28/12/2016

Thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035

Chiều 26/12, Hội nghị thẩm định nhiệm vụ Quy hoạch chung TPVũng Tàu đến năm 2035 đã diễn ra tại Bộ Xây dựng. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chủ trì Hội nghị.

TP Vũng Tàu nằm ở phía Nam tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cách TP.HCM khoảng 100km. Quy hoạch chung TP Vũng Tàu được Thủ tướng phê duyệt năm 1993, được điều chỉnh năm 2005.

Sau hơn 12 năm thực hiện theo quy hoạch, nảy sinh một số vấn đề dẫn đến nhu cầu phải điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung TP Vũng Tàu như: Quy hoạch năm 2005 sau 12 năm đã bộc lộ nhiều bất cập; đã có nhiều biến động lớn từ các phát triển hạ tầng trọng yếu quốc gia; sự phát triển nội tại đã vượt ngoài nhiều dự kiến của quy hoạch năm 2005…


Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn chủ trì Hội nghị.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn tại Hội nghị, mục tiêu phát triển đô thị của TP Vũng Tàu đến năm 2025 là củng cố cấu trúc đô thị, phát huy thế mạnh kinh tế biển, hoàn thành và vượt các tiêu chí đô thị loại I, giữ vững vị trí trung tâm kinh tế lớn nhất của tỉnh – cực đối trọng chính của Vùng TP.HCM, với các nét chính: Tiếp tục phát triển công nghiệp lọc hóa dầu và các ngành công nghiệp, dịch vụ đồng hành; nâng cao vị thế ngành du lịch – dịch vụ thông qua chỉnh trang không gian dịch vụ công cộng đô thị, hấp dẫn các nhà đầu tư du lịch đẳng cấp quốc tế, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, chú trọng khai thác chuỗi không gian ven bờ biển và không gian rừng ngập mặn; hỗ trợ phát triển công nghiệp thủy sản, đồng thời phi tập trung hóa các cơ sở ngành này ra khỏi đô thị tập trung; nâng cấp hệ thống các cảng biển, các khu kho vận, sân bay, đường sắt và các tuyến giao thông trọng yếu; phát triển hệ thống hạ tầng y tế, giáo dục nhằm nâng cao chất lượng sống cho toàn TP.

Cũng theo đơn vị tư vấn, đến năm 2035, TP Vũng Tàu tiến tới mô hình đô thị thương mại, tài chính tầm vóc quốc gia, quốc tế, với các nét chủ yếu như: Cung cấp dịch vụ du lịch đạt đẳng cấp quốc tế; phát triển Vũng Tàu trở thành một trong những trung tâm thương mại, tài chính của quốc gia và khu vực; phát triển bền vững các lĩnh vực mũi nhọn như lọc hóa dầu, du lịch – dịch vụ, hải sản, hàng hải, kho vận…

Về dự báo quy mô đô thị, lượng gia tăng cơ học và đô thị hóa tại Vũng Tàu đến năm 2035 dự báo khoảng 21-26 vạn người; lượng khách du lịch đến năm 2035 đạt khoảng 8-10 triệu lượt/năm; đến năm 2035, tổng dân số trên địa bàn khoảng 450-500.000 người.

Dự và đóng góp ý kiến vào đồ án, đại diện Bộ Quốc phòng cơ bản nhất trí với các nội dung được trình bày thuộc nhiệm vụ điều chỉnh Quy hoạch chung TP Vũng Tàu đến năm 2035. Tuy nhiên, đại diện Bộ Quốc phòng cũng nhấn mạnh, những điều chỉnh này sẽ ảnh hưởng đến một số công trình quốc phòng, do vậy khi thực hiện điều chỉnh trong thực tế cần có sự phối hợp giữa các bên.

Bộ Công Thương thì phân vân ở nội dung dự kiến lấy lọc hóa dầu làm mũi nhọn, nhất là lọc dầu, từ đó yêu cầu địa phương cần nghiên cứu kỹ lại dự báo ngành lọc hóa dầu từ giờ đến 2025 xem các mục tiêu dự kiến có tính khả thi không. Vị này cũng đề nghị tư vấn nghiên cứu thêm về thuật ngữ “công nghiệp thủy sản”, bởi hiện nay chúng ta thường dùng khái niệm trung tâm hậu cần nghề cá.

Trong khi đó, đại diện Bộ VHTT&DL nêu ý kiến: TP dự kiến đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên trong phần luận cứ chưa thấy nhắc đến Luật Du lịch và các định hướng phát triển thể thao, văn hóa và du lịch.

Đại diện Bộ này cũng đề nghị làm rõ thêm mục tiêu đến 2025 có điều chỉnh gì liên quan đến các hạ tầng văn hóa, thể thao, đồng thời nói rõ phân khúc khách du lịch như thế nào, sức chứa là bao nhiêu…

Đại diện Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm, cần nghiên cứu lại định hướng phát triển TP thành trung tâm giao thông vận tải biển của vùng, bởi trong tương lai sân bay Long Thành sẽ được xây dựng, sẽ ảnh hưởng đến vấn đề giao thông của Vũng Tàu

Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu vấn đề nước biển dâng ảnh hưởng đến giao thông đô thị địa phương như thế nào, lộ trình trở thành đô thị loại 1 của thành phố cũng cần cụ thể hơn; trong định hướng xây dựng hệ thống chiếu sáng đô thị, cần nhấn mạnh tại các cảnh quan và công trình trọng điểm; chỉ tiêu về quy mô nghĩa trang thì cần tính đến tập quán táng của địa phương…


Đại diện địa phương trình bày làm rõ thêm một số vấn đề của đồ án.

Đại diện Văn phòng Chính phủ góp ý, Quy hoạch chung TP Vũng Tàu cần xem xét và thống nhất với quy hoạch tổng thể về kinh tế – xã hội mà tỉnh đang xây dựng, đồng thời có đối chiếu với quy hoạch vùng.

Về vấn đề biến đổi khí hậu, Bà Rịa – Vũng Tàu được cho là một những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất, do đó phải có tính toán, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu mới nhất cũng như nghiên cứu lại về những ảnh hưởng từ sân bay Long Thành sau này; thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả sử dụng đất do quỹ đất TP hạn chế…

Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn lưu ý một số vấn đề: thứ nhất là định hướng phát triển du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, các nghiên cứu phát triển của thành phố cần bám theo du lịch; thứ hai là tính chất về công nghiệp, dịch vụ, cần bổ sung và làm rõ mục tiêu trở thành trung tâm tài chính, chứ không để đến tận sau năm 2035 như trong đồ án; đồng thời cần tính đến tăng cường hiệu quả khai thác quỹ đất và lấy kiến của các Sở, Ban, ngành liên quan để hoàn thiện hồ sơ. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng lưu ý một số nội dung chưa được đề cập trong đồ án như mạng lưới sông hồ, kênh rạch; tương tự là các không gian cây xanh, chỗ vui chơi phục vụ du lịch.

Ngoài ra cách viết Tờ trình cũng cần theo quy chuẩn. Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn cũng yêu cầu địa phương làm mô hình sa bàn hiện trạng TP Vũng Tàu tỷ lệ 1/5.000, trong đó một số điểm nhạy cảm cần tách ra làm mô hình riêng.

Thứ trưởng cũng đề nghị địa phương mời thêm chuyên gia nước ngoài tham gia vào hoàn thiện đồ án, tập trung vào các chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế.

Đỗ Đông/Báo Xây dựng