18/07/2019

Tầm nhìn kết nối giao thông trong tái thiết phát triển khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

(Tạp chí KTVN 224) – Duy trì sức hút phát triển của trung tâm đô thị là một trong những thách thức và là yếu tố cạnh tranh quan trọng của các đô thị khu vực châu Á và trên thế giới. Các bài toán tái thiết cấu trúc (Rezoning), tái thiết đô thị (Reconstruction), làm mới (Renewal) hay cải tạo đô thị luôn được nghiên cứu kỹ lưỡng, đặc biệt trong khu vực trung tâm đô thị. Xu thế tái thiết, nhằm làm mới khu vực các trung tâm cũ luôn gắn với các yêu cầu của khu trung tâm như các không gian mở, công viên và đặc biệt là sự kết nối thuận lợi với các đầu mối giao thông và trung tâm đô thị. Khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một kết nối quan trọng gắn với trung tâm TPHCM, nghiên cứu phát triển, tái thiết khu vực này cần có tầm nhìn rộng nhằm kết nối tối ưu các trung tâm, đầu mối giao thông quan trọng như sân bay, hệ thống tàu điện đô thị thành phố, đường sắt quốc gia (ga Hòa Hưng).

Một tầm nhìn về cơ hội tái thiết khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè gắn với định hướng là một đầu mối giao thông quan trọng có khả năng kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất, ga Hòa Hưng và nhà ga trung tâm Bến Thành trong giai đoạn ngắn hạn, sẽ hỗ trợ thúc đẩy vai trò trung tâm mới của khu vực tái thiết.

Đề xuất bổ sung xây dựng một loại hình vận tải công cộng cho sân bay Tân Sơn Nhất

Đề xuất bổ sung xây dựng một loại hình vận tải công cộng cho sân bay Tân Sơn Nhất

Hướng tới tầm nhìn chiến lược trong tái cấu trúc, kết nối sân bay và khu vực trung tâm

TPHCM là đô thị đặc biệt với dân số định hướng đến 2020 là 10 triệu dân, thành phố là đô thị có tốc độ đô thị hóa cao, mật độ cư trú lớn. Khu vực trung tâm hiện hữu thành phố được xác định có quy mô 930ha (thuộc Quận 1, một phần Quận 3, Quận 4 và Quận Bình Thạnh).

Khu vực dọc kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thuộc Quận 3 cùng với Phường 3, Phường 4 (Quận Tân Bình) tạo nên hành lang không gian hai bên kênh kết nối giữa trung tâm thành phố (Quận 1) và khu vực đầu mối sân bay Tân Sơn Nhất. Mặc dù đã có lựa chọn phát triển sân bay Long Thành nhưng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải và TPHCM vẫn thống nhất sẽ tăng gấp đôi công suất của sân bay Tân Sơn Nhất từ 28 triệu lên 48 triệu lượt khách/năm và sẽ đầu tư 11.000 tỷ xây dựng nhà ga T3 khu vực phía Nam sân bay. Sức ép gấp đôi của sân bay Tân Sơn Nhất tạo nên yêu cầu về giải quyết giảm tải, ùn tắc giao thông cho khu vực sân bay, tạo kết nối với đô thị và vùng đô thị TPHCM là rất cấp bách.

Hiện nay một số phương án chủ yếu đề xuất xây dựng tuyến đường bộ trên cao với chi phí rất lớn, lại chưa hiệu quả do chưa giải quyết được vấn đề về giảm các dòng phương tiện đi qua khu vực cửa ngõ sân bay. Mặt khác các phương án đề xuất hiện chỉ đáp ứng được 01 loại hình phương tiện đường bộ là xe ô tô, xe máy mà chưa có nhiều giải pháp thực sự hiệu quả cho giao thông công cộng, đáp ứng cấp thiết nhu cầu phát triển trong giai đoạn ngắn hạn.

Trong định hướng phát triển dài hạn của thành phố, hệ thống đường sắt đô thị được coi là giải pháp tổng thể. Tuy nhiên, trên thực tế khi thực hiện gặp nhiều khó khăn, các dự án xây dựng rất chậm, cần nguồn vốn lớn và không có khả năng đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn ngắn hạn. Hiện nay chỉ có tuyến 01, 02, 05 đang triển khai và không có dự án nào nối với khu vực sân bay. Tuyến 04 và 04B nối từ Bến Thành đến sân bay còn đang trong giai đoạn chuẩn bị lập dự án.

Quy hoạch hệ thống đường sắt đô thị TPHCM bố trí 6 tuyến dành cho metro với tổng chiều dài khoảng 108km, 1 tuyến dành cho Tramway (Sài Gòn – Chợ Lớn – Bến xe Miền Tây). Hai tuyến dành cho Monorail (Tuyến Monorail số 2 dài 12km có điểm đầu tại Nguyễn Văn Linh (Quận 7) giao với Quốc lộ 50 và điểm cuối là Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2); Tuyến Monorail số 3 dài 8km có điểm đầu từ Ngã sáu Gò Vấp, chạy qua công viên phần mềm Quang Trung và đến Tân Thới Hiệp (Quận 12). Các tuyến này chưa có yêu cầu cấp thiết và giải quyết vấn đề khu vực ven đô.
Đề xuất bổ sung xây dựng một loại hình vận tải công cộng cho sân bay Tân Sơn Nhất và đô thị là phù hợp với định hướng phát triển quy hoạch và thực tiễn, yêu cầu của người dân. Là giải pháp đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn phát triển của hệ thống tàu điện ngầm được triển khai, đồng bộ kết nối.

