12/06/2020

Thị trường bất động sản sẽ như thế nào sau dịch bệnh Covid-19?

Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để thị trường bất động sản có thể hồi phục tốt sau dịch bệnh.

Tại buổi tọa đàm “Thị trường bất động sản thế nào hậu Covid- 19” do báo Thanh Niên tổ chức sáng nay (11/6) tại TPHCM, nhiều chuyên gia nhận định thị trường đang trên đà phục hồi.

Thị trường bất động sản 2020 vừa trải qua giai đoạn “đứng hình” do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Từ tháng 5, với lệnh dỡ bỏ cách ly, thị trường bất động sản đã và đang trên đà phục hồi. Theo Vietnam Report, cơ hội của thị trường bất động sản năm 2020 đến từ các yếu tố sau:

Thứ nhất, những động thái của Chính phủ về chính sách – pháp lý, tiêu biểu như giải quyết những vướng mắc tồn đọng trong các dự án từ 2019 trở về trước, quy trình thủ tục được cải thiện thuận tiện hơn; những quy định chính thức về condotel – officetel; sự quyết liệt của chính quyền trung ương và địa phương trước những vi phạm. Những yếu tố này tạo động lực mới cho thị trường phát triển lành mạnh và hiệu quả hơn.

Ngoài ra, dù dịch bệnh Covid là bất ngờ và chỉ có tác động trong ngắn hạn, nhưng Chính phủ đã có các biện pháp hỗ trợ kịp thời để thị trường bất động sản có thể hồi phục tốt sau dịch bệnh với một loạt các chính sách ưu đãi được ban hành bao gồm giảm thuế, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất và gói hỗ trợ tín dụng cho người dân và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Thứ hai, các chủ đầu tư Việt Nam với năng lực ngày càng lớn mạnh, linh hoạt hơn khi sẵn sàng đa dạng cơ cấu vốn, đầu tư chú trọng hơn vào chất lượng.

Thứ ba, nguồn vốn FDI vào lĩnh vực bất động tiếp tục gia tăng. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, giải ngân vốn FDI năm 2019 vào Việt Nam đạt 38,02 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,88 tỷ USD, chiếm 10,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Thứ tư, xu hướng hồi hương tránh dịch Covid-19 của kiều bào. Lượng kiều hối của Việt Nam ba năm liên tiếp trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới, với 16,7 tỷ USD trong năm 2019, 15,9 tỷ USD năm 2018 và 13,8 tỷ USD năm 2017 theo đường chính thức. Trong đó, hơn 20% lượng kiều hối dành cho lĩnh vực bất động sản.

Theo nhận định của các chuyên gia tại buổi tọa đàm nói trên, thị trường bất động sản hiện nay thực tế về bản chất không hề xấu. Bằng chứng là tổng cầu, trong đó tổng cầu có khả năng thanh toán rất lớn. Tất cả các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đạt tỷ lệ hấp thụ rất cao, đến 99 – 100% ở phân khúc nhà ở xã hội. Phân khúc nhà ở thương mại giá trị từ 2 tỉ đồng trở xuống đạt tỉ lệ 100% tiêu thụ và nhà ở cao cấp đạt 70 – 80%, có những dự án tiêu thụ tới 100%. Nhà đầu tư thứ cấp thời gian qua cũng được hưởng lợi nhờ khan hiếm sản phẩm.

Song, khó khăn lớn nhất chính là khan hiếm dự án, sản phẩm. Cụ thể, nếu trong năm 2018, nguồn cung chỉ giảm ở mức 20% thì đến 2019 đã sụt giảm tới 70%. Cả năm 2019 chỉ có 1 dự án được “chạy”. Điều này là nguyên nhân chính khiến dù khủng hoảng do đại dịch nhưng giá bất động sản thời gian qua không vẫn không giảm. “Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp vì nhà đầu tư không chịu được áp lực dòng tiền. Còn ở thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư dự án bất động sản uy tín vẫn duy trì hoạt động với mức giá phù hợp”, ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM (HoREA), khẳng định.

Tuy nhiên, ông Châu nhấn mạnh rằng nguyên nhân lớn nhất khiến nguồn cung bất động sản khan hiếm nghiêm trọng là sự chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột trong các quy định pháp luật hiện hành.

Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land chia sẻ thẳng thắn rằng khoảng 20 năm về trước, Khu đô thị Phú Mỹ Hưng khi đầu tư nhận được rất nhiều sự hậu thuẫn từ phía chính quyền để hoàn thiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, khi Đại Phúc Land đầu tư các dự án quy mô lớn tới gần 200 ha, doanh nghiệp này đã phải mất 15 năm rất vất vả triển khai thủ tục hành chính.

