27/07/2017

Sắp có sản phẩm kính nổi siêu trắng thương hiệu Viglacera

 Tại Vũng Tàu, Công ty TNHH kính nổi siêu trắng Phú Mỹ đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máysản xuất kính nổi siêu trắng công suất 600 tấn/ngày (giai đoạn 1). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.423 tỷ đồng.

Dự án nhà máy sản xuất kính nổi siêu trắng được đầu tư bởi TCty Viglacera – CTCP (Viglacera), Công ty Tập đoàn khoa học kỹ thuật Khải Thịnh (CTIEC, Trung Quốc) và Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (IDICO). Dự kiến sau 18 tháng, thành phẩm kính nổi siêu trắng của Cty TNHH kính nổi siêu trắng Phú Mỹ sẽ được đưa ra thị trường với các sản phẩm kính nổi siêu trắng, kính xây dựng chất lượng cao, độ dày từ 3-19mm, phù hợp yêu cầu thịtrường nội địa và xuất khẩu để sản xuất pin năng lượng mặt trời.

Theo chủ đầu tư, trong quá trình xây dựng và sản xuất, Dự án sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ môi trường một cách hiệu quả, có thể đảm bảo các loại chất thải đạt tiêu chuẩn thải ra theo đúng quy định, không gây nguy hại cho môi trường xung quanh. Dự án, tạo công ăn việc làm cho hơn 300 lao động, tạo thêm các ngành nghề liên quan tại địa phương.

Chính phủ đã quy hoạch ngành kính định hướng phát triển đến năm 2030 sẽ hạn chế đầu tư phát triển các loại kính thông thường, tập trung phát triển các loại sản phẩm kính cao cấp, đặc chủng, mang giá trị gia tăng cao như kính tiết kiệm năng lượng, kính dùng cho pin năng lượng mặt trời. Trên cơ sở dự báo tăng trưởng kính xây dựng 6,5-7%, dự báo nhu cầu kính xây dựng tại Việt Nam đến năm 2020 sẽ đạt khoảng 165 triệu m2/năm.

Việt Nam có lợi thế cạnh tranh so với các nhà sản xuất kính siêu trắng của Trung Quốc do ưu đãi về thuế xuất khẩu sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Hơn nữa, với việc tham gia các hiệp định tự do thương mại sắp tới, Việt Nam không chỉ có thể xuất cho các tập đoàn sản xuất pin mặt trời trong khu vực Đông Nam Á, mà còn có thể xuất khẩu trực tiếp cho các tập đoàn sản xuất pin mặt trời ở các thị trường đầy tiềm năng như Mỹ, Nhật, Úc,…

Quốc Huy/BXD