28/01/2016

Thiết kế quy hoạch khu công nghiệp từ góc nhìn quy chuẩn, tiêu chuẩn

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – “Để hoàn chỉnh một thiết kế quy hoạch khu công nghiệp cần phải phối hợp nhiều thiết kế thành phần. Điều quan trọng là phải vận dụng linh hoạt các nguyên lý thiết kế cơ bản với thực tế khách quan hiện trường. Trong quá trình này những Quy chuẩn định hướng đã, sẽ và luôn đồng hành với người tư vấn thiết kế giúp cho việc lựa chọn áp dụng các Tiêu chuẩn phù hợp”.

Khu công nghiệp Long Hậu, Tiền Giang

Khu công nghiệp Long Hậu, Tiền Giang

Quy chuẩn kỹ thuật và Tiêu chuẩn quy hoạch khu công nghiệp hiện nay
Trước năm 1990, các tiêu chuẩn nói chung là hệ thống văn bản pháp quy mà có tới95% bắt buộc phải áp dụng. Sau năm 1990 đến nay, bước vào quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế, Việt nam đã chấp nhận định nghĩa của tổ chức Tiêu chuẩn hoá quốc tế (ISO): “Tiêu chuẩn là một tài liệu kỹ thuật, được thiết lập bằng cách thoả thuận trong đó nêu ra các quy tắc, hướng dẫn hoặc là các đặc tính của các hoạt động hay kết quả của các hoạt động, do một cơ quan được công nhận phê duyệt, để sử dụng lặp lại nhằm đạt được mức độ tối ưu, trong một hoàn cảnh nhất định ” và việc áp dụng tiêu chuẩn trở nên tự nguyện ngoại trừ một số tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng liên quan đến an toàn sinh mạng, phòng chống cháy nổ, vệ sinh môi trường, số liệu điều kiện tự nhiên như: khí hậu, thời tiết, địa chất, thuỷ văn, động đất,… Để phù hợp với công tác quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã ra Quyết định 25/2001 QĐ-BXD ngày 4/9/2001 quy định cụ thể về hai loại văn bản là Quy chuẩn và Tiêu chuẩn xây dựng.
Hiện nay đã được thống nhất tên gọi chung chính thức là Tiêu chuẩn quốc gia (TCVN); Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) và Quy chuẩn kỹ thuật Địa phương (QCĐP). Công văn số 375/BXD – KHCN ngày 8/3/2006 của Bộ Xây dựngcũng đã nhấn mạnh: “Tiêu chuẩn là văn bản kỹ thuật trong đó các nội dung quy định không được trái với Quy chuẩn; Đa phần tiêu chuẩn ban hành dưới dạng tự nguyện áp dụng, một số ít tiêu chuẩn được xếp vào loại bắt buộc áp dụng; Phạm vi áp dụng của các tiêu chuẩn phụ thuộc vào sự lựa chọn của chủ đầu tư các công trình xây dựng”. Việc áp dụng bắt buộc đối với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và tự nguyện đối với tiêu chuẩn trong hoạt động xây dựngcũng được nêu rõ trong điều 5 Nghị định của Chính phủ về Quản lý chất lượng công trình ND15/2013 NĐ-CP ngày 06/02/2013.
Như vậy khi thiết kế quy hoạch khu công nghiệp thì việc tuân thủ Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng QCXDVN 01:2008/BXDcủa Bộ Xây dựng ban hành kèm theo quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/04/2008 và các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành khác là bắt buộc. Các quy định trong QCVN được hiểu như là mức giới hạn tối thiểu hoặc tối đa không được vi phạm, kể cả đối với các dự án liên doanh hay 100% vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đặt trên lãnh thổ Việt nam. Tuy nhiên khi triển khai thì chủ thể quyết định đầu tư hoàn toàn có thể đưa ra định mức chất lượngcủa dự án bằng việc lựa chọn áp dụng các Tiêu chuẩn hiện hành trong nước(như Tiêu chuẩn thiết kế và quy hoạch đô thị TCVN4449-1987 của Bộ Xây dựng) kết hợp vớicác tiêu chuẩn quốc tế phù hợp miễn là không trái với QCXDVN 01:2008/BXD. Hiện nay việc áp dụng các tiêu chuẩn nước ngoài cần có tờ trình của chủ đầu tư và văn bản chấp thuận của Bộ Xây dựng mới được thực hiện.

