03/12/2015

Quy hoạch xây dựng công sở và khu hành chính tập trung

Bộ Xây dựng vừa có văn bản phúc đáp công văn số 9739/VPCP-V.III ngày 20/11/2015 của Văn phòng Chính phủ về việc trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội kỳ họp thứ 10 (kèm theo phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Dung tại kỳ họp Quốc hội thứ 10).


Nội dung câu hỏi: “Kính thưa Thủ tướng! Một vấn đề nghịch lý, trái lòng dân trong suốt nhiệm kỳ qua chưa được khắc phục; đó là trong lúc tình hình ngân sách khó khăn, bội chi và nợ công năm sau cao hơn năm trước; bệnh viện và trường học thiếu; trẻ em nghèo và trẻ vùng cao với những bữa cơm không có thịt; công nhân, người lao động còm cõi với những mâm cơm dùng loại thực phẩm rẻ tiền… Thế nhưng nhiều trụ sở công quyền của một số Bộ, ngành và địa phương đua nhau xây dựng hoành tráng, tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng từ nguồn ngân sách, tài nguyên và tài sản nhân dân. Là người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng có trách nhiệm và lời giải trình nào cho đồng bào, cử tri cả nước về vấn đề này”. Là thành viên Chính phủ, với nhiệm vụ và quyền hạn của mình, Bộ Xây dựng xin trả lời như sau:

Về quy hoạch và xây dựng công sở

Ngày 01/8/2007, BCH TW Đảng khóa X ban hành Nghị quyết số 17-NQ/TW về việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy Nhà nước, để thực hiện yêu cầu “quy hoạch và xây dựng công sở theo hướng tập trung và từng bước hiện đại, có đủ điều kiện và phương tiện làm việc, tạo thuận lợi cho người dân khi đến liên hệ giải quyết công việc”.

Để triển khai Nghị quyết số 17-NQ/TW của BCH TW, Chính phủ đã thực hiện việc rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước, trong đó có việc sáp nhập, chia tách các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước để đảm bảo việc thực thi nhiệm vụ phù hợp trong điều kiện mới.

Ngày 05/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 1073/CT-TTg về việc tăng cường công tác quản lý và hiện đại hóa công sở của cơ quan hành chính ở địa phương theo hướng tập trung nhằm từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất cho hệ thống công sở Nhà nước từ Trung ương đến địa phương để đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính nhà nước, trong đó:

– Yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, đặc biệt rà soát lại hệ thống công sở các cơ quan hành chính Nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước.

– Đối với các tỉnh, thành có hệ thống công sở còn nằm rải rác, chưa đủ diện tích làm việc và chất lượng công sở bị xuống cấp thì chủ động sắp xếp, cải thiện điều kiện làm việc cho cán bộ, công chức. Đối với địa phương có đủ điều kiện thì xây dựng phương án và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét về chủ trương đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung.

– Việc quy hoạch, đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, các quy hoạch liên quan và phải căn cứ định hướng biên chế của cơ quan hành chính Nhà nước theo từng giai đoạn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm phù hợp tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc các cơ quan Nhà nước theo quy định tại Quyết định số 147/1999/QĐ-TTg ngày 05/7/1999 và Quyết định số 260/2006/QĐ-TTg ngày 14/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ.

Về nguồn vốn để đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung

Tại Chỉ thị số 1073/CT-TTg ngày 05/7/2011, Thủ tướng Chính phủ giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn các hình thức huy động vốn đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung, phù hợp điều kiện thực tế của từng địa phương, bảo đảm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực hiện có thông qua các hình thức cụ thể:

– Một là: Trường hợp sử dụng nguồn tiền bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ các công sở cũ thì tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất các công sở hiện tại để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung theo quy định của pháp luật hoặc thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao theo quy định của pháp luật để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung.

– Hai là: Bố trí từ nguồn vốn đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

Chủ trương đầu tư xây dựng các khu trung tâm hành chính tập trung

Chủ trương đầu tư xây dựng các khu trung tâm hành chính theo hướng tập trung, hiện đại là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta nhằm đáp ứng các yêu cầu cải cách hành chính nhà nước và hoàn thiện cơ sở vật chất cho hệ thống công sở nhà nước từ trung ương đến địa phương để đảm bảo mục tiêu sử dụng lâu dài. Thực tế cho thấy, việc quy hoạch, xây dựng các khu trung tâm hành chính tập trung tại một số địa phương trong thời gian vừa qua đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp đến liên hệ công tác, giao dịch hành chính; tạo thuận lợi trong việc phối hợp, kết hợp giải quyết công việc của các đơn vị từ khối Đảng, chính quyền và các Sở, ngành nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí phục vụ cho công tác thường xuyên của các đơn vị như: chi phí đi lại, công văn, chi phí vận hành công sở, chi phí bảo trì, … Đồng thời giúp cho việc cơ quan quản lý nhà nước, người dân giám sát thái độ phục vụ của cán bộ công chức trong việc thực thi công vụ. Tuy nhiên việc lựa chọn quy mô đầu tư, thời điểm đầu tư xây dựng các Trung tâm Hành chính tập trung phải phù hợp với điều kiện và lộ trình phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương.

Để có điều kiện đánh giá kỹ hơn và rút kinh nghiệm việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung. Ngày 24/11/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 2128/TTg-KTN về việc tạm dừng việc đầu tư xây dựng Khu hành chính tập trung tại các địa phương, giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện việc đầu tư xây dựng Trung tâm hành chính tập trung tại địa phương trong thời gian qua và đề xuất giải pháp phù hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Linh Trung/Báo Xây dựng