Sẽ ban hành TCVN mới cho thạch cao và các sản phẩm thạch cao
Viện VLXD đã hoàn thiện dự thảo TCVN thay thế TCVN 8654:2011, Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến tham gia, góp ý cho dự thảo với tên gọi: Thạch cao và các sản phẩm thạch cao – phương pháp phân tích hóa học…
Không đề cập đến an toàn khi sử dụng
Nội dung dự thảo tiêu chuẩn mới gồm 29 Điều trong đó phạm vi áp dụng bao gồm các phân tích hóa học thạch cao và các sản phẩm tấm thạch cao, kể cả vữa thạch cao trộn sẵn, vữa thạch cao sợi gỗ và bê tông thạch cao.
Nội dung tham khảo các chú thích của phương pháp thử. Các chú thích (không bao gồm trong bảng và hình) không được coi là yêu cầu của tiêu chuẩn.
Tiêu chuẩn không đề cập đến tất cả các vấn đề liên quan đến an toàn khi sử dụng. Người sử dụng tiêu chuẩn có trách nhiệm tự thiết lập các nguyên tắc về an toàn và bảo vệ sức khỏe cũng như khả năng áp dụng phù hợp với các giới hạn quy định trước khi đưa vào sử dụng.
Các tài liệu viện dẫn cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn gồm: TCVN 4851 (ISO 3696), Nước dùng để phân tích trong phòng thí nghiệm – Yêu cầu kỹ thuật và phương pháp thử; TCVN 6910-1 (ISO 5725-1), Độ chính xác (độ đúng và độ chụm) của phương pháp đo và kết quả đo Phần 1: Nguyên tắc và định nghĩa chung.
Bên cạnh đó, tài liệu viện dẫn cần thiết để áp dụng tiêu chuẩn còn có các tiêu chuẩn hàng đầu và thông tin kỹ thuật như: ASTM C11, Terminology relating to gypsum and related building materials and systems (Thuật ngữ về thạch cao và các VLXD và hệ kết cấu liên quan); ASTM C22/C22M, Specification for Gypsum (Yêu cầu kỹ thuật đối với thạch cao); ASTM C28/C28M, Specification for Gypsum Plaster (Yêu cầu kỹ thuật đối với vữa thạch cao); ASTM C59, Specification for Gypsum Casting Plaster and Gypsum Molding Plaster (Yêu cầu kỹ thuật đối với Vữa thạch cao tạo hình và vữa thạch cao đúc khuôn; ASTM C61, Specification for Gypsum Keene’s Cement (Yêu cầu kỹ thuật đối với xi măng thạch cao Keene); ASTM C317/C317M Specification for Gypsum Concrete (Yêu cầu kỹ thuật đối với bê tông thạch cao); ASTM C778, Standard Specification for Standard Sand (Yêu cầu kỹ thuật đối với cát tiêu chuẩn); ASTM C842, Specification for Application of Interior Gypsum Plaster (Yêu cầu kỹ thuật đối với thi công thạch cao nội thất).
Đối với các tài liệu viện dẫn ghi năm công bố thì áp dụng bản được nêu. Đối với các tài liệu viện dẫn không ghi năm công bố thì áp dụng phiên bản mới nhất, bao gồm cả các sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Xác định hàm lượng cát trong vữa thạch cao đóng rắn
Dự thảo tiêu chuẩn mới sử dụng các thuật ngữ và định nghĩa nêu trong ASTM C11 và 7 thuật ngữ định nghĩa khác như: Chất chuẩn (Calibration standard); Mẫu khô (Dried sample); Mẫu khô (Dried sample); Dụng cụ chia mẫu (Riffle); Mẫu nhận được (Sample as received); Chất chuẩn thay thế (Surrogate standard); Khối lượng không đổi (Constant weight)…
Dự thảo tiêu chuẩn quy định tại Điều 22 về xác định hàm lượng cát trong vữa thạch cao đóng rắn, sử dụng để xác định hàm lượng cát có trong vữa thạch cao đóng rắn và yêu cầu có kết quả chính xác của các phép xác định như: Xác định phần trăm cặn không tan của cát được sử dụng với vữa; Xác định phần trăm cặn không tan trong vữa thạch cao mịn; Xác định phần trăm cặn không tan trong vữa thạch cao nung có cát.
Phương pháp thử này được sử dụng để xác định hàm lượng cát có trong mẫu vữa thạch cao cốt liệu lấy từ công trường để xác định xem có phù hợp yêu cầu kỹ thuật theo ASTM C842.
Bên cạnh đó, Điều 23 dự thảo tiêu chuẩn cũng quy định về xác định hàm lượng sợi gỗ trong vữa thạch cao sợi gỗ, trên cơ sở nguyên tắc thực hiện sàng, lọc và rửa mẫu thạch cao sợi gỗ đã được chuẩn bị. Phần cặn thu được trên sàng và sàng được làm khô qua đêm ở nhiệt độ 45°C. Sau đó, sấy phần sợi thu được trên sàng đến khối lượng không đổi tại nhiệt độ 45°C. Từ khối lượng thu được tính được hàm lượng sợi gỗ trong vữa thạch cao sợi gỗ…
Tạp chí Xây dựng