Nội dung quy hoạch Khu Công nghiệp bao gồm: quy hoạch phân khu và quy hoạch chi tiết. Việc đầu tiên khi quy hoạch phân khu là phải lập ranh giới quy hoạch, phân tích đánh giá hiện trạng sử dụng đất, tìm hiểu các dữ liệu liên quan, xác định loại hình khu công nghiệp, rồi đưa ra các đề xuất cơ cấu tổ chức không gian chức năng. TCVN4449-1987 đã đưa ra quy mô dân số đô thị từ loại I đến loại V để làm căn cứ tính toánquy mô đất KCN để lập ranh giới quy hoạch tùy loại đô thị phụ thuộc:
– Đối với đô thị loại lớn và rất lớn, đất đai công nghiệp lấy từ 15 đến 20m2/người;
– Đối với đô thị loại trung bình từ 10 đến 15m2/người.
– Đối với đô thị loại nhỏ từ 5 đến 10m2/người.
(Số lớn dùng cho đô thị có chức năng công nghiệp là chủ yếu, số nhỏ dùng cho đô thị có chức năng tổng hợp; các đô thị hành chính, đất đai công nghiệp lấy dưới 5m2/người).
QCXDVN 01:2008/BXDmục 2.7.1 đã có quy định bắt buộc về việc cách ly độc hại đối với khu dân dụng. Thậm chí trong phụ lục 3 TCVN449-1987 còn quy định cụ thể khoảng cách ly vệ sinh của từng loại hình sản xuất gây ô nhiễm theo cấp độ từ I đến V (từ 50m đến 1000m). Đây là căn cứ chính xác để người thiết kế có thể tính toán và xác định đúng phạm vi, ranh giới nghiên cứu quy hoạch khu công nghiệp. Đồng thời giúp cho các bước thu thập tài liệu và sắp xếp bố trí các khu vực chức năngsau này về khu đất được thuận lợi và phù hợp.
Bước quy hoạch sử dụng đất tiếp theo sẽ trở nên bài toán khó có lời giải đúng nếu không có những định hướng cụ thể có tính định lượng. Ngay trong QCXDVN 01-2008 đã chỉ ra tỉ lệ tối thiểu của các loại đất sử dụng trong khu công nghiệp như sau:
Căn cứ vào số liệu trên, khi thiết kế thì có thể áp dụng (TCVN4449-1987 mục 3.12)hoàn toàn linh hoạt trong việc phân khu sử dụng đất tùy theo đặc thù khu công nghiệp và loại hình công nghiệp. Tuy nhiên vấn đề quy hoạch chia lô lúc này mới xác định được chính xác kích thước trong quy hoạch thông qua việc lựa chọn, tổ chức và sắp xếp các lô đất. Người thiết kế cần áp dụng những tiêu chuẩn cần thiết để xác định được lô đất cơ bản. Một tiêu chuẩn cơ bản được áp dụng để tính toán là chỉ tiêu chiếm đất của một lao động theo từng ngành công nghiệp riêng biệt là:
Căn cứ vào tiêu chuẩn này cùng với số lao động dự kiến có thể xác định nhu cầu sử dụng đất của XNCN. Từ đó đưa ra lô đất cơ bản, kích thước lô đất theo modun và tỷ lệ các loại lô đất phù hợp loại hình công nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp. Việc phân chia lô đất mô hình chung đã hình thành cơ bản mạng lưới giao thông của khu công nghiệp. Giải pháp quy hoạch theo kiểu ô cờ hay kiểu linh hoạt sẽ được xem xét cân nhắc dựa trên đánh giá về đặc thù hình thái khu đất và đặc điểm của mạng lưới giao thông đó.
Quy hoạch chi tiết các khu vực chức năng của khu công nghiệp cần lưu ý:
Đối với khu đất xây dựng nhà máy và kho tàng: Căn cứ đầu tiên để tiến hành bước này là quy định tối đa về mật độ xây dựng thuần (Netto) và mật độ xây dựng gộp (Brutto)của đất xây dựng các nhà máy và kho tàng (QCXDVN 01:2008/BXD). Mật độ xây dựng thuần (net-to) tối đa đối với đất xây dựng nhà máy, kho tàng; Mật độ xây dựng gộp (brut-to) tối đa trong toàn khu công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp là 50%.
Ngoài ra QCXDVN 01:2008/BXD mục 2.8.8 còn quy định về tỷ lệ đất trồng cây xanh trong mỗi nhà máy trong khu công nghiệp phải chiếm tối thiểu 20%. Cùng với các quy định về chỉ giới xây dựng, khoảng xây lùi được quy định trong quy chế kiểm soát phát triển từng khu để đưa ra giới hạn bố trí các công trình.
Đối với khu vực trung tâm quản lý và điều hành khu công nghiệp: Tập trung chủ yếu các văn phòng làm việc và các công trình dịch vụ công cộng nên chịu chi phối bởi các tiêu chuẩn thiết kế như TCXDVN 276:2003, TCVN 4319:2012, TCVN 3905:1984 với mật độ xây dựng không nên vượt quá 35%.
Đối với khu vực các công trình cung cấp và đảm bảo kỹ thuật: Các quy định bắt buộc trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị QCVN 07:2010/BXD của Bộ Xây dựng ban hành kèm theo thông tư số 02/TT-BXD ngày 05/02/2010 và bộ TCVN4449-1987 là tài liệu cần thiết làm cơ sở thiết kế các công trình cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, chất thải rắn, cấp điện và thông tin liên lạc trong khu công nghiệp. Đặc biệt lưu ý khi thiết kế khu vực xử lý nước thải theo 2 cấp độ: tại nguồn thải của nhà máy và tại khu xử lý chung của KCN, phù hợp với tiêu chuẩn Giá trị giới hạn về nồng độ chất ô nhiễm trong nguồn nước -TCVN 5945-1995.

