18/06/2020

Thị trường bất động sản: Kích cầu bằng bơm vốn, tăng hỗ trợ nhà ở xã hội

Giải pháp kích cầu thị trường bất động sản hậu Covid-19 là tăng hỗ trợ phân khúc nhà ở xã hội để có giao dịch, duy trì nhịp sống của thị trường.

Không có giao dịch không còn là thị trường

“Khoảng lặng” là từ được nhiều chuyên gia nhắc đến tại Hội thảo “Giải pháp phục hồi thị trường bất động sản hậu Covid-19”, do Báo Xây dựng phối hợp với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tổ chức cuối tuần qua.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), đã gọi là thị trường thì phải có giao dịch, nhưng từ đầu năm đến nay, lượng tiêu thụ sản phẩm nhà ở thương mại chỉ đạt 14%, thấp nhất trong vòng 4 năm qua và chỉ bằng khoảng 40% so với cùng kỳ năm 2019; lượng giao dịch thành công giảm 36,6% so với quý IV/2019.

“Văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch thất thu vì khách du lịch không có, gia tăng số lượng doanh nghiệp dừng hoạt động, sàn giao dịch bất động sản phải nghỉ vì không có giao dịch, tồn kho lớn. Nghịch lý là không có dự án khởi công, nhưng tồn kho vẫn gia tăng do bất động sản cao cấp, các dự án Condotel đã làm xong, nhưng không mở bán được vì dịch”, ông Hà thông tin.

Từ đầu năm đến nay, số lượng doanh nghiệp bất động sản được thành lập mới giảm 11,9%, tạm ngừng kinh doanh tăng 94,1% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh cao nhất trong tất cả các ngành nghề. Số lượng sàn giao dịch đóng cửa chiếm khoảng 80%, số còn lại khoảng 200 sàn đang hoạt động cầm chừng.

Tính đến ngày 31/12/2019, giá trị tồn kho bất động sản tương đương 104.550 tỷ đồng. Đó là chưa kể lượng bất động sản tồn kho của các doanh nghiệp chưa niêm yết.

Dịch bệnh cũng tác động làm nguồn vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản sụt giảm mạnh trong quý I/2020, với 264 triệu USD vốn đăng ký, tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4.

Vốn FDI vào bất động sản trong 5 năm gần đây đạt khoảng 17,63 tỷ USD, luôn đứng thứ 2 trong tổng nguồn vốn FDI đăng ký đầu tư vào Việt Nam).

Thị trường hiện vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm). Ảnh: Đức Thanh

Thị trường hiện vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội. Trong ảnh: Khu nhà ở xã hội Đặng Xá (Gia Lâm). Ảnh: Đức Thanh

Tín dụng cho nhà ở xã hội

Thời gian qua, dù Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp để vượt qua đại dịch, nhưng về cơ bản, khó khăn vẫn là chủ đạo. Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được gói tín dụng.

“Cuộc sống vận hành từng ngày, nên phải tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi các giải pháp của Chính phủ”, ông Hà đề nghị.

Để kích cầu thị trường sau dịch, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, cần nghiên cứu, xây dựng nghị quyết của Chính phủ về khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để bán với tiêu chuẩn thiết kế căn hộ khép kín, có diện tích sử dụng dưới 70 m2, giá bán không quá 20 triệu đồng/m2, tối đa không vượt quá 1,5 tỷ đồng/căn (bao gồm cả VAT).

Theo đó, các cơ chế ưu đãi, khuyến khích xây dựng loại nhà ở này bao gồm: giảm 50% tiền sử dụng đất phải nộp; bố trí 500 tỷ đồng trong tổng nguồn vốn 2.000 tỷ đồng cấp cho 4 ngân hàng thương mại để cấp bù lãi suất cho vay; được cung cấp miễn phí thiết kế mẫu, thiết kế điển hình nhà ở thương mại giá rẻ do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Theo ông Sinh, hiện thị trường vẫn thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội. Thực tế đang có 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Nhà nước cũng chưa có cơ chế ưu đãi khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá thấp để đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo dự báo của Bộ Xây dựng, nếu kịch bản Việt Nam kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và bắt đầu trạng thái bình thường vào quý III/2020, thì sau khi đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh và xem xét đến 5 yếu tố cơ bản có khả năng tác động lớn đến thị trường bất động sản, có thể nhận định, hiện nay thị trường chưa ở trạng thái trầm lắng, đóng hoàn toàn.

Vì vậy, cần thực hiện ngay một số giải pháp để khắc phục khó khăn cho thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng, nhất là đối với các sản phẩm đang thiếu mà có nhu cầu cao.

“Để thị trường bất động sản phát triển ổn định trở lại, cần phải có các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế, chính sách, về nguồn vốn đầu tư, quy trình thực hiện, đặc biệt cần có chính sách ưu tiên, vượt trội để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ đối với nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá thấp”, đại diện Bộ Xây dựng đề nghị.

Ngoài ra, cần bố trí cấp bù lãi suất khoảng 500 tỷ đồng trong tổng số 1.000 tỷ đồng vừa được Chính phủ cấp thêm cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay đối với các dự án xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân khu công nghiệp. Bộ Xây dựng sẽ xác định danh mục các dự án được cấp vốn để thực hiện cho vay theo đúng  mục tiêu nêu trên.

Nhìn ở góc độ tích cực, ông Nguyễn Thọ Tuyển, Tổng giám đốc BHS Group cho rằng: “Thị trường bất động sản Việt Nam trong vài năm sắp tới sẽ không sụp đổ như nhiều người nghĩ. Thậm chí có những điểm sáng và những thay đổi bản lề để giai đoạn 2020 – 2030 phát triển mạnh mẽ hơn. Phần thắng sẽ thuộc về các chủ đầu tư có sẵn quỹ đất và đưa ra các dòng sản phẩm có giá trị thực, đáp ứng nhu cầu của người mua”.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị Chính phủ cho phép chậm nộp, giãn nộp tiền sử dụng đất đến hết năm 2020 đối với các chủ đầu tư có dự án bất động sản đang triển khai thực hiện mà đến hạn phải nộp tiền tiền sử dụng đất, hoặc đang làm thủ tục tính tiền sử dụng đất, nhưng có khó khăn về tài chính.

Giảm 50% thuế VAT cho các chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại giá thấp, có diện tích căn hộ dưới 70 m2, có giá bán không quá 1,5 tỷ đồng/căn; thực hiện miễn lệ phí trước bạ cho tất cả các giao dịch bất động sản được thực hiện trong năm 2020.

Thế Hoàng/Đầu tư Bất động sản