Thị trường bất động sản TP.HCM: Khó “sốt” trở lại
Từ đầu năm đến nay, tuy thị trường bất động sản (BĐS) đã có những chuyển biến tích cực hơn với lượng giao dịch tăng cao tập trung chủ yếu vào phân khúc căn hộ có giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn. Tuy nhiên, theo nhận định của một số chuyên gia trên thực tế lượng sản phẩm tồn kho vẫn rất lớn nên khả năng thị trường bị“sốt” trở lại khó có thể xảy ra.
Từ 1-7-2015, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) sẽ có hiệu lực, tạo hành lang pháp lý theo hướng thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho DN kinh doanh BĐS.
Có nhiều chế định mới hỗ trợ rất tốt cho thị trường BĐS như cho phép chuyển nhượng dự án tự do nếu có quỹ đất sạch; cho phép Việt kiều và người nước ngoài mua và sở hữu nhà…
Tuy nhiên, theo nhận định của Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), Luật Đất đai 2013 vẫn còn có một số quy định gây lo ngại cho DN. Trong đó, tiền sử dụng đất sẽ tiếp tục là một “ẩn số” và là một “gánh nặng” của nhà đầu tư.
Bên cạnh đó có một số chế định mới làm tăng chi phí trong cơ cấu giá thành BĐS như “chi phí ký quỹ” và “chi phí bảo lãnh” BĐS hình thành trong tương lai. Đây là hai yếu tố hoàn toàn mới trong cơ cấu giá thành BĐS mà cuối cùng người tiêu dùng sẽ gánh chịu khi mua nhà.
Từ đầu năm đến nay, giao dịch trên thị trường BĐS TP.HCM đã có dấu hiệu tăng cao trở lại. Theo nghiên cứu thị trường của Công ty Savills Việt Nam, trong quý 1-2015, có khoảng 4.200 căn hộ được bán, tăng 3% so với quý trước và 167% theo năm. Đây là lượng giao dịch cao nhất kể từ quý 4-2010 trở lại đây.
Trong đó, quận 2 và quận 7 tiếp tục dẫn đầu về lượng giao dịch với 38% tổng số căn đã bán, theo sau là Bình Thạnh, Tân Phú và Bình Tân với 31% thị phần.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, khó khăn nhất của thị trường BĐS hiện nay vẫn là giải quyết hàng tồn kho, nhất là hàng tồn kho cao cấp, nợ xấu để giúp tái cấu trúc thị trường BĐS ổn định, sàng lọc các DN yếu kém, làm ăn theo kiểu chụp giật, tay không bắt giặc, tạo sân chơi minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh và lành mạnh.HoREA dự báo giao dịch BĐS trong năm 2015 sẽ tiếp tục đà hồi phục. Trong đó, phân khúc chính vẫn là các giao dịch căn hộ quy mô vừa và nhỏ giá bán trên dưới 1 tỷ đồng. Đồng thời phân khúc dự án cao cấp, văn phòng cho thuê, BĐS thương mại, dịch vụ tiếp tục tạo ra những điểm sáng tích cực.
Ngoài ra, thực tế cho thấy, bức tranh kinh tế có triển vọng hơn nhưng mức độ hồi phục khá chậm nên thị trường BĐS cũng chịu ảnh hưởng trực tiếp.
Bên cạnh đó, mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 13-15% của toàn hệ thống ngân hàng trong năm 2015 vẫn là một dấu hỏi phía trước, trong khi ngành ngân hàng vẫn phải xử lý các khoản nợ xấu liên quan đến các khoản vay BĐS.
Vì thế, các ngân hàng dù quảng cáo cho vay mua nhà với lãi suất 7%-9%/năm nhưng thực tế chỉ chào lãi suất thấp trong năm đầu của hợp đồng, còn sau đó sẽ thả nổi. Đây là một trong những yếu tố khiến người có nhu cầu về nhà ở lo ngại không dám “gõ cửa” các nhà băng. Không chỉ có vậy, các chủ dự án còn dư nợ tín dụng trước đây, chịu lãi suất 14,5%/năm cũng đang kiến nghị giảm lãi suất nhưng vẫn phải chờ kinh tế vĩ mô tiếp tục tiến triển tốt, lạm phát thấp hơn mới có thể hạ thêm lãi suất.
Theo nhận định của ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch HoREA, thị trường BĐS gần đây có chuyển biến tích cực nhưng chỉ là bề nổi của tảng băng chìm vì nguồn cung của thị trường BĐS vẫn tiếp tục tăng lên.
Trong năm 2014, TP.HCM có khoảng 14.000 căn được chào bán. Nguồn cung căn hộ tại TP.HCM sẽ tăng mạnh trong năm nay, dự kiến sẽ có khoảng 22.000 căn hộ được tung ra thị trường. Bên cạnh đó vẫn còn hàng trăm dự án lớn, trị giá cả nghìn tỉ đồng vẫn đang nằm “bất động”.
Cán cân cung – cầu BĐS còn nhiều khoảng cách, trong đó lượng cầu có khả năng thanh toán vẫn hạn chế so với nguồn cung tồn đọng trong những năm qua nên thị trường BĐS chưa thể “nóng sốt” theo kỳ vọng của giới đầu tư.
Theo Báo Hải Quan