Đối với khu vực đất giao thông: TCVN4449-1987 đã đưa ra những tiêu chuẩn cơ bản cho việc thiết kế giao thông trong khu công nghiệp. Ví dụ như xác định loại đường giao thông trong khu công nghiệp thuộc cấp đường nội bộ với tốc độ tính toán là 60km/h, chiều rộng tính toán 3,75m/làn xe, số làn xe 2 chiều tối thiểu là 2 + 1 làn xe dự phòng, độ dốc lớn nhất 6%, bán kính cong nhỏ nhất là 125m, chiều rộng vỉa hè tối thiểu 1,5 – 3m, diện tích tối thiểu chỗ đỗ xe ô tô con 25m2, xe máy 3m2, xe đạp 0,9m2.
Khi thiết kế giao thông, cần lưu ý tuân thủ Quy định phòng cháy – chữa cháy theo QCXDVN 01:2008/BXD mục 2.7.4 là: “đối với công trình Công nghiệp phải bố trí đường cho xe chữa cháy chạy bên ngoài dọc theo một phía nhà khi chiều rộng nhà nhỏ hơn 18m và chạy dọc theo 2 phía nhà khi nhà rộng từ 18m trở lên”.
Từ đó có thể chia đường giao thông khu công nghiệp làm 3 loại: Đường chính KCN ít nhất 4 làn xe, rộng tối thiểu 15m, tốc độ 60km/h; Đường nhánh KCN ít nhất 2 làn xe, rộng tối thiểu 7,5m, tốc độ 40km/h; Đường nội bộ trong từng lô đất theo thiết kế hoàn thiện lô đất; Đường sắt nếu có tùy theo theo kích thước khổ đường sắt 1m hay 1,435m, sẽ áp dụng theo quy chuẩn đường sắt QCVN 08:2015/BGTVT của Bộ GTVT ban hành kèm theo thông tư số 12/2015/TT-BGTVT ngày 20/4/2015 để thiết kế.
Đối với khu vực đất cây xanh cảnh quan
Thiết kế cảnh quan cây xanh & mặt nước trong khu công nghiệp là một nội dung quan trọng trong thiết kế Quy hoạch KCN. QCXDVN 01:2008/BXD đã nhấn mạnh yêu cầu phải: ”Bố trí các công trình phù hợp với điều kiện địa hình, địa chất, cảnh quan, hài hoà với các quần thể kiến trúc khác trong đô thị”.
Nhóm cây xanh công cộng dạng công viên, vườn hoa, mặt nước được thiết kế theo tiêu chuẩn nhóm cây xanh phạm vi hẹp (TCVN4449-1987) với diện tích tối thiểu vườn dạo 0,5ha, công viên 3ha.
Nhóm cây xanh dọc tuyến đường chủ yếu tạo bóng mát, ngăn bụi và tiếng ồn thì căn cứ theo chiều rộng vỉa hè, dải phân cách để xác định chiều rộng tán cây và khoảng cách tối thiểu với các công trình (theo TCVN4449-1987)
Nhóm cây xanh cách ly. QCXDVN 01:2008/BXD quy định “Trong dải cách ly vệ sinh, tối thiểu 50% diện tích đất phải được trồng cây xanh và không quá 40% diện tích đất có thể được sử dụng để bố trí bãi đỗ xe, trạm bơm, trạm xử lý nước thải, trạm trung chuyển chất thải rắn”. Nhưng trên thực tế dải cây xanh cách ly này nên có độ dày tối thiểu là 20m và mật độ xây dựng công trình không quá 5% mới phù hợp.

