30/12/2015

Sử dụng vật liệu xây không nung là giải pháp căn cơ

Theo báo cáo của Vụ Vật liệu Xây dựng (Bộ Xây dựng), năm 2015, tỷ lệ các công trình xây dựng sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) đã tăng lên đáng kể. Ước tính, cả nước sử dụng tổng cộng khoảng 22,85 tỷ viên QTC, trong đó 5,33 tỷ viên QTC là VLXKN (bằng 113% so với năm 2014).

Nếu như năm 2010, cả nước mới sử dụng khoảng 5 – 8% VLXKN trong tổng số vật liệu xây, thì đến năm 2015, tỷ trọng VLXKN trong tổng số vật liệu xây đã là 20 – 25% và năm 2030 tỷ trọng đó là 35 – 40%. Riêng VLXKN loại nhẹ vào năm 2015 chiếm khoảng 21% và năm 2020 khoảng 30% trong tổng số VLXKN.

Có được kết quả đó là do trong nỗ lực thúc đẩy việc phát triển VLXKN, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật và quy phạm kỹ thuật, các hướng dẫn làm cơ sở cho việc sử dụng VLXKN như: Nghiên cứu, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn cho các loại sản phẩm VLXKN; công bố định mức dự toán liên quan đến công tác xây sử dụng VLXKN; chỉ dẫn kỹ thuật “Thi công và nghiệm thu tường xây bằng block bê tông khí chưng áp”; và Thông tư 09/2012/TT-BXD ngày 28/11/2012 quy định sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Theo đó, Thông tư 09 quy định cụ thể: Các công trình xây dựng từ 9 tầng trở lên không phân biệt nguồn vốn đến năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 30% và sau năm 2015 phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN loại nhẹ, trong tổng số vật liệu xây (tính theo thể tích khối xây); đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước theo quy định hiện hành bắt buộc phải sử dụng VLXKN theo lộ trình. Các khu vực còn lại phải sử dụng tối thiểu 50% VLXKN kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực đến hết năm 2015, sau năm 2015 thì phải sử dụng 100%.

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD, qua 5 năm thực hiện Chương trình phát triển VLXKN (gọi tắt là Chương trình 567) vẫn còn bộc lộ một số hạn chế. Nhiều địa phương nêu khó khăn muốn trì hoãn lộ trình xóa bỏ lò gạch thủ công, thủ công cải tiến; nhiều chủ đầu tư vẫn hướng tới vật liệu xây truyền thống; tỷ lệ vật liệu nhẹ đang chiếm tỷ trọng thấp trong tổng số vật liệu xây nói chung và VLXKN nói riêng. Nguyên nhân theo ông Tới thì có nhiều, nhưng nguyên nhân cơ bản là thói quen. Thói quen từ phía người sản xuất gạch nung, thói quen từ phía người sử dụng gạch nung, thậm chí thói quen từ các cấp quản lý.

Bên cạnh đó, nhận thức của các nhà đầu tư, tư vấn thiết kế, nhà thầu, người tiêu dùng về VLXKN còn chưa đầy đủ, chưa hiểu biết nhiều về sản phẩm VLXKN nói chung và bê tông khí nói riêng. Các nhà đầu tư sản xuất VLXKN còn thiếu kinh nghiệm, nguồn vốn còn hạn chế, nên một số doanh nghiệp chỉ mua các dây chuyền công nghệ với trình độ trung bình, thiếu đồng bộ; công tác chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất và tiếp thu công nghệ chưa tốt; đội ngũ cán bộ, công nhân kỹ thuật chưa được đào tạo chu đáo; các nhà máy phải vừa sản xuất vừa điều chỉnh, khắc phục các mặt yếu để ổn định sản xuất.

Các nhà máy sản xuất bê tông nhẹ ra đời vào lúc kinh tế nước ta đang gặp khó khăn, lạm phát cao, đầu tư công bị cắt giảm, thị trường BĐS trầm lắng, chi phí tài chính lớn, do đó sản phẩm tiêu thụ chậm, hàng tồn kho nhiều dẫn đến sản xuất bị ngừng trệ. Về nguyên liệu: Hiện nay mới có 2 cơ sở sản xuất vôi công nghiệp ở thành phố Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa, còn chủ yếu sản xuất theo công nghệ thủ công, chất lượng vôi chưa đáp ứng yêu cầu cho sản xuất bê tông khí. Các cơ sở ở miền Nam còn gặp khó khăn trong việc cung ứng vôi cho sản xuất do nguồn vôi cung ứng xa (từ miền Bắc vận chuyển vào).

Đối với gạch xi măng cốt liệu (block bê tông): Nhiều hộ cá thể và doanh nghiệp không quan tâm đến tiêu chuẩn chất lượng gạch xi măng cốt liệu, đầu tư thiết bị cũng như sản xuất ra sản phẩm chưa đảm bảo kỹ thuật. Sản phẩm không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn tiêu thụ ra thị trường, gây tác động tiêu cực trong dư luận về VLXKN nói chung.

Theo dự báo của các cơ quan chức năng, nhu cầu sử dụng vật liệu xây ở nước ta vào các năm 2015, 2020 tương ứng là 23 và 33 tỷ viên quy tiêu chuẩn (QTC). Nếu sử dụng hoàn toàn gạch đất sét nung, mỗi năm chúng ta phải tiêu tốn 50 triệu m3 đất sét (tương đương 2.500 ha đất khai thác ở độ sâu 2m), 5 triệu tấn than và thải ra môi trường 19 triệu tấn CO2 gây ô nhiễm môi trường và hiệu ứng nhà kính, ảnh hưởng đến diện tích đất canh tác.

Cũng theo quy hoạch ngành điện và luyện kim, việc phát triển các nhà máy nhiệt điện đến năm 2020, mỗi năm sẽ thải ra khoảng 30 – 40 triệu tấn tro xỉ gây ô nhiễm môi trường.

Do đó, để có thể khắc phục những hậu quả nói trên, biện pháp phát triển và sử dụng VLXKN thay thế gạch đất sét nung là biện pháp căn cơ vẫn là biện pháp căn cơ lâu dài nhất.

Vân Anh/ Báo Xây dựng