Tại TPHCM, trong quý II chào bán 6.109 căn hộ, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước; có 6.947 căn hộ được tiêu thụ, giảm 25% so với quý trước và giảm 29% so với cùng kỳ năm trước…
Lý giải về số lượng căn hộ chào bán tại Tp. HCM giảm và lượng giảm nhiều nhất được ghi nhận tại phân khúc trung cấp, với mức giảm 62% theo quý, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc chi nhánh công ty TNHH CBRE Hà Nội, nhận định có thể do dư âm của sự cố cháy chung cư từ cuối tháng 3 dẫn tới các biện pháp an toàn cho chung cư được chú trọng hơn.
Thêm nữa, nhằm đảm bảo tỷ lệ hấp thụ tốt, một số chủ đầu tư đã thận trọng hơn trong việc ra mắt nguồn cung mới. Mặt khác, Chính phủ cũng đã hạn chế tín dụng vào bất động sản để điều tiết thị trường. Với việc vốn vay ngân hàng được thắt chặt, các chủ đầu tư dần chuyển hướng sang những kênh tiếp cận vốn khác.
“Nhìn vào những yếu tố vĩ mô trong nền kinh tế đó là có tăng trưởng, cả năm 2018 dự kiến lạm phát 4%, trong khi đó thời kỳ khủng hoảng năm 2008 lạm phát 12- 13%. Vốn FDI vào Việt Nam vẫn mạnh như 10 năm trước đây, những chỉ số sản xuất đang lạc quan, giá nhà có tăng nhưng ở mức độ tăng dưới 5%. Bên cạnh đó, thị trường nhà ở gắn liền với đất chỉ tăng 4% so với quý trước. Tại thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu cụ thể nào đang đối mặt với khủng hoảng”, bà An khẳng định.
Ông Stephen Wyat – Tổng Giám đốc JLL Việt Nam, cũng nhận định nhà ở trung cấp và bình dân sẽ tiếp tục là phân khúc chủ đạo của thị trường trong thời gian tới do nguồn cung tốt ở cả hai phân khúc với nhiều cải thiện về dịch vụ xây dựng, tiện ích.
“Phong cách sống tiện nghi, an toàn ở các dự án căn hộ cũng đang được các gia đình trẻ chú ý, cộng với mức tăng thu nhập trong những năm gần đây sẽ dẫn dắt sự gia tăng nhu cầu về căn hộ”, ông Stephen Wyat nói.
Khánh An/VnMedia