22/06/2020

Sửa đổi Luật Xây dựng: Gỡ nút thắt cho doanh nghiệp

Với gần 93% các đại biểu Quốc hội tán thành, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã chính thức được thông qua. Sự kiện này được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư xây dựng thời gian tới.

Giảm bớt quy trình
Luật sư Trần Cao Ngãi – Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Luật Xây dựng (sửa đổi) đã giảm bớt được một số quy trình trong cấp phép xây dựng, trong đó bước thẩm định thiết kế sau thiết kế cơ sở của các công trình xây dựng trong dự án nhà ở đã được tích hợp khi thực hiện thủ tục cấp Giấy phép xây dựng.
“Quy định mới này, đã khắc phục bất cập của Luật Xây dựng 2014, cụ thể: Đối với trường hợp dự án nhà ở có công trình cấp 1 (trên 24 tầng) trước đây chủ đầu tư phải trình Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) thẩm định cả hai bước, thiết kế cơ sở và thiết kế kỹ thuật. Đến nay đã được rút gọn vào quy trình cấp Giấy phép xây dựng” – ông Ngãi cho hay.
Nhiều thay đổi trong Luật Xây dựng sẽ giúp cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp giảm bớt khó khăn

Nhiều thay đổi trong Luật Xây dựng sẽ giúp cho người dân và cộng đồng doanh nghiệp giảm bớt khó khăn

Trước đó, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định cho phép Cục Công tác phía Nam của Bộ Xây dựng được thực hiện công tác của cơ quan chuyên môn về xây dựng. Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, với việc phân quyền này thì Cục Công tác phía Nam sẽ đủ điều kiện Thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công theo phân cấp và theo quy định của pháp luật đối với công trình cấp I là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100m.

“Như vậy, các chủ đầu tư dự án nhà ở có công trình cấp I là nhà hoặc kết cấu dạng nhà có quy mô đến 30 tầng hoặc chiều cao không quá 100m, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và 17 tỉnh thuộc Miền đông Nam bộ và Miền tây Nam bộ không còn phải ra Bộ Xây dựng để thẩm định thiết kế như trước đây” – ông Châu nói.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Theo dự kiến, dự thảo luật sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Để sớm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng triển khai các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội sau đại dịch Covid-19, dự thảo Luật đã quy định một số nội dung quan trọng, như: Thẩm quyền thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật đầu tư xây dựng của người quyết định đầu tư; miễn giấy phép xây dựng đối với công trình đã được cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định thiết kế triển khai sau thiết kế cơ sở hoặc đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt báo cáo kinh tế – kỹ thuật.
Công tác quản lý về trật tự xây dựng vẫn còn nhiều bất cập khiến cho tình trạng vi phạm xây dựng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương

Công tác quản lý về trật tự xây dựng vẫn còn nhiều bất cập khiến cho tình trạng vi phạm xây dựng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương

Đồng thời, bãi bỏ thẩm quyền của Bộ Xây dựng và giao UBND cấp tỉnh cấp giấy phép xây dựng đối với công trình cấp đặc biệt (thể hiện tại khoản 2 Điều 3 dự thảo Luật) sẽ có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2020. Thời điểm này bảo đảm không sớm hơn 45 ngày kể từ ngày thông qua Luật, theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
KTS Lê Hồng Hiếu – Hội KTS Việt Nam cho biết, việc tích hợp các quy trình cấp phép như vậy sẽ giảm đi rất nhiều thời gian cho các doanh nghiệp, đồng thời những chí phí cho hoạt động đầu tư xây dựng cũng sẽ được giảm bớt đáng kể.
“Sự thay đổi này được cho là hết sức tích cực, tuy nhiên trong thời gian tới Bộ Xây dựng cần tiếp tục nghiên cứu và giảm bớt các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đầu tư xây dựng để đồng bộ với các điều, khoản của Luật, giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh” – ông Hiếu nhìn nhận.
Doãn Thành/Kinh tế Đô thị