19/11/2020

Sẽ có nhiều hình thức phạt nghiêm khắc trong xử lý vi phạm xây dựng

Đánh giá của Thanh tra Sở xây dựng Hà Nội cho thấy, trong gần 5 năm qua, tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố (TP) giảm rõ rệt: Năm 2016 là 13,5%, năm 2017 là 10,99%, năm 2018 là 5,22%, năm 2019 là 3,07% và 9 tháng năm 2020 là 2,25%. Nhằm quản lý chặt chẽ hơn nữa về trật tự xây dựng, Sở Xây dựng đang tiến hành lấy ý kiến về nhiều mức phạt trong lĩnh vực xây dựng.

Tháng 11-2020, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Hùng có báo cáo số 317/BC-UBND báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả xử lý, khắc phục vi phạm trật tự xây dựng tại dự án số 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình).

Theo báo cáo của UBND TP, giai đoạn 1 thực hiện vào năm 2016 đã tháo dỡ phần tum thang và tầng 19. Giai đoạn 2, năm 2020 với việc tháo dỡ toàn bộ phần tường xây, vách ngăn, cửa, thiết bị tầng; hoàn thành khối lượng cắt sàn tầng 18 với diện tích 1.268m2; cắt xong 256,35 mét dài dầm, cắt xong 14/14 cột (đạt 100% số lượng cột, tương đương với 46,2 mét dài cột).

Hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt tới đây cũng bị xử lý với mức phạt khá cao. Ảnh: G.B

Hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt tới đây cũng bị xử lý với mức phạt khá cao. Ảnh: G.B

Toàn bộ tấm sàn cột, dầm sau khi cắt đã được hạ xuống, xếp gọn dưới chân công trình và hoàn trả mặt bằng đường Trần Phú để phục vụ giao thông. Trong quá trình tháo dỡ đã đảm bảo an toàn về người. Hiện trạng công trình còn 17 tầng và tum thang, chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5m, so với giấy phép xây dựng vượt chiều cao 5,5m; diện tích sàn tăng 2.834,8m2… Các sở, ngành, UBND quận Ba Đình tiếp tục giám sát chặt chẽ công trình, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện nghiêm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Trong đó có việc hoàn trả ngân sách kinh phí cưỡng chế, khẩn trương hoàn thiện công trình theo phương án kiến trúc, hồ sơ thiết kế kỹ thuật được duyệt theo quy định, bảo đảm an toàn cho công trình và công trình xung quanh, bảo đảm mỹ quan, kiến trúc đô thị.

Như vậy, đến nay, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng đối với dự án số 8B Lê Trực đã cơ bản thực hiện xong. Việc khắc phục hậu quả gây ra, chỉnh trang công trình đưa vào khai thác sử dụng thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng, Chánh thanh tra Sở Xây dựng, trong gần 5 năm qua, tỷ lệ công trình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn TP giảm rõ rệt: Năm 2016 là 13,5%, năm 2017 là 10,99%, năm 2018 là 5,22%, năm 2019 là 3,07% và 9 tháng năm 2020 là 2,25%.

9 tháng gần đây, các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị đã tiến hành kiểm tra 13.539 công trình (đạt 100% công trình có hoạt động xây dựng trên địa bàn). Qua kiểm tra, lực lượng thanh tra xây dựng phát hiện, lập hồ sơ xử lý 305 trường hợp có vi phạm, chiếm 2,25%. Đến nay, UBND cấp huyện, xã đã xử lý dứt điểm 201/305 trường hợp và đang tiếp tục giải quyết, xử lý theo thẩm quyền 104/305 trường hợp.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Dũng, Sở Xây dựng đang lấy ý kiến các tổ chức, cá nhân về dự thảo Nghị quyết Quy định mức tiền phạt đối với một số hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng (theo quy định tại Khoản 2, Điều 20 Luật Thủ đô). Trong dự thảo Nghị quyết, mức tiền phạt được quy định gấp 2 lần mức tiền phạt đối với hành vi vi phạm hành chính tương ứng trong Nghị định số 139/2017/NĐ-CP. Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị quyết này là mức phạt áp dụng đối với tổ chức. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với cá nhân bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức.

Theo dự thảo Nghị quyết, mức xử phạt hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng đối với người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ sở hữu, người quản lý, sử dụng công trình cao nhất là 2 tỷ đồng (theo hành vi quy định tại Điểm c Khoản 9 Điều 15 Nghị định số 139/2017/NĐ-CP).

Cụ thể, phạt tiền từ 2-20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh. Với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp đối với trường hợp cải tạo, sửa chữa, phạt tiền từ 12-60 triệu đồng; đối với trường hợp xây dựng mới phạt từ 40-120 triệu đồng.

Với hành vi tổ chức thi công xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, mức phạt từ 40-120 triệu đồng; Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Trong trường hợp vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận, phạt tiền từ 40-80 triệu đồng.

Phạt tiền từ 200-240 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xây dựng công trình không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; xây dựng công trình vi phạm chỉ giới xây dựng; xây dựng công trình sai cốt xây dựng; xây dựng công trình lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông; xây dựng cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Với các hành vi đã bị lập biên bản vi phạm hành chính mà tái phạm, mức phạt là từ 20 triệu đồng và cao nhất là 2 tỷ đồng.

Gia Bảo/Pháp luật và Xã hội