17/02/2023

Thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(KTVN) – Mới đây, Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Giang đã bỏ phiếu đồng ý thông qua Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tại Hội nghị thẩm định quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, các đại biểu là thành viên hội đồng và các chuyên gia phản biện đánh giá, quy hoạch tỉnh Hà Giang được chuẩn bị công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ quy định của pháp luật về quy hoạch. Hồ sơ trình thẩm định quy hoạch cơ bản phù hợp với định hướng phát triển đất nước của Đại hội Đại biểu toàn quốc khóa XIII của Đảng, Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025.

Đánh giá điều kiện kinh tế – xã hội và nguồn lực cho phát triển, các ý kiến cho rằng, báo cáo Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã nêu rõ và thuyết minh được những yếu tố điều kiện phát triển đặc thù của tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh các khó khăn như điều kiện địa hình phức tạp, bị chia cắt lớn, gây tốn kém cho đầu tư xây dựng; Quỹ đất phát triển rất hạn chế, lại bị tác động bởi thiên tai; Nền kinh tế có quy mô rất nhỏ. Đồng thời nhấn mạnh đến vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng Trung du và miền núi Bắc bộ, đặc biệt về các vấn đề quốc phòng, an ninh; kết nối quốc tế; phát triển du lịch; bảo tồn sinh thái và an ninh nguồn nước; kết nối giao thông nội tỉnh, liên tỉnh và tổ chức không gian của các hoạt động kinh tế – xã hội; thực trạng phát triển các khu công nghiệp và cụm công nghiệp.

Các ý kiến thẩm định thống nhất với việc báo cáo quy hoạch đã xác định quan điểm phát triển theo hướng xanh và bền vững, đẩy mạnh liên kết phát triển các tiểu vùng và tăng cường mở cửa, hội nhập; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh; xác định 3 khâu đột phá có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp. Tuy nhiên, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện danh mục các dự án của tỉnh và thứ tự ưu tiên thực hiện, tập trung các dự án cấp tỉnh và liên huyện.

Thông qua Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. (Ảnh: Viện Kiến trúc Quốc Gia)

Các đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể đối với báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; đưa ra các vấn đề môi trường chính cần lưu ý nếu thực hiện quy hoạch; các giải pháp bảo vệ môi trường và giảm thiểu các tác động tiêu cực cho từng vấn đề môi trường, từng khu vực nhạy cảm về môi trường.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định, tỉnh sẽ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ quy hoạch để trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Quy hoạch này sẽ phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh trong giai đoạn tới. Tỉnh Hà Giang xác định trọng tâm phát triển là tháo gỡ điểm nghẽn về vị trí địa lý, nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tập trung vào các khâu đột phá; tạo sinh kế, giảm nghèo và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân; phát triển du lịch, dịch vụ; hoàn thiện các cơ chế chính sách, môi trường đầu tư, kinh doanh tạo động lực thu hút đầu tư phát triển kinh tế – xã hội.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành, giúp tỉnh Hà Giang thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh phát triển khá, là điểm đến lý tưởng cho nhà đầu tư và du khách trong thời gian tới.

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là bản quy hoạch được lập theo cách tiếp cận tích hợp, đa ngành theo quy định của Luật Quy hoạch, nhằm cụ thể hóa tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đã được Bộ Chính trị chỉ đạo tại Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 10/02/2022.

Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với một số đột phá, nhiệm vụ trọng tâm như ưu tiên phát triển 06 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng (Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu; Ngành công nghiệp – xây dựng; các ngành dịch vụ; ngành giáo dục và đào tạo); tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng (hạ tầng giao thông và hạ tầng số; du lịch sinh thái và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; đô thị bản sắc và hiện đại).

Hà Giang xác định 4 cực phát triển, tăng trưởng (TP Hà Giang và huyện Vị Xuyên – phát triển đô thị, kinh tế biên mậu, dịch vụ; Cao nguyên đá Đồng Văn – phát triển du lịch; huyện Bắc Quang và huyện Quang Bình – phát triển công nghiệp, nông lâm nghiệp; huyện Hoàng Su Phì và huyện Xín Mần – phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch).

Bốn trục động lực tăng trưởng, gồm: Trục động lực kinh tế đô thị (cấp tỉnh) – thương mại, dịch vụ – cửa khẩu quốc tế – du lịch; trục động lực kinh tế biên mậu – du lịch – đô thị (cấp huyện); trục động lực kinh tế đô thị – dịch vụ – công nghiệp; trục động lực kinh tế du lịch – dịch vụ.

Quang Tuyền