Theo đó, thời gian từ khi xin thủ tục đến khi triển khai dự án quá lâu, dẫn đến độ “vênh” giữa thiết kế ban đầu của dự án đối với nhu cầu thị trường. Thế nên, sau khi đã hoàn thành tất cả thủ tục về mặt pháp lý quy hoạch, nghĩa vụ tài chính , doanh nghiệp cần điều chỉnh cục bộ về mặt sản phẩm cho phù hợp yêu cầu thực tế thị trường nhưng rất e ngại vì phải làm lại các thủ tục từ đầu.

“Đơn cử, cách đây 10 – 15 năm nhu cầu sản phẩm nhà phố đa phần là 4 – 5 m nhưng nhu cầu không gian hiện nay cần 6 – 7m hoặc lớn hơn. Việc điều chỉnh này không những không ảnh hưởng tới quy chuẩn chung về mặt quy hoạch mà còn tốt hơn về không gian sống cho người dân. Tuy nhiên, nếu phải xin phép làm lại quy trình từ đầu thì sẽ rất vất vả cho doanh nghiệp. Hy vọng cơ quan chức năng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các dự án quy mô lớn để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp”, vị này đề xuất.

Đóng góp tổng quan cho thị trường, bà Hương đề xuất cần quy hoạch bất động sản phù hợp với nhu cầu thực tế của thị trường. Trong đó, phân khúc cao cấp sẽ tập trung ở khu vực trung tâm do giá trị đầu vào cao. Phân khúc trung cấp, nhà ở bình dân vừa túi tiền sẽ phải đi xa hơn, bán kính khoảng 10 – 15 km. Đồng thời, cần xem xét lại quy định mỗi dự án cần bố trí 20% quỹ đất cho nhà ở xã hội vì như vậy sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực đối với những vị trí không phù hợp xây dựng các dự án thuộc phân khúc này.

“Nên chăng chúng ta cần rà soát, có thể quy đổi sang giá trị tài chính phần 20% loại sản phẩm đó để Nhà nước có ngân sách chủ động triển khai nhà ở xã hội ở các vị trí phù hợp hơn. Hoặc có thể quy đổi sang vị trí khác thuận tiện hơn cho dự án nhà ở xã hội quy mô lớn, bà Hương nêu ý kiến.

Còn theo ông Châu, bắt đầu từ tháng 5, thị trường bất động sản có những dấu hiệu đang bật dậy mạnh mẽ. Tỷ lệ dự án đưa ra thị trường tăng lên khoảng gần 6 lần, tỷ lệ tiêu thụ được trong tháng 5 so với tháng 4 tăng lên đến 15 lần. Điều đó cho thấy khả năng phục hồi của thị trường bất động sản là rất cao nếu được tháo gỡ thêm các khó khăn về chính sách. Nếu không nhanh chóng tháo gỡ từ cấp địa phương, TP.HCM có thể phải đối mặt với tình trạng chảy dòng vốn đầu tư về các tỉnh, ảnh hưởng nguồn thu ngân sách. Doanh nghiệp bất động sản không xin hỗ trợ bằng tiền, chỉ xin tháo gỡ về chính sách.

Trả lời vấn đề trên, ông Nguyễn Trọng Ninh – Cục trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng thông thường, các cơ quan chức năng thường nhận đơn điều chỉnh dự án từ lớn thành nhỏ. Việc này cần xem xét kỹ vì làm tăng áp lực dân số khu vực trung tâm, nội đô. Cục Quản lý xây dựng sẽ cùng Sở Xây dựng TPHCM, cơ quan chuyên môn có các hướng dẫn, giải quyết cho doanh nghiệp về thủ tục cơ cấu căn hộ phù hợp với điều chỉnh quy hoạch, thiết kế cơ sở.

Cũng theo ông Ninh, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá thấp bởi hiện nay đang lệch pha, bất động sản cao cấp nhiều, nhà giá thấp ít. Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75 m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2. Dự kiến trong quý 3/2020 sẽ có dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ. Nếu nghị quyết này ra đời sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, hài hòa.

Liên quan đến thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật cũng sẽ được rút ngắn. “Hoạt động đầu tư kinh doanh bất động sản liên quan đến nhiều luật, đến các bộ ngành khác nên hiện nay Chính phủ, Quốc hội, các bộ ngành và địa phương tích cực sửa đổi. Trong quá trình thực hiện có những phát sinh sẽ sửa đổi tiếp. Luật Nhà ở, luật Kinh doanh bất động sản sẽ được sửa đổi, trong đó đất đai là gốc phải sửa đổi trước”, ông Ninh khẳng định.

Nam Phong/Nhịp sống kinh tế