30/09/2016

Thiếu trường học tại các khu đô thị mới

Có thể thấy, các KĐT tại Hà Nội đang phải chịu sức ép rất lớn từ thực trạng gia tăng dân số cơ học do việc xây dựng ồ ạt nhà cao tầng, mật độ dân cư bị dồn nén, trong khi hạ tầng xã hội đi kèm như giao thông, trường học… hầu như chưa được chú trọng. Đặc biệt, trường học (mầm non, tiểu học) đang là vấn đề mà các gia đình có con nhỏ rất quan tâm, lo lắng bởi tại những KĐT mới, số lượng trường học công lập chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn quá ít so với nhu cầu thực tế…


Đây là tâm trạng chung của nhiều gia đình có con đang trong độ tuổi mầm non, tiểu học tại một số KĐT trên địa bàn Hà Nội như Linh Đàm, Định Công (Q.Hoàng Mai), Nam Trung Yên (Q.Cầu Giấy)…

Chị Lê Hằng, sống tại tòa nhà HH3B, KĐT Linh Đàm cho biết, năm học 2016 – 2017, con trai chị bắt đầu đi học lớp mẫu giáo, nhưng do trường công quá đông, nên chị phải đăng ký cho con học trường tư. “KĐT Linh Đàm là KĐT rất rộng lớn nhưng thực tế ở đây có rất ít trường công lập. Trong khi đó, số lượng trường mầm non tư thục thì quá nhiều, chỉ tính riêng xung quanh khu vực này đã có tới 5, 6 trường. Dù rất muốn cho cháu học ở trường công nhưng không vào được vì quá tải, số học sinh quá đông, nên tôi đành phải cho con đi học trường tư tạm một thời gian. Và chắc chắn học trường tư thục thì sẽ tốn kém hơn”…, chị Hằng chia sẻ thêm.

Băn khoăn của chị Hằng cũng là thực tế chung của nhiều gia đình sống tại các KĐT mới mà hạ tầng xã hội như giao thông, trường học, cơ sở y tế luôn “quá tải”.

Từng được biết đến là KĐT kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Nội, nhưng hiện nay, KĐT Linh Đàm (P.Hoàng Liệt, Q.Hoàng Mai) là một trong những địa bàn có mật độ dân số đông nhất Thủ đô. Nguyên nhân của tình trạng gia tăng dân số này chính là việc đưa vào khai thác, sử dụng hàng chục tòa chung cư trên địa bàn tỷ lệ nghịch với số lượng trường học.

Theo quy hoạch của TP Hà Nội, với số dân phát triển ở các KĐT đông dân cư, mỗi phường phải có từ 3 – 4 trường tiểu học, thay vì hầu hết chỉ có 1 trường như hiện nay. Trong khi đó, theo khảo sát gần đây của Sở GD&ĐT Hà Nội, toàn TP có 252 KĐT, dự án được phê duyệt có quy hoạch trường học, nhưng ngành giáo dục mới chỉ tiếp nhận bàn giao 56 trường của 25 KĐT. Nhiều khu vực không có thêm trường mới trong khi dân số tăng quá nhanh, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Cùng với đó, theo quy định, với cấp tiểu học sỹ số là 35 học sinh/lớp, nhưng thực tế tại nhiều trường thuộc các quận nội đô, KĐT, nhà chung cư, sĩ số học sinh rất đông, đều trên dưới 50 cháu/lớp.

Chị Dương Thị Liên tại tòa nhà Rice City Linh Đàm cho biết, ở quanh KĐT Linh Đàm chỉ có một trường tiểu học công lập duy nhất là trường Hoàng Liệt. Con chị hiện đang học ở đây nhưng lớp học khá đông (khoảng 57 cháu/lớp). Chị cũng băn khoăn về chất lượng tiếp thu bài vở của các con bởi tình trạng lộn xộn trong lớp khi quá đông cũng khiến cho học sinh mất tập trung với bài giảng. Thêm nữa, con chị cũng như các học sinh tiểu học đều được học bán trú nên chị luôn lo lắng sợ con mình không được chăm sóc đầy đủ khi giáo viên và nhân sự nhà trường phải phục vụ số lượng học sinh lớn như vậy.

Đại diện Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng, vấn đề tăng sĩ số trong lớp hiện nay do tình trạng dân số ở các địa bàn tăng đột biến. Chung cư cao tầng mọc lên quá nhiều, trong khi các trường chịu áp lực bắt buộc phải nhận hết học sinh có hộ khẩu trên địa bàn dẫn đến quá tải. Chính vì vậy, bản thân các trường công lập ngay thời điểm này phải rà soát học sinh trong độ tuổi trên địa bàn, nhất là ở các địa phương có nhiều nhà cao tầng để có phân luồng hợp lý, tránh áp lực nhằm vào một số trường…

Ngoài ra, cần khắc phục những bất cập trong quy hoạch đô thị, nhất là tình trạng “thoải mái” cho xây dựng chung cư, tránh tình trạng hệ thống trường học công lập tại các KĐT thiếu trầm trọng như hiện nay…

Linh Đan