12/02/2018

Tam Đảo sẽ thành đô thị nghỉ dưỡng xanh

Thưa ông, hiện nay ông giữ vai trò “hai trong một”: Uỷ viên Ban Thường vụ Huyện uỷ – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo. Lãnh đạo một địa phương “đặc biệt”, với vị thế “đặc biệt”, ông có cảm thấy sức ép “đặc biệt” trước những khó khăn, thuận lợi?


Ông Ngô Hữu Mai – Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo

– Thị trấn Tam Đảo là địa danh du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng được thiên nhiên ban tặng và được xây dựng từ thời Pháp thuộc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc và huyện Tam Đảo đã quan tâm đầu tư để phát triển Tam Đảo tương xứng với tiềm năng của nó. Tuy nhiên, những năm qua sự phát triển của Tam Đảo chưa được như kỳ vọng, việc quy hoạch bài bản và đầu tư cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, chất lượng du lịch, dịch vụ và sản phẩm du lịch dịch vụ chưa có bước đột phá tạo điểm đến cho du khách và nhân dân; Được sự phân công, luân chuyển của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về lãnh đạo một địa phương như Tam Đảo, vừa cả về Đảng, vừa về chính quyền, trước hết sẽ có sự ủng hộ của tỉnh, của huyện và tập trung thống nhất được một đầu mối trong việc lãnh đạo của cấp ủy đồng thời với chỉ đạo điều hành của cơ quan Nhà nước địa phương; tuy nhiên, đối với địa phương và vị thế đặc biệt, sẽ luôn có sức ép đặc biệt trước những khó khăn, thuận lợi đó.

Tam Đảo nổi tiếng như Sa Pa, Đà Lạt, Bà Nà trong suốt hai thế kỷ. Mỗi một danh thắng đều có vị thế giá trị đơn biệt không thể thay thế. Vậy Tam Đảo có gì khác so với những địa danh kia?

– Sa Pa, Đà Lạt, Bà Nà… cũng đều là địa danh du lịch nổi tiếng được người Pháp phát hiện và đầu tư xây dựng hơn 100 năm nay. Cùng với Tam Đảo, các địa danh này đều có khí hậu trong lành, mát mẻ, rất phù hợp cho nghỉ dưỡng, du lịch và thưởng thức dịch vụ. Đối với Tam Đảo, sự khác biệt đó là điểm đến nghỉ dưỡng gần Thủ đô Hà Nội, với độ cao gần 1.000m so với mực nước biển, hệ thống giao thông thuận lợi (đặc biệt là hệ thống đường lên đang được đầu tư, mở rộng). Trong thời gian tới, Dự án Tam Đảo 2 được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sẽ kết nối chuỗi du lịch nghỉ dưỡng Tam Đảo 1, dịch vụ vui chơi giải trí Tam Đảo 2 và du lịch tâm linh Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tây Thiên.

Tam Đảo trong ký ức là đô thị nghỉ dưỡng cao cấp, có quy hoạch khoa học, kiến trúc đẹp, có lợi thế nằm ngay cửa ngõ Thủ đô, sân bay quốc tế và thuộc tỉnh phát triển nhanh, năng động Top 10 của cả nước như Vĩnh Phúc. Nhưng hiện tại quy mô và sự phát triển vẫn ở mức khiêm tốn trước một tiềm năng vô cùng to lớn về du lịch nghỉ dưỡng. Ông kiến giải như thế nào về thực chất của vấn đề này?

– Đúng là trước đây, với lợi thế gần Thủ đô Hà Nội, gần sân bay Nội Bài…, khu du lịch Tam Đảo đã được người Pháp thiết kế và xây dựng 145 biệt thự, bể bơi, sân quần vợt, sân bóng, vườn hoa, đường dạo nội thị, đường dạo trong rừng khám phá thiên nhiên; Sau này do yếu tố lịch sử của cuộc kháng chiến, chúng ta không còn giữ lại được hạ tầng cơ sở cũ, việc quy hoạch và đầu tư xây dựng lại có thời gian chưa được quan tâm đúng mức nên quần thể du lịch Tam Đảo không đồng bộ, chưa thống nhất, nên chưa tạo được bộ mặt đô thị du lịch, dịch vụ đồng bộ khang trang, bài bản và khoa học.

