28/03/2016

Thêm một nhà máy gạch không nung đi vào hoạt động

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh về việc sử dụng vật liệu xây dựng không nung (VLXDKN) thay việc sử dụng gạch đất sét nung trong xây dựng, Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh đã đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung tại bản Ca Hâu II, xã Na Ư, huyện Điện Biên. Nhà máy gạch không nung chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2016.

Công nhân Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh kiểm tra chất lượng gạch không nung.

Sau thời gian đầu tư xây dựng hệ thống máy móc, đến nay Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh (sau đây gọi tắt là Công ty) đã chính thức xuất xưởng mẻ gạch không nung đầu tiên. Ông Trần Đăng Ninh, Tổng Giám đốc Công ty cho biết: Hiện nay nhà máy đang thực hiện giai đoạn đầu, với tổng trị giá xây lắp 28 tỷ đồng, áp dụng dây chuyền thiết bị ZENITH – công nghệ của CHDC Đức, có công suất lên đến 30 triệu viên gạch/năm. Nhà máy sản xuất gạch không nung xi măng cốt liệu sản xuất 3 loại gạch, gồm: gạch đặc, gạch 2 lỗ có kích thước tiêu chuẩn 220 x 65 x 105mm và gạch 2 lỗ có kích thước lớn là 220 x 100 x 150mm; giá thành tùy thuộc vào việc vận chuyển đến địa phương xa hay gần có mức giá từ 1.200 đồng/viên trở lên.

Để gạch không nung được đưa vào sử dụng trong các công trình xây dựng trên địa bàn, Công ty đã thực hiện đầy đủ các thủ tục đăng ký chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn trong danh mục vật liệu xây dựng tham gia xây dựng các công trình của tỉnh. Thời gian tới, Công ty đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng cáo để đưa gạch không nung vào quá trình thi công các công trình của người dân.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Đăng Ninh cho biết thêm: ưu điểm của gạch không nung là có thể tận dụng được chất thải rắn từ công nghiệp như: mạt đá, xi măng, bột đá và các chất phụ gia khác… do vậy nguyên liệu đầu vào khá phong phú chứ không như gạch đất nung. Viên gạch không nung cốt liệu có dạng khối Block do công ép rung tạo hình và đóng rắn tự nhiên, cường độ kháng nén cao, bề mặt nhẵn, do đó sử dụng vữa xây, trát rất ít, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành xây dựng, tuổi thọ công trình cao, chịu đựng tốt với các điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Gạch không nung còn có lợi ích hơn hẳn gạch nung là tiết kiệm tài nguyên, đặc biệt là đất nông nghiệp, giảm thiểu khí phát thải gây ô nhiễm môi trường, giảm chi phí xử lý phế thải của các ngành công nghiệp, tiết kiệm nhiên liệu than, đem lại hiệu quả kinh tế chung cho toàn xã hội. Theo tính toán của ông Trần Đăng Ninh, để sản xuất một tỷ viên gạch đất sét nung có kích thước tiêu chuẩn sẽ tiêu tốn khoảng 1.500.000m³ đất sét, tương đương 75ha đất nông nghiệp (độ sâu khai thác là 2m) và 150.000 tấn than, đồng thời thải ra khoảng 0,57 triệu tấn khí CO2, gây hiệu ứng nhà kính và các khí thải độc hại khác, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng nếu sản xuất 1 tỷ viên gạch không nung thì những thiệt hại môi trường tài nguyên thiên nhiên đất đã giảm rất nhiều hoặc gần như không đáng kể, đồng thời còn đảm bảo an ninh lương thực và tạo việc làm cho nông dân.

Với chủ trương khuyến khích phát triển VLXDKN của Nhà nước, bước đầu Công ty TNHH Đầu tư thương mại và dịch vụ Hoàng Anh đã được hưởng một số cơ chế hỗ trợ, chính sách khuyến khích về đất đai, về thủ tục, về thuế… Về chiến lược đầu tư kinh doanh, Công ty đã có kế hoạch đầu tư tiếp giai đoạn 2, nâng công suất nhà máy lên 50 triệu viên/năm, và xem xét hạ giá thành sản phẩm, đưa VLXDKN đến với người tiêu dùng rộng rãi hơn.

Để tạo điều kiện thuận lợi trong sản xuất và tiêu thụ gạch không nung trên địa bàn, thời gian qua, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là Sở Xây dựng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn sử dụng gạch không nung, cát nghiền từ đá đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng vốn Nhà nước từ 30% trở lên trên địa bàn tỉnh và công văn đề nghị sử dụng gạch không nung xi măng cốt liệu vào xây dựng các công trình sử dụng vốn Nhà nước… gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố; các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng khuyến khích các chủ đầu tư sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và cũng đồng thời là cơ sở khuyến khích các nhà đầu tư sản xuất gạch không nung.

Có thể thấy chủ trương phát triển VLXDKN đã và đang đi vào cuộc sống. Vì vậy, để đẩy nhanh việc sản xuất tiêu thụ gạch không nung, các cơ chế chính sách không nên chỉ là khuyến khích, mà cần “quyết liệt hơn” với việc yêu cầu sử dụng loại vật liệu này. Bởi theo Thông tư 09/TT-BXD ngày 28/11/2012 của Bộ Xây dựng về sử dụng VLXDKN trong các công trình xây dựng quy định đầu năm 2016 thì hạn chót để các công trình từ 9 tầng trở lên sử dụng vốn ngân sách Nhà nước phải sử dụng 100% VLXDKN và tối thiểu 50% VLXDKN loại nhẹ trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây) đối với các dự án không phân biệt nguồn vốn. Do vậy, ngay từ bây giờ công tác rà soát, tăng cường kiểm tra việc sử dụng loại vật liệu này hết sức cần thiết, ngay từ khâu thiết kế, tư vấn cho đến giám sát công trình. Để làm được điều này, vai trò, trách nhiệm của các địa phương là quan trọng cần thiết nhất.

dienbien.gov.vn