Hoàn thiện nội dung Tiêu chuẩn và Quy chuẩn Việt Nam trong quy hoạch khu công nghiệp
Định hướng phát triển công nghiệp đến năm 2020, giai đoạn 2016 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2035 của Chính phủ đều chủ trương là đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó tập trung cho phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, nhấn mạnh hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp vừa & nhỏ và các ngành công nghiệp công nghệ cao, áp dụng các giải pháp phòng, chống và giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững… Để đáp ứng đúng với định hướng phát triển công nghiệp và sự thay đổi tích cực của nền kinh tế, công tác thiết kế quy hoạch KCN đã có nhiều đổi mới. Một mô hình khu công nghiệp mới phù hợp với sự tham gia hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp có vốn đầu tư vừa và nhỏ đã ra đời với tên gọi – Khu (cụm) công nghiệp vừa và nhỏ (theo công văn số 17/CP-KCN 15/10/1998).
Nó đặc thù với quy mô nhỏ, địa điểm bố trí linh hoạt theo vùng sản xuất, quỹ đất trung bình dễ giải tỏa, chia lô đất nhỏ (mô đun 0,25ha hay 0,5ha) với cơ cấu sử dụng đất và hệ thống quản lý đơn giản, điển hình như các KCN vừa và nhỏ của Hà Nội: Vĩnh Tuy, Phú Thụy, Dương Xá A, Dương Xá B, Kiêu Kỵ, Ninh Hiệp, Hapro. KCN vừa và nhỏ cũng đồng thời giải quyết được việc di dời một số doanh nghiệp sản xuất ra khỏi thành phố, không những thế nó tập hợp, khuyến khích được nguồn nội lực từ các doanh nghiệp mới hoạt động để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ. Một số KCN vừa và nhỏ sau khi đã phát triển mạnh cần thu hút đầu tư lớn đều có thể xin phép nâng cấp lên thành KCN tập trung và điều chỉnh quy hoạch thích hợp (điển hình như việc chuyển đổi khu công nghiệp vừa và nhỏ Nhân Hòa – Phương Liễu thành khu công nghiệp An Việt – Quế Võ 6, tỉnh Bắc Ninh)…Vừa qua đã có lúc nhiều KCN tập trung trong một thời gian dài không lấp đầy được các lô đất dành cho các xí nghiệp công nghiệp (XNCN). Nguyên nhân là khi thiết kế quy hoạch đã đưa ra các lô đất cơ bản phù hợp với các tiêu chí của dự án được lập nhưng khi đi vào hoạt động diện tích lô đất lại quá lớn so với khả năng hạn chế về vốn cũng như nhu cầu diện tích nhà xưởng cần thiết của các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương. Việc điều chỉnh lại quy hoạch bằng cách chia nhỏ các lô đất một cách hợp lý và có quy chế quản lý thích hợp theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể vào thuê đất vào hoạt động là giải pháp khắc phục tình trạng thừa đất thiếu người thuê nêu trên.
Một thực tế khác là hiện nay các dự án KCN ở Việt nam chỉ chủ yếu tập trung vào các ngành sản xuất gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản, cần nhiều nhân công nhưng hàm lượng công nghệ chưa cao, thậm chí một số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) còn đưa vào nước ta những dây chuyền công nghệ đã lạc hậu. Điều đó làm cho các thiết kế quy hoạch các KCN nói chung vẫn theo những giải pháp truyền thống mà trên thế giới đã áp dụng từ 30 năm về trước (các thế hệ cũ của Business Park). Vì vậy đang cần một sự bứt phá về Khoa học công nghệ trong các ngành sản xuất công nghiệp để có thể theo kịp các mô hình KCN tiên tiến trên thế giới. Bên cạnh đó, những yêu cầu khắt khe của các tiêu chuẩn về môi trường đòi hỏi các khu xử lý chất thải tập trung của KCN luôn được chú trọng từ khâu thiết kế. Nhưng lỗ hổng ô nhiễm lại xuất hiện từ việc xử lý chất thải tại nguồn ở các XNCN. Tại đây đã có nhiều doanh nghiệp mặc dù có thiết kế nhưng không đầu tư khu xử lý chất thải và cố ý bỏ qua các bước xử lý mà thải trực tiếp ra ngoài. Điều này đã làm cho quy trình các bước xử lý chất thải ở nhiều KCN không thể thực hiện được. Các khu xử lý chất thải chung KCN hoặc quá tải hoặc bị vô hiệu hóa. Đây chính là sự lỏng lẻo trong việc ban hành quy chế quản lý và giám sát thực hiện nên cần có sự vào cuộc quyết liệt từ phía các cấp, ban, ngành liên quan.
Để hoàn chỉnh một thiết kế quy hoạch khu công nghiệp cần phải phối hợp nhiều thiết kế thành phần. Điều quan trọng là phải vận dụng linh hoạt các nguyên lý thiết kế cơ bản với thực tế khách quan hiện trường. Trong quá trình này những Quy chuẩn định hướng đã, sẽ và luôn đồng hành với người tư vấn thiết kế giúp cho việc lựa chọn áp dụng các Tiêu chuẩn phù hợp./.

THS.KTS. NGUYỄN NGỌC ANH
Khoa Kiến trúc – Trường Đại học Xây dựng