Những năm gần đây, được sự quan tâm sâu sát của tỉnh, huyện Tam Đảo, công tác quy hoạch đô thị và đầu tư cơ sở hạ tầng đã có những chuyển biến đáng kể, mục tiêu phát triển chuỗi du lịch (Tam Đảo 1 – Tam Đảo 2 – Tây Thiên) để đưa Tam Đảo phát triển thành đô thị du lịch, dịch vụ có tầm quốc gia và khu vực, khai thác tối đa tiềm năng mà thiên nhiên đã ban tặng cho Tam Đảo. Hiện tại, trên địa bàn thị trấn có 92 khách sạn, nhà nghỉ với 1.709 phòng, so với tiềm năng thì số này vẫn còn là một con số khiêm tốn.

Quản lý một đô thị nghỉ dưỡng và du lịch dịch vụ bao giờ cũng đòi hỏi cao hơn một đô thị bình thường về trật tự đô thị tuân thủ nghiêm ngặt theo quy hoạch kiến trúc cũng như môi trường, quản lý đất đai, văn hóa, an ninh quốc phòng, về chất lượng dịch vụ và sản phẩm du lịch. Trong tầm mức trọng trách của mình cùng với ê kíp lãnh đạo Tam Đảo, các ông hẳn đã có những kế pháp cụ thể về những vấn đề chúng ta vừa nêu trên?

– Đối với đô thị du lịch, dịch vụ, công tác quản lý bao giờ cũng khó khăn hơn, đặc biệt là vấn đề quy hoạch và xây dựng, tư duy lợi dụng, lấn chiếm và “mạnh ai nấy làm” đã làm Tam Đảo có kiến trúc lộn xộn, nhấp nhô không bài bản, đồng bộ; tình hình an ninh trật tự, đảm bảo quốc phòng luôn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát làm xấu đi hình ảnh Tam Đảo; chất lượng và sản phẩm du lịch đã được quan tâm,tình hình an toàn vệ sinh thực phẩm, chèo kéo, chặt chém khách… Nhưng năm qua đã được các cơ quan chức năng làm mạnh nên đã giảm đáng kể, tuy nhiên sản phẩm, chất lượng vẫn chưa cao, chưa phong phú và chưa nâng tầm đặc sắc.

Với trọng trách được giao, Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể thị trấn luôn đoàn kết, tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, huyện để quản lý tốt nhất quy hoạch và trật tự đô thị, quản lý xây dựng, giảm thiểu và xử lý triệt để việc xây dựng trái phép, không phép, cơi nới, lấn chiếm… Đề xuất cảnh quan kiến trúc đô thị. Hướng tới kêu gọi tổ chức cá nhân đã được cấp, thuê đất tại Tam Đảo thi công hoàn thiện công trình trong vòng 3 năm, sau đó dừng hoặc hạn chế xây dựng trong vòng 5 năm để Tam Đảo xanh, sạch trở lại phục vụ du khách. Đảm bảo an ninh trật tự để trở thành “điểm đến an toàn và được trân trọng”. Tuyên truyền và bằng nhiều biện pháp để nâng cao nhận thức ý thức của người dân, người làm du lịch, dịch vụ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, triệt để bảo vệ môi trường và tạo ra sản phẩm du lịch, dần hướng tới bài bản và chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nhân dân và du khách. Phát triển mạnh loại hình du lịch homestay đối với thôn 2 để làm phong phú loại hình du lịch. Phát triển một số sản phẩm làm quà, sản phẩm lưu niệm đặc thù Tam Đảo: Trà hoa vàng Tam Đảo, giảo cổ lam, ba kích, nho rừng Tam Đảo, các sản phẩm đặc trưng khác…

Hiện thực và chính sách luôn có một độ chênh nào đó, để phát triển Tam Đảo trở thành đô thị nghỉ dưỡng và du lịch dịch vụ thực sự thì chỉ dựa vào nội lực riêng của Tam Đảo là một điều không thể? Là người trong cuộc, vậy Tam Đảo cần những cơ chế đặc biệt nào để phát triển?