Gắn phát triển giao thông công cộng với cải tạo, làm mới không gian đô thị như khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè; Khu vực công viên Hoàng Văn Thụ, Tao Đàn, 23/9; Đặc biệt tạo tuyến kết nối nhanh với ga trung tâm Bến Thành.

Cơ hội từ tái thiết khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Monorail ở Okinawa, minh họa cho tương lai Monorail tuyến Tân Sơn Nhất - Bến Thành Monorail, đoạn qua một bên kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè

Monorail ở Okinawa, ví dụ minh họa cho tuyến Monorail Tân Sơn Nhất – Bến Thành, đoạn qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Tái thiết khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đem đến cơ hội trở thành tuyến trung tâm cửa ngõ thành phố và là đầu mối giao thông công cộng thứ 2 của thành phố trong tương lai gần với 4 tiềm năng lớn sau:

Khu vực cửa ngõ mới của TPHCM

Sân bay Tân Sơn Nhất là một đầu mối giao thông quốc tế quan trọng nhất của TPHCM, một động lực phát triển kinh tế xã hội lớn của thành phố và khu vực phía Nam. Đối với TPHCM sự quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất là bài toán khó giải và giải pháp tối ưu trước mắt là xây dựng tuyến Monorail kết nối khu vực ga Hòa Hưng trong phạm vi 5km. Giai đoạn tiếp theo có thể kết nối tuyến Monorail với ga Bến Thành mà không cần đợi sự hình thành của tuyến đường sắt đô thị số 3.

Khu vực ga Hòa Hưng được kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất qua hệ thống Monorail sẽ là một cửa ngõ mới, giải tỏa áp lực về giao thông cho khu vực sân bay và có thể coi là nhà ga thứ 4 của sân bay Tân Sơn Nhất – cửa ngõ mới của TPHCM.

Đầu mối giao thông công cộng thứ 2 của thành phố kết nối đường sắt quốc gia và sân bay quốc tế

Nhu cầu của thành phố trong việc tăng cường hỗ trợ giao thông kết nối đô thị dựa trên hệ thống giao thông công cộng là cấp thiết. Ga Hòa Hưng là tuyến giao thông kết nối với hệ thống đường sắt quốc gia Bắc Nam, nếu được kết nối với sân bay Tân Sơn Nhất sẽ mở ra cơ hội kết nối hệ thống đường sắt quốc gia và sân bay quốc tế.

Trong giai đoạn dài hạn cùng với hệ thống đường sắt đô thị số 3 kết nối ga Bến Thành – ga Hòa Hưng sẽ biến khu vực trở thành đầu mối giao thông lớn thứ 2 của thành phố với khả năng kết nối đa phương thức.

Khu vực In town Check in của thành phố

Cùng với phương án tái thiết khu vực ga Hòa Hưng là cơ hội xây dựng trung tâm hỗn hợp lớn dựa trên vận tải công cộng theo mô hình TOD. Việc hình thành trung tâm mới này sẽ tạo cơ hội xây dựng điểm Check-in town cho các hãng hàng không, là điểm dịch vụ cao cấp của hệ thống sân bay Tân Sơn Nhất trong thành phố.

Khu vực trung tâm mới thành phố

Khu vực tái thiết kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè Quận 3 sẽ có tương lai trở thành trung tâm hỗn hợp gắn với đầu mối giao thông đa phương thức theo mô hình TOD. Một khu vực vừa là trung tâm thương mại, văn hóa, nhà ở với các không gian mở, quảng trường mới… hứa hẹn là một điểm tham quan du lịch mới của thành phố.

Tuyến monorail 10km nhà ga T3 (Tân Sơn Nhất) – ga Hòa Hưng – Bến Thành

HUB Bến Thành là nhà ga trung tâm thành phố trong tương lai, kết nối toàn bộ hệ thống tàu điện ngầm của đô thị. Do vậy, tuyến kết nối trực tiếp từ sân bay đến HUB Bến Thành sẽ là một tuyến kết nối có giá trị, hiệu quả cao với các lượng khách sẵn có và có thể kết hợp vừa phục vụ đô thị, vừa phục vụ kết nối sân bay. Khu vực ga Hòa Hưng với khoảng cách 5km nằm giữa tuyến kết nối 10km từ sân bay đến HUB Bến Thành, với khoảng cách này hệ thống Monorail đô thị sẽ là một lựa chọn đầu tư hiệu quả, bổ sung ngay cho hệ thống giao thông công cộng đô thị trong tương lai ngắn hạn Tân Sơn Nhất – Hòa Hưng và dài hạn toàn bộ tuyến.

Đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Monorail có thể thực hiện đầu tư song song với tái thiết khu vực hai bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cụ thể là:

Hướng tuyến được đề xuất trên cơ sở một phần hướng tuyến đã điều chỉnh của tuyến đường trên cao số 1, (không đi theo không gian của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè mà chuyển đi theo hướng đường Hoàng Văn Thụ. Đây sẽ là tuyến Monorail nhanh (Express) kết nối 02 trung tâm lớn của TPHCM (Sân bay Tân Sơn Nhất – Ga Hòa Hưng – Ga Bến Thành).

– Có khả năng kết nối với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất hiện hữu cũng như khu vực nhà ga T3 cải tạo mở rộng. Khu vực Bến Thành hiện đang thi công phần ngầm, có thể nghiên cứu xây dựng bổ sung bến đỗ mới cho tuyến Monorail, có kết nối với không gian ngầm hoặc nổi.

– Phần diện tích tuyến đường Monorail đi qua cơ bản thuộc các không gian mở của kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, các phần đất quân đội, nhà nước quản lý. Chỉ có một phần diện tích dự kiến thu hồi để làm các công trình công cộng, dịch vụ và nhà ga thuộc khu vực nhà ở thấp tầng, gần khu vực ga Sài Gòn, và khu vực tuyến đường Bùi Thị Xuân (mở rộng theo tuyến đường trên cao), các khu vực hầu hết là khu vực hiện tại có giá trị thấp. Trong tương lai khi tuyến Monorail hình thành, các khu vực lân cận tuyến sẽ được hưởng lợi từ giá trị đất đai và bất động sản tăng cao, đặc biệt khu vực gần các điểm đỗ. Khu vực kỹ thuật phục vụ cho sửa chữa, dịch vụ toa xe (Depot) có khả năng kết hợp với khu vực, dịch vụ sửa chữa của ga Sài Gòn, có quy mô khoảng 4ha.

+ Trong giai đoạn trước mắt, phần diện tích tuyến đường Monorail đi qua cơ bản thuộc các không gian mở (Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè), các phần đất quân đội, nhà nước, chỉ có một số diện tích nhỏ dự kiến thu hồi để làm các công trình công cộng, dịch vụ và nhà ga thuộc khu vực nhà ở thấp tầng, gần khu vực ga, giá trị thấp.

+ Trong giai đoạn dài hạn, tuyến Monorail gắn với dự án tái thiết khu vực hai bên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vừa kết hợp phục vụ nhu cầu kết nối sân bay, vừa tạo được các kết nối trong đô thị do đi qua nhiều các không gian chức năng khác nhau. Dự kiến tổng tuyến dài khoảng 10km có thể chia thành 02 giai đoạn với 07 bến đỗ như sau:

Giai đoạn 1 (kết nối sân bay Tân Sơn Nhất): Nhà ga Hòa Hưng – Trung tâm mới Nhiêu Lộc Thị Nghè/Công viên Hoàng Văn Thụ/Nhà ga quốc tế, nội địa – Nhà ga T3.

Giai đoạn 2 (kết nối ga Bến Thành): Nhà ga Hòa Hưng/Trường PTTH Nguyễn Thị Minh Khai/Công viên Tao Đàn/Nhà ga trung tâm Bến Thành.
Về loại hình tàu và chi phí cần được nghiên cứu trong các giai đoạn cụ thể hơn, mặc dù vậy theo kinh nghiệm tuyến đường sắt đô thị ở Kuala Lumpur, Malaysia với chiều dài 8,6km (11 ga) đã được xây dựng với chi phí khoảng 310,5 triệu USD (2002) tương đương khoảng 36 triệu USD/km. [Source: Monorail Malaysia, news release, 23 April 2001]. Tuyến đường Monorail của Malaysia là tuyến đường ray đôi, 02 toa dài 21m với khả năng chuyên trở 2.800 người/giờ/1 hướng.

Kết luận

Khu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là một khu vực có vị thế quan trọng đặc biệt không chỉ với trung tâm hiện hữu của TPHCM mà còn là không gian kết nối quan trọng với khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.

Giải quyết được bài toán kết nối các trung tâm của thành phố dựa trên hệ thống giao thông công cộng đường sắt, khai thác tốt vị thế của khu vực ga Hòa Hưng tạo nên một khu vực trung tâm mới phát triển mật độ cao gắn với kết nối giao thông đa phương thức gồm đường sắt quốc gia, sân bay quốc tế và giao thông công cộng đô thị là một lựa chọn quan trọng cho các định hướng phát triển của khu vực. Hệ thống Monorail với ưu điểm chiếm ít không gian, thi công nhanh, chi phí thấp là một lựa chọn khả thi với khoảng cách ngắn 5-10km kết nối các trung tâm, đầu mối giao thông trong đô thị./.

TS.KTS  Nguyễn Hoàng Minh – Trường Đại Học Kiến Trúc Hà Nội