24/10/2016

Sử dụng thạch cao PG cho sản xuất xi măng: Cần sớm ban hành tiêu chuẩn sử dụng

Sản phẩm thạch cao nhân tạo được sản xuất từ bã thải thạch cao phốtpho của nhà máy phân bón hóa chất DAP Đình Vũ đã được thử nghiệm thành công tại 4 nhà máy xi măng thuộc TCty Xi măng Việt Nam. Tuy nhiên, việc sử dụng đại trà nguyên liệu này trong công nghiệp xi măng vẫn còn hạn chế khi mà tiêu chuẩn sử dụng chưa được ban hành.


Dây chuyền sản xuất thạch cao nhân tạo tại Cty CP Thạch cao Đình Vũ, Hải Phòng.

Thu hẹp diện tích bãi chứa

Theo dữ liệu điều tra của Viện Vật liệu Xây dựng (VIBM), cả nước đang tồn trữ hơn 6 triệu tấn bã thải thạch cao phốt pho, nguồn phát thải chủ yếu từ 3 nhà máy lớn là Nhà máy DAP của Cty CP DAP Đình Vũ (Hải Phòng), phát thải 750.000 tấn/năm, Cty CP DAP số 2 (Lào Cai), phát thải 750.000 tấn/năm và tại Cty CP Hóa chất phân bón Đức Giang (Lào Cai), phát thải 350.000 tấn/năm và một số nhà máy sản xuất axit photphoric có quy mô nhỏ khác.

Toàn bộ lượng bã thải này không được các nguồn phát thải xử lý mà đang tồn chứa ở các bãi thải gần nơi sản xuất, chứa nhiều chất độc hại tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như: axít HF, H2SO4, H3PO4, phóng xạ. Đặc biệt, tại Nhà máy DAP Đình Vũ – Hải Phòng, lượng phế thải tồn chứa lên tới 4 triệu tấn, chất cao như một ngọn núi, nằm sát cạnh khu công nghiệp Đình Vũ, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về vấn đề ô nhiễm môi trường sống và môi trường sinh thái.

Trong khi đó, Quyết định 1696 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 23/9/2014 đã đưa ra một số giải pháp thực hiện xử lý tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất phân bón để làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, quy định đến năm 2020 chỉ cung cấp bãi thải cho các nhà máy nhiệt điện, hóa chất phân bón diện tích bãi chứa phế thải trong 2 năm.

Như vậy có thể thấy, nếu không nhanh chóng đưa ra giải pháp thích ứng kịp thời, các nhà máy phân bón hóa chất sẽ không còn diện tích bãi chứa chất thải, sẽ buộc phải dừng hoạt động theo quy định Chính phủ đã ban hành.

Thử nghiệm thành công

Những năm qua, Nhà máy DAP của Cty CP DAP Đình Vũ (Hải Phòng), Cty CP Sông Đà Cao Cường là những đơn vị nhận thức và nắm bắt kịp thời nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của bã thải GYP cũng như chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ trong vấn đề xử lý môi trường. Hiện, sản phẩm thạch cao nhân tạo của Sông Đà Cao Cường đã được thử nghiệm thành công tại 4 Nhà máy xi măng của TCty Xi măng Việt Nam là Hoàng Thạch, Tam Điệp, Hải Phòng và Bút Sơn.

Theo nội dung cuộc họp mới nhất giữa Tập đoàn Hóa chất, Cty CP DAP Đình Vũ, Tổng Cty Xi măng Việt Nam, Cty CP Sông Đà Cao Cường và Cty CP Thạch cao Đình Vũ, các bên xác nhận việc sản xuất thử ở quy mô công nghiệp 2 lần, cho thấy sản phẩm thạch cao nhân tạo của Cty CP Thạch cao Đình Vũ đều đạt yêu cầu làm nguyên liệu cho sản xuất xi măng. TCty Xi măng Việt Nam cũng đang khẩn trương xây dựng hợp đồng để triển khai sử dụng thạch cao nhân tạo của Cty CP Thạch cao Đình Vũ sản xuất đại trà.

Ông Kiều Văn Mát, Chủ tịch HĐQT Cty CP Sông Đà Cao Cường cho biết, Nhà máy Xi măng Nghi Sơn cũng đã đưa vào sản xuất thử nghiệm thành công 3.000 tấn thạch cao nhân tạo (tương đương với khoảng 120.000 tấn xi măng) của Cty CP Thạch cao Đình Vũ, đồng thời đề xuất ký hợp đồng dài hạn từ năm 2017 với đề xuất giai đoạn đầu cung cấp ít nhất 3.000 tấn/tháng, khi sản xuất ổn định sẽ tăng dần khối lượng thạch cao nhân tạo và tiến tới thay thế hoàn toàn thạch cao nhập khẩu bằng thạch cao nhân tạo trong tương lai.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất hiện nay là tiêu chuẩn thạch cao nhân tạo cho xi măng chưa có, nên chưa đủ cơ sở pháp lý cho doanh nghiệp triển khai thực hiện đại trà.

Gấp rút hoàn thiện tiêu chuẩn

Theo bà Lưu Thị Hồng, Phó Viện trưởng VIBM, tiêu chuẩn này đang được VIBM gấp rút hoàn thiện ở những công đoạn cuối cùng và sẽ công bố chính thức vào thời điểm cuối năm 2016. Bên cạnh đó, VIBM cũng có thể công bố luôn kết quả thử nghiệm một số sản phẩm thạch cao nhân tạo làm nguyên liệu sản xuất xi măng.

Một chuyên viên của Trung tâm Xi măng Bê bông, VIBM cho biết, nghiên cứu xử lý thạch cao nhân tạo làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết của xi măng đang được Viện Hóa học Công nghiệp, Bộ Công thương và VIBM triển khai. Kết quả nghiên cứu đến thời điểm này cho thấy: Sau khi thạch cao nhân tạo được xử lý có thể sử dụng làm phụ gia điều chỉnh thời gian đông kết xi măng. Cường độ xi măng sử dụng thạch cao nhân tạo tương đương với cường độ xi măng sử dụng thạch cao tự nhiên. Tuy nhiên, thời gian bắt đầu đông kết của xi măng sử dụng thạch cao nhân tạo dài hơn, 10-15 phút, thời gian kết thúc đông kết là từ 15-20 phút so với mẫu xi măng sử dụng thạch cao tự nhiên. Nhóm dự án đang tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh và rút ngắn thời gian bắt đầu và kết thúc đông kết tương đương với mẫu xi măng sử dụng thạch cao tự nhiên.

Thanh Nga/Báo Xây dựng