08/12/2014

Tê tái… tái định cư

Ðiều kiện sống tại nhiều khu nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội không bảo đảm ở mức tối thiểu đã trở thành vấn đề nhức nhối trong suốt thời gian dài. Hết lần này đến lần khác gõ cửa các cơ quan chức năng đòi quyền lợi, song những cư dân tại đây chỉ nhận về câu trả lời chưa thỏa đáng. Quả bóng trách nhiệm vẫn được truyền quanh…

 

bacthang

Với những vết nứt lớn như thế này, liệu sau khi khắc phục, tuổi thọ công trình được bao nhiêu?

“BẮC THANG ĐI HỎI…”

Tiếng là sống ở Hà Nội mà khổ quá chừng, không tin chú theo tôi sẽ biết, bà Nguyễn Thị Phê, Tổ trưởng dân phố 84 – nhà A1 – Khu Tái định cư (TÐC) Ðền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), than thở với chúng tôi. Khu nhà ngày một xuống cấp nghiêm trọng, tường nứt, mất điện, mất nước, thang máy hỏng… xảy ra thường xuyên. Vậy nên, đã hàng năm trời, bà tổ trưởng thấm cảnh gõ cửa làm đơn xin hết cửa này đến cửa nọ mỗi khi có sự cố hỏng hóc ở khu nhà TÐC. Hành trình quá gian nan, không ít lần người dân phải thất vọng quay về tự đóng tiền xử lý theo “chỉ dẫn” của Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. “Công ty thì bảo dân làm. Chúng tôi đã tự nguyện làm rồi nhưng lại tắc, lại kiến nghị mà các ông ấy hứa rồi để đó”, bà Phê than thở.

Do nền của khu TÐC bị sụt lún nghiêm trọng, nước thải xông lên và tràn cả ra đường gây ô nhiễm môi trường. Tự cứu lấy mình, trong hai năm 2012, 2013, người dân phải đóng 100 nghìn đồng/khẩu mỗi năm để thuê người hút nước thải nhưng tắc vẫn hoàn tắc. Mấy trăm người dân phải sống trong cảnh khổ sở, bất tiện suốt thời gian dài. Những ngày nắng nóng năm 2014, bà Phê đại diện các hộ dân lại tiếp tục chu trình quen thuộc – tìm đến Sở Xây dựng Hà Nội rồi được chỉ xuống gặp Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Ðại diện công ty vẫn có câu trả lời rằng, không có kinh phí, người dân phải tiếp tục đóng phí sửa chữa. Tiếp đó, bà Phê lại được giới thiệu gặp lãnh đạo Xí nghiệp Quản lý và khai thác KÐT, đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về nhà TÐC. Bà Phê bức xúc: “Tôi được giám đốc xí nghiệp là ông Lương Văn Hữu hẹn gặp, nhưng rồi ông ấy bảo ông Chử Văn Tráng là phó giám đốc tiếp. Ðúng hẹn thì ông Tráng lại cho những người khác tiếp tôi. Ði lại vài lần cuối cùng tôi cũng được các ông ấy bày cho cách làm đơn. Ðơn làm rồi, gửi rồi nhưng cũng chẳng thấy ai ngó xuống”.

Cũng mệt mỏi vì phải chờ đợi quá lâu, bà Lê Thị Kha, sống ở phòng 602 than thở: “Chúng tôi nhường đất để làm dự án cầu Vĩnh Tuy, về đây khổ sở quá. Có người hỏi sao chúng tôi không đi? Tiền đâu mà mua chỗ khác. Về đến năm thứ 10 rồi mà nước vẫn chưa được bàn giao nên có khi chúng tôi phải sống trầy trật vì mất nước đến hai tháng trời. Lúc giải tỏa các ông ấy nói ngon thế, rồi đem con bỏ chợ!”.

Khu TÐC Ðền Lừ không phải trường hợp cá biệt. Ðến bất cứ khu TÐC nào như Pháp Vân – Tứ Hiệp, Ðồng Tàu, Dịch Vọng, Trung Hòa – Nhân Chính, Nam Trung Yên… chúng tôi cũng nhận được những lời than thở của người dân và mong mỏi sự quan tâm của những người có trách nhiệm. Ðại diện cho nhiều hộ dân, bà Nguyễn Thị Khanh, sống ở phòng 1203, tòa nhà B11A, Khu Trung Hòa – Nhân Chính cho biết: “Chúng tôi khổ nhiều rồi. Con trai tôi đã từng bị kẹt trong thang máy mấy giờ đồng hồ. Nếu chẳng may hôm đó là người già, trẻ em thì chẳng biết sẽ xảy ra điều gì nữa. Chính tôi và mấy bà hàng xóm, gặp chuyện đang đi thang máy lên nhà, bỗng tụt đến rầm. Chúng tôi như đứng tim!”.

 

TRẢ LỜI QUẨN QUANH

Luật pháp đã có những thiết chế, quy định trong việc di dân TÐC, theo đó, người dân phải được bảo đảm những điều kiện sống như mức giao kết khi đàm phán di dân. Và họ có quyền được giải đáp những thắc mắc, cũng như được giải trình về những sự cố và tiến độ khắc phục của các tòa nhà.

Nhưng thực tế thì sao? Người dân thật nhọc nhằn tìm cách tiếp cận với cơ quan quản lý hay đầu mối chịu trách nhiệm xử lý vấn đề. Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngày 23-11-2009, để giải quyết vấn đề dân sinh bức xúc, UBND thành phố Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng, chỉ đạo Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội tiến hành ứng vốn sửa chữa ngay khi phát hiện sự cố từ thang máy, thiết bị sử dụng chung của các tòa nhà TÐC. Tuy nhiên, việc khắc phục lại chẳng thấm vào đâu. Lý do được dẫn giải là bởi thiếu vốn. Căn nguyên được chỉ ra là thiếu cơ chế vốn, 44 tòa nhà chung cư TÐC được xây dựng từ trước khi có Luật Nhà ở và đưa vào sử dụng trong giai đoạn năm 2001 đến 2006, vậy nên không có kinh phí bảo trì 2% trong giá bán. Do đó, việc sửa chữa, bảo trì phải tổ chức lấy ý kiến và thu kinh phí đóng góp từ người dân nhưng đa phần người dân không đồng tình.

Song, ngay cả những khu đã có phí bảo trì cũng không đủ để sửa chữa nhiều hạng mục, bởi chất lượng nhà TÐC quá thấp. Khi được hỏi về những vướng mắc trong công tác bảo trì nhà TÐC, ông Bùi Quốc Dũng, Trưởng phòng Quản lý nhà xã hội TÐC (Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) cho hay, công ty đã làm hết trách nhiệm. Còn những sự cố lặp đi lặp lại thì được ông Dũng cho rằng, có nguyên nhân từ ý thức của người dân!?

Nguồn quỹ bảo trì có khoảng 45 tỷ đồng, nhưng điều người dân thắc mắc suốt thời gian qua vẫn chẳng được giải thích rốt ráo. Rằng tại sao không xuất quỹ sửa chữa, mà bắt dân tự đóng tiền? Nguồn quỹ này được chi tiêu như thế nào, có được giám sát để bảo đảm sự minh bạch hay không? Trả lời cho câu hỏi này, ông Dũng nói: “Với 155 tòa nhà thì 450 tỷ đồng cũng chỉ đủ bảo trì được 1/3 thôi chứ nói gì chỉ có 45 tỷ đồng? Theo quy định, quỹ của tòa nào chỉ dùng sửa chữa ở tòa đó. Có nghịch lý là nơi xuống cấp thì không có quỹ bảo trì. Ðền Lừ là điển hình. Còn nơi có quỹ thì mới xây, chưa xuống cấp. Nhưng không thể cấu quỹ của tòa này để sửa tòa kia”.

Ðã vận dụng đến quy định để giải thích như ông Dũng thì trách gì bà Phê cũng như nhiều người dân khác phải mỏi mắt đi tìm quyền lợi chính đáng của mình. Ngay như ông Chử Văn Tráng, Phó Giám đốc Xí nghiệp Quản lý và khai thác KÐT, đơn vị chịu trách nhiệm về các khu TÐC, cũng chỉ biết báo cáo Sở Xây dựng xem xét đặc thù từng tòa để tìm phương án hỗ trợ. Rồi chờ trả lời mà thôi!

Thêm một điều khiến người dân bức xúc chính là cơ chế quản lý và cho thuê các khu dịch vụ ở tầng 1 mỗi tòa nhà. Vì sao không dành một phần nguồn thu từ việc cho thuê ở đây để dành cho bảo trì? Còn nếu không, sao không ưu tiên những người dân TÐC được kinh doanh tại đây? Chính đại diện Công ty TNHH Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cũng thừa nhận việc quản lý các khu dịch vụ này còn nhiều điều phải bàn.

 

CƠ CHẾ NÀO CHO NGƯỜI DÂN?

Dẫu sao thì sau thời gian dài “sống trong sợ hãi” và kiên trì cầu cứu các cơ quan chức năng, rút cục nguyện vọng của người dân khu TÐC Ðồng Tàu (quận Hoàng Mai) đã được lắng nghe. Từ tháng 2-2014, hệ thống cơ sở hạ tầng ở đây bắt đầu được tiến hành cải tạo. Nhìn vào điểm sáng hy vọng đó, bà con ở nhiều khu TÐC khác cũng tích cực đệ đơn kiến nghị. Dẫu vậy, bà con chưa hết lo lắng, chất lượng công trình vốn thấp, sửa chữa thì chắp vá như vậy liệu sẽ bảo đảm trong bao lâu?

Lo lắng đó hoàn toàn có cơ sở. Ngay chính ông Vũ Ngọc Ðạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội) cũng thừa nhận: “Do yêu cầu cấp bách cần phải giải quyết bố trí TÐC, nhiều dự án chưa hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đã phải bố trí cho các hộ dân vào ở, ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt, gây bức xúc cho các hộ. Một số khu được triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2001, chưa tính đủ diện tích để bố trí cho mục đích phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Diện tích để xe tại tầng 1 ở một số tòa nhà hiện không đáp ứng được nhu cầu, ảnh hưởng tới công tác an toàn, phòng cháy, chữa cháy…”.

Trước mắt, để giải quyết những bức xúc của người dân đang sống khổ sở ở những cơ sở đang xuống cấp, thành phố Hà Nội đã giao công ty có trách nhiệm ứng vốn tổ chức sửa chữa, trong đó có khu TÐC Ðền Lừ, Pháp Vân – Tứ Hiệp… Theo đó, giao thêm trách nhiệm tổ chức kiểm tra, lập kế hoạch sửa chữa định kỳ hư hỏng xuống cấp của các khu nhà ở TÐC toàn thành phố, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức bảo trì theo quy định. Dẫu vậy, đây mới chỉ là những giải pháp tạm thời.

Rõ ràng, từ thực tế triển khai TÐC của Hà Nội và nhiều đô thị lớn khác cho thấy những tồn tại trong công tác xây dựng và quản lý, vận hành nhà TÐC. Ðiều ấy đòi hỏi phải được các cơ quan chức năng làm rõ, nghiên cứu xử lý và có cơ chế chính sách thích hợp. Nếu việc sống ở khu TÐC trở thành nỗi ác mộng của người dân, thì e rằng tiến độ giải phóng mặt bằng của nhiều dự án khó lòng về đích.

Người dân chờ đợi những việc làm thiết thực chứ không chỉ là kế hoạch trên giấy. Họ cần sự sẻ chia, thấu hiểu chứ không phải những lời hứa suông. “Quả bóng trách nhiệm” đến lúc phải được các bên lãnh nhận theo đúng thẩm quyền, giải quyết thấu đáo, trả lại những điều kiện tối thiểu cho người dân.

 

Theo Nhân Dân