23/11/2020

Tăng cường quản lý, sử dụng vật liệu tái chế trong xây dựng

Cùng với tốc độ đô thị hóa và phát triển kinh tế nhanh chóng, sự bùng nổ các hoạt động xây dựng ở nước ta trong những năm qua ngày càng tăng. Theo đó, nhu cầu sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng là rất lớn. Việc đẩy mạnh tận dụng phế thải làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất vật liệu xây dựng vừa là giải pháp bảo vệ môi trường, tiết kiệm tài nguyên khoáng sản vừa tăng hiệu quả kinh tế.

ximang_vatlieutaiche

Hiện nay, vật liệu xây dựng là một trong những ngành tiêu thụ khối lượng lớn tài nguyên khoáng sản làm nguyên, nhiên liệu trong sản xuất, gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ ra rằng, mỗi năm Việt Nam bị thiệt hại tới 5% GDP, tương đương với 10 tỷ USD vì môi trường ô nhiễm, chủ yếu do chất thải ngày một nhiều hơn nhưng không được thu gom, xử lý tốt, trong đó 25 – 30% là rác thải xây dựng.

Ngành Xây dựng nếu biết quản lý, tận dụng và xử lý đúng quy chuẩn, những chất thải này có thể trở thành vật liệu tiềm năng để tái sử dụng, thay thế các loại vật liệu khai thác để tạo nên thành phần xây dựng mới, với chất lượng tương đương như khi sử dụng vật liệu xây dựng truyền thống.

Việc tái chế rác thải không chỉ có ý nghĩa về mặt môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế như: Tiết kiệm được nguồn tài nguyên, giảm chí phí xây dựng và mang tới cơ hội việc làm rất lớn cho người lao động.

Trước thực trạng trên, trong những năm qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích tái chế, sử dụng các loại vật liệu phế thải nói chung, phế thải xây dựng nói riêng cùng các quy định về quản lý chất thải và phế liệu. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 10, Luật Xây dựng quy định về những chính sách khuyến khích trong hoạt động đầu tư xây dựng, trong đó: Tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài được khuyến khích và tạo điều kiện nghiên cứu áp dụng khoa học và công nghệ xây dựng tiên tiến, sử dụng vật liệu xây dựng mới, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Tại Khoản 3, Điều 5, Luật Bảo vệ môi trường số 55/2014/QH13 ngày 23/6/2014 của Chính phủ quy định: Đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng và giảm thiểu chất thải.

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050. Theo đó, nội dung Chiến lược nêu rõ quan điểm, mục đích cũng như các mục tiêu phát triển ngành công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng như: Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có tính cạnh tranh mạnh trên thị trường quốc tế. Hạn chế xuất khẩu những sản phẩm sử dụng nhiều nguyên liệu, nhiên liệu là tài nguyên khoáng sản không tái tạo.

Tiến sỹ Nguyễn Quang Hiệp – Phó Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho biết: Phát triển vật liệu xây dựng đã từng bước được chú trọng hơn theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cần hướng đến phát triển bền vững ngành Vật liệu xây dựng; áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất vật liệu xây dựng; tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính; gắn sản xuất vật liệu xây dựng với tái chế, tái sử dụng các chất thải công nghiệp, nông nghiệp, xử lý rác thải và bảo vệ môi trường.

Hơn nữa, cần ưu tiên đầu tư các dự án sản xuất vật liệu xây dựng mới, các dự án công suất lớn sử dụng công nghệ tiên tiến ở các vùng có điều kiện thuận lợi về nguyên liệu, về phát triển công nghiệp, về hạ tầng giao thông và gần thị trường tiêu thụ; các dự án sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng khối lượng lớn chất thải từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và rác thải sinh hoạt; kết hợp việc sử dụng khoáng sản tự nhiên với việc sử dụng vật liệu tái chế. Tận dụng tối đa tro, xỉ, thạch cao phát thải từ các nhà máy nhiệt điện, hoá chất, phân bón và các cơ sở công nghiệp khác làm nguyên liệu, phụ gia sản xuất vật liệu xây dựng…

Đồng quan điểm, đại diện Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đề xuất, trong thời gian tới, Nhà nước cần xây dựng cơ chế chính sách, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng khuyến khích đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng tiết kiệm năng lượng, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tỷ lệ sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu tái chế từ phế thải công nghiệp, nông nghiệp, rác thải sinh hoạt, giảm lượng phát thải để bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần hạn chế, tiến tới dừng các hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng không hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, gây ô nhiễm môi trường.

Rõ ràng, việc tận dụng phế liệu, phế thải làm nguyên liệu thay thế trong sản xuất vật liệu xây dựng là một trong những giải pháp tối ưu để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả kinh tế, đảm bảo sự phát triển bền vững trong ngành Xây dựng.

BXD