– Để phát triển Tam Đảo thành đô thị du lịch, dịch vụ thì nội lực Tam Đảo là một kênh quan trọng trong sự phát triển, nhưng chỉ dựa vào nội lực thì không có những bước phát triển đột phá được, cần có cơ chế đặc thù. Vì đối với các khu vực phát triển của quốc gia, Chính phủ đều có cơ chế đặc thù; hiện tỉnh đang đầu tư cải tạo, mở rộng đường lên là một vấn đề then chốt đầu tiên. Tam Đảo chưa đến mức quá lớn để là đặc khu, nhưng cũng cần có cơ chế đặc thù để phát triển: Chính sách quản lý về đất đai (không đầu tư xây dựng Nhà nước sẽ thu hồi), chính sách về quy hoạch xây dựng (tháo dỡ những khu vực quá cao tầng để đồng bộ, kể cả đã cấp phép, cơ chế đầu tư phát triển hạ tầng; đầu tư xây dựng chợ và các bãi đỗ xe, hỗ trợ đầu tư cấp nước sạch đô thị từ ngân sách, công nhận cấp đô thị đặc thù ngoài tiêu chí cho thị trấn để bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp đô thị để trồng thêm nhiều hoa, cây xanh, đặt tên đường phố và công trình công cộng, cải tạo lại hệ thống đường dạo trong rừng có từ thời Pháp); đầu tư hệ thống công nghệ thông tin hiện đại phục vụ du lịch (hệ thống wifi miễn phí, phần mềm cho đăng ký đặt phòng khách sạn, đăng ký khách lưu trú…); đầu tư các khu vui chơi giải trí đặc biệt là vui chơi cho trẻ em…

Với lượng cư dân không đông, diện tích đất đai hạn hẹp, lại nằm trọn trong vườn quốc gia, đô thị Tam Đảo giải bài toán phát triển thế nào để hài hòa lợi ích của người dân sở tại và các nhà đầu tư nhằm xây dựng một đô thị xanh đặc sắc không những là hình ảnh tiêu biểu của Vĩnh Phúc, cũng như cả nước?

– Thị trấn Tam Đảo chỉ có 248ha, với 733 nhân khẩu, 255 hộ gia đình, dân số không đông, đất đai nhỏ hẹp, để đảm bảo yếu tố phát triển đột phá, nhưng cần có tính bền vững cần kết hợp thật tốt giữa lợi ích của Nhà nước, người dân sở tại và nhà đầu tư. Trong đó các nhà đầu tư đến Tam Đảo được coi như công dân Tam Đảo, được trân trọng và tạo điều kiện tối đa để đầu tư xây dựng, kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược có tâm huyết, kinh nghiệm và tiềm lực tài chính cung cấp sản phẩm du lịch, dịch vụ có tính đẳng cấp, chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, giải quyết tốt vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân sở tại (nhất là tổ dân phố 2) tạo nghề và việc làm cho nhân dân sở tại qua việc làm dịch vụ, chăn nuôi, trồng rau và các loại cây đặc sản phục vụ du lịch, dịch vụ, kết nối du lịch dịch vụ của nhà đầu tư và loại hình homestay của người dân sở tại, phân khúc sản phẩm du lịch, dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp du khách và nhân dân.

Hy vọng với sự quan tâm đầu tư đúng đắn của tỉnh, của các nhà đầu tư, sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ và nhân dân thị trấn với tư duy chiến lược mới, Tam Đảo sẽ trở thành đô thị du lịch, dịch vụ xanh, đặc sắc, là hình ảnh tiêu biểu của Vĩnh Phúc cũng như cả nước và dần vươn tầm khu vực.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tham Thiên (thực hiện)/BXD