24/12/2015

Quy hoạch thoát nước Đà Nẵng đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050

Sáng ngày 23/12, tại Đà Nẵng, Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến hoàn thiện hoàn thiện đồ án Quy hoạch thoát nước Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thuộc Hợp phần I của dự án Phát triển bền vững thành phố.

Quy hoạch thoát nước sẽ được thực hiện trên cơ sở Quy hoạch chung của thành phố, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đồ án này sẽ là căn cứ giúp cho Đà Nẵng quản lý lập kế hoạch và xây dựng