13/04/2018

Sốt đất Phú Quốc: Loạn phân lô bán nền đất nông nghiệp

Cơn sốt đất trên đảo Phú Quốc đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó có vấn nạn phân lô bán nền, lập các khu dân cư bất hợp pháp. Sự việc diễn ra hầu khắp trên đảo, kéo dài nhiều năm qua, băm nát hòn đảo đang được xây dựng thành thiên đường du lịch.

4b_QVFJ

Cò đất hoạt động ngày đêm tại Phú Quốc.

Biến đất nông nghiệp thành khu dân cư

Ông Nguyễn Văn Năm, một người dân tại ấp 2, xã Cửa Cạn cho biết: Cửa Cạn là xã có nhiều dự án của các tập đoàn, công ty lớn như: VinGroup, SASCO, May thêu Lan Anh… nên thị trường đất khá sôi động. Khoảng 5 năm về trước, người dân ở đây khi bán đất thì bán theo công (mỗi công 1.000m2), mà một hai công không ai bán vì mất thời gian, tiền bạc đi tách thửa. Họ thường bán 5-7 công, hoặc 1ha trở lên. Dân gốc ở đây cũng chẳng mấy người còn giữ được đất nữa. Sáng, cứ mở cửa ra là có người đến gạ bán đất, có ngày tiếp cả chục đoàn. Đất gốc của dân xã Cửa Cạn nói riêng và trên đảo Phú Quốc nói chung đã bị mua đi bán lại nhiều lần. Bây giờ đất khan hiếm, giá cao người ta mới bày ra cái trò phân lô, bán nền, dựng lên cái gọi là khu dân cư. Mục đích cuối cùng cũng để trục lợi mà thôi. Và nó cũng chỉ diễn ra khoảng vài năm trở lại đây.

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, đang tồn tại 2 dạng, một đã tách thửa, hai là dân thuê công ty tư nhân vào đo vẽ sơ đồ, phân lô rồi bán. Tất cả đều nằm trên đất nông nghiệp. Nền nhỏ nhất là 100m2, lớn thường từ 200 đến 500m2, giá khoảng 1 triệu đồng một mét vuông. Ngoài ra một số công ty không rõ ở đâu cũng nhảy vào mua đất, phân lô, dựng bảng rao bán. Tại một con đường đất đi vào ấp 3, nằm cạnh bìa rừng là một tấm bảng lớn ghi tên công ty: DONASEA VILLAS, với lời chào mời: “Nơi lợi nhuận không dừng lại; Siêu phẩm cam kết lợi nhuận từ 20% đến 100% năm”. Tuy nhiên khi chúng tôi điện thoại vào số ghi trên bảng thì “không liên lạc được”.

Chủ tịch UBND xã Cửa Cạn – ông Phan Hoàng Tuấn cho biết: Việc các tổ chức, cá nhân từ các nơi về xã mua bán đất rồi phân lô, bán nền, làm dự án khu dân cư xã không kiểm soát được, vì xã không có thẩm quyền. Chúng tôi cũng đang phối hợp để rà soát lại để báo cáo lên cấp trên. Hiện ước trên địa bàn có khoảng 20 khu phân lô, bán nền tập trung chủ yếu ở ấp 2 và 3. Đương nhiên các dự án đều nằm trên đất nông nghiệp.

Sốt đất Phú Quốc: Loạn phân lô bán nền đất nông nghiệp - ảnh 1
Một dự án phân lô bán nền trên đường Dương Đông đi An Thới.

Siêu lợi nhuận từ đâu?

Không chỉ xã Cửa Cạn, các xã Cửa Dương, Dương Tơ, Bãi Thơm, Hàm Ninh… việc phân lô, bán nền đã trở thành “phong trào” rầm rộ trong mấy năm gần đây. Hầu như khắp đảo Phú Quốc, con đường nào cũng quảng cáo bán đất nền, xã, thị trấn nào cũng đầy rẫy các khu dân cư. Khi mà giá đất ngày càng cao, nguồn hàng khan hiếm thì người ta lại nghĩ ra cách “chặt nhỏ” ra để mang về mức lợi nhuận cao nhất. Và, đây cũng là cách phân khúc thị trường của nhà đầu tư khi đánh vào những đối tượng có túi tiền vừa phải. Một nhân viên tiếp thị tại Khu dân cao cấp Phúc Thịnh House 11 trên đường Dương Đông – Cửa Cạn, tưởng chúng tôi là người mua đất, họ chào giá một nền từ 2,2-2,7 tỷ đồng lô đất rộng khoảng 100m2. Những nhân viên này thừa nhận đất nền này là đất nông nghiệp và cho biết “không tìm đâu ra đất thổ cư mà rẻ như thế này trên đảo Phú Quốc anh ơi!”.

Một cán bộ về hưu trên đảo tỏ vẻ bức xúc: Họ tự vẽ ra cái gọi là khu dân cư để trục lợi. Ai cho phép họ xây dựng khu dân cư trên đất chưa chuyển mục đích sử dụng. Một công đất  nông nghiệp (1.000m2) đường vào Bến Tràm, xã Cửa Dương năm ngoái chỉ khoảng 3 tỷ đồng. Người ta mua xong, phân một nền khoảng 200m2, bán từ 3-4 tỷ đồng, tùy vị trí. Vậy thì có phải siêu lợi nhuận không. Mà khu dân cư đó có cái gì? Mặt tiền thì đường nhà nước làm, họ chỉ xẻ con đường độ 2 mét, cắt đôi lô đất rồi chia từng lô nhỏ để bán. Một khu dân cư tự phát không điện, không nước, không cống rãnh, nằm trên đất nông nghiệp không hiểu sao chính quyền lại cho phép tồn tại? Hậu quả về mặt xã hội sẽ rất nặng nề. Những người thật sự có nhu cầu sử dụng bỏ tiền tỷ ra mua, sẽ gánh chịu thiệt hại khi chính quyền không cho phép xây dựng nhà cửa.

Ông Trần Hữu Nghị – Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: Để thực hiện một dự án khu dân cư không hề đơn giản. Nhà đầu tư phải lập dự án, và dự án đó phải được thực hiện theo qui hoạch. Phải được thẩm định, phê duyệt của nhiều cơ quan như: Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Tài chính… Việc lấy đất nông nghiệp rồi tự xây dựng khu dân cư, bán nền là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, ông Phan Bá Bắc – Đội trưởng đội kiểm tra trật tự đô thị nói: Tôi thấy các công ty treo biển bán đất nền tùm lum trên địa bàn và đã đề nghị bên phòng văn hóa kiểm tra, tháo gỡ. Bởi hầu hết những đơn vị quảng cáo dự án bất động sản đó chưa được các cấp có thẩm quyền cấp phép.

Ông Trần Hữu Nghị – Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Kiên Giang cho biết: Để thực hiện một dự án khu dân cư không hề đơn giản. Nhà đầu tư phải lập dự án, và dự án đó phải được thực hiện theo qui hoạch. Phải được thẩm định, phê duyệt của nhiều cơ quan như: Sở KH&ĐT, Sở TN&MT, Tài chính… Việc lấy đất nông nghiệp rồi tự xây dựng khu dân cư, bán nền là vi phạm pháp luật.

Hồng Lĩnh/Tiền Phong