03/06/2016

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh dẫn đầu đoàn Việt Nam dự Diễn đàn Đô thị hóa cấp cao APEC 2016

Trong các ngày 2- 3/6/2016, tại TP Ninh Ba, tỉnh Triết Giang, Trung Quốc, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc phối hợp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Đô thị hóa Cấp cao APEC 2016 với chủ đề “Đô thị hoá và tăng trưởng bao trùm”.


Diễn đàn Đô thị hóa Cấp cao APEC 2016 được tổ chức tại Trung Quốc.

Tham dự Diễn đàn có khoảng 1.000 đại biểu, trong đó khoảng 200 đại biểu nước ngoài là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, chính quyền TP, tập đoàn, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế APEC như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippine, Hồng Kông, Đài Loan, Peru, Chile, Nga, Papoa New Guinea…

Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh dẫn đầu. Cùng đi còn có lãnh đạo Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Phát triển đô thị, Cục Hạ tầng kỹ thuật, các TP Cần Thơ, Rạch Giá, Mỹ Tho và một số doanh nghiệp tư vấn xây dựng…


Đoàn đại biểu của Bộ Xây dựng tham dự Diễn đàn đô thị hóa cấp cao 2016.

Tại cuộc họp cấp Bộ trưởng sáng 2/6/2016, các vị lãnh đạo đến từ các nền kinh tế đã trình bày các nỗ lực cấp quốc gia và cấp vùng nhằm thúc đẩy quá trình đô thị hoá lành mạnh, góp phần vào sự tăng trưởng quốc gia và cải thiện hợp tác quốc tế, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của công nghệ số, công nghệ cơ sở dữ liệu và kết nối vùng.

Trong bài trình bày của mình, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đã chia sẻ những kinh nghiệm về các chính sách phát triển đô thị thực hiện thành công ở Việt Nam.

Theo đó, sau 30 năm thực hiện chính sách “Đổi mới”, trong lĩnh vực phát triển đô thị, Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực gắn liền với các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Tốc độ gia tăng tỷ lệ đô thị hóa tương đồng với nhiều quốc gia trong khu vực, với dân số đô thị toàn quốc hiện nay đạt 32,753 triệu người, đạt tỷ lệ đô thị hoá 35,7%…

Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, Việt Nam đã áp dụng nhiều giải pháp, định hướng chính sách, trong đó có 3 nội dung quan trọng. Thứ nhất, Chính phủ đã ban hành định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam. Trên cơ sở định hướng này, các vùng trong cả nước và các tỉnh đã tiếp tục cụ thể hóa, xây dựng các quy hoạch vùng, vùng tỉnh và định hướng các quy hoạch chuyên ngành khác. Định hướng quy hoạch này đã phát huy rất hiệu quả vai trò dẫn hướng cho các địa phương cũng như đảm bảo khả năng cân đối, điều tiết quản lý ở cấp quốc gia.

Thứ hai, Việt Nam kiên định thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội. Mục tiêu phát triển đô thị được triển khai song hành cùng với nâng cấp đô thị. Chính phủ đã có Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia với nguồn kinh phí chủ yếu từ ngân sách nhà nước và nguồn vốn ODA. Các dự án trong chương trình chú trọng cải tạo các khu vực thu nhập thấp, hạ tầng kết nối các khu vực này với tổng thể đô thị. Cho đến nay, đã có khoảng gần 10 triệu cư dân đô thị đã trực tiếp hoặc gián tiếp hưởng lợi từ chương trình.

Thứ ba, Việt Nam chuyển đổi tư tưởng áp dụng mô hình “nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội. Với tư tưởng này, Chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo của Chính phủ được triển khai đối với 500.000 hộ dân khu vực nông thôn…

Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh nhận định: Tiến trình phát triển đô thị Việt Nam đang đứng trước những khó khăn, thách thức khách quan và chủ quan. Đó là sự tác động ngày càng đa dạng, khó dự báo của tình hình biến đổi khí hậu, sự gia tăng cạnh tranh của nền kinh tế hội nhập sâu rộng toàn cầu. Đó là những nút thắt trong hình thái tăng trưởng của đô thị theo hướng phình rộng, kết nối hạ tầng đô thị và đô thị – nông thôn chưa hiệu quả, sự thiếu đa dạng trong mô hình tăng trưởng kinh tế, tính chủ động và phân cấp trong quản lý đô thị. Những thách thức này đã và đang có tác động trực tiếp đến việc thúc đẩy phát triển các đô thị có đặc điểm riêng và có sức cạnh tranh.

Thứ trưởng cho rằng, những thách thức nêu trên của quá trình đô thị hóa ở Việt Nam cũng là thách thức ở nhiều quốc gia đang phát triển khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, mỗi hành động tại một đô thị thuộc các nước APEC có thể ảnh hưởng trực tiếp ngay đến một đô thị khác ở bên kia bờ đại dương theo nhiều cách khác nhau. Bởi vậy cần luôn luôn “suy nghĩ toàn cầu, hành động tại chỗ”, đảm bảo g-local benefit.

Thứ trưởng đề xuất một số chủ đề trọng tâm phối hợp và hợp tác APEC về đô thị hóa trong thời gian tới. Cụ thể, các quốc gia APEC phối hợp hành động trong phát triển tri thức về ứng phó biến đổi khí hậu; hỗ trợ khắc phục hậu quả của các tác động bất lợi; chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, hỗ trợ kỹ thuật phát triển đô thị có khả năng chống chịu.

Về hợp tác phát triển, các nước APEC thúc đẩy các hợp tác ở cấp chính phủ trung ương cũng như ở cấp các đô thị về mô hình quản trị đô thị tích hợp cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp đô thị; mô hình tăng trưởng kinh tế; cải thiện điều kiện kết nối của hệ thống hạ tầng; nâng cao sức cạnh tranh đô thị và hỗ trợ phát triển đội ngũ nhân lực quản lý đô thị thông qua các chương trình dự án hợp tác trọng điểm…

Thứ trưởng hy vọng sự thành công của Diễn đàn cấp cao APEC về Đô thị hóa lần thứ nhất sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho sự hợp tác.

Cũng tại cuộc họp, Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh đã giới thiệu về APEC Việt Nam 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 được tổ chức tại TP Đà Nẵng.

Nhân dịp này, Thứ trưởng mời các nền kinh tế APEC sang thăm Việt Nam, thăm các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ ….

Tại Diễn đàn Đô thị hóa Cấp cao APEC 2016 cũng đã diễn ra các phiên hội nghị chuyên đề về hạ tầng kỹ thuật, thành phố công nghệ internet, phát triển đô thị bền vững, hiệu quả năng lượng, bảo vệ môi trường, cải tạo chỉnh trang đô thị, sáng tạo trong đô thị hoá, phát triển đô thị vừa và nhỏ… Đại diện cho Việt Nam, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, ông Trần Quốc Thái đã trình bày bài tham luận “Tiến trình đô thị hoá tại Việt Nam – Những kinh nghiệm và bài học thực tiễn”.

Khánh Toàn – Quý Anh/Báo Xây dựng