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội để giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các đối tượng chính sách xã hội, nhất là người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn, vùng thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ…

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã chỉ rõ, trong giai đoạn 2016-2020 cần phải “thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ nhà ở cho các đối tượng chính sách, người nghèo, nhân dân sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất và sinh viên”.

Thủ tướng khẳng định: Có 4 việc quan trọng liên quan đến dân sinh là ăn, mặc, ở và đi lại đều tác động trực tiếp đến đời sống con người. Hiến pháp 2013 quy định người dân có quyền có nhà ở có chính sách phát triển hỗ trợ nhà ở. Hội nghị nhằm đánh giá tổng thể kết quả triển khai mô hình này, xem làm được công việc gì trong chỉ đạo thực hiện, những mô hình nào làm tốt cần nhân rộng ra cả nước, đặc biệt cơ chế chính sách nào để các đơn vị chức năng có thể làm nhà ở xã hội, phục vụ nhu cầu nhà ở của người dân, các gia đình chính sách, công nhân ở KCN tập trung…

Ngày 6/12, Thủ tướng đã tới thăm khu đô thị Đặng Xá do TCty Viglacera-CTCP làm chủ đầu tư. Thủ tướng đánh giá đây là khu điển hình không chỉ trong cách làm, bên cạnh nhà ở thương mại, nhà cho thuê, khu nhà ở xã hội dành cho người nghèo được Viglacera quy hoạch thiết kế tốt, xây dựng thiết chế văn hóa cho người dân, tạo dựng cộng đồng dân cư đoàn kết, văn minh.

Những ngày qua, thông tin truyền thông đưa rất nhiều doanh nghiệp tung ra một số dự án nhà ở xã hội giá cả hấp dẫn, thu hút người dân (khoảng 300 nghìn căn). Thủ tướng khẳng định: Chúng ta hoàn toàn làm được nếu như Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm, có cơ chế phù hợp xây dựng nhà ở xã hội. Hội nghị ngày hôm nay sẽ rút ra mô hình, cách làm, cơ chế xây dựng nhà ở xã hội dành cho người nghèo, người thu nhập thấp…

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các chính sách nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết: Hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về nhà ở nói chung và nhà ở xã hội nói riêng đã từng bước được bổ sung, hoàn thiện, về cơ bản đã hình thành khung pháp lý tương đối đầy đủ và đồng bộ với nhiều sự đổi mới có tính đột phá để điều chỉnh việc phát triển nhà ở và nhà ở xã hội.

Về tổng thể hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội đã được nghiên cứu, xây dựng, điều chỉnh phù hợp với định hướng của Đảng, điều kiện kinh tế của đất nước, theo từng nhóm đối tượng và khu vực vùng miền.

Với sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, việc phát triển nhà ở xã hội đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Đến nay đã đưa vào sử dụng 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và KCN, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500 nghìn người thu nhập thấp, công nhân lao động đô thị và KCN.

Hàng triệu hộ gia đình người có công với nước, hộ nghèo ở nông thôn, khu vực thường xuyên bị thiên tai, bão, lũ có chỗ ở an toàn và ổn định; góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và giải quyết tốt các vấn đề xã hội cấp thiết. Đồng thời, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã góp phần quan trọng vào việc tái cấu trúc thị trường BĐS, khắc phục lệch pha cung-cầu, giúp cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh…

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân KCN chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Tính đến tháng 11/2016, cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xaayd ựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và KCN. So với chỉ tiêu, số lượng nhà ở xã hội tại đô thị và khu công nghiệp đến 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250 nghìn căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.

Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành có lúc chưa chặt chẽ, có chính sách chưa được hướng dẫn triển khai kịp thời. Việc cân đối nguồn vốn ngân sách cho phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn, bố trí vốn không đủ theo tiến độ; nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở chưa đa dạng và còn hạn chế…

Vì vậy, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các chính sách, chương trình phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đề ra; tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở nói chung và nhà ở xã hội đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi trong thực hiện; tiếp tục nghiên cứu, bổ sung điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn về nhà ở xã hội.

Hội nghị đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm pháp luật, chính sách phát triển nhà ở xã hội. Đồng thời, kiến nghị Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tiếp tục tăng cường giám sát việc thực thi chính sách và các Chương trình nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 theo quy định của pháp luật về nhà ở và pháp luật có liên quan.

Linh Anh/Báo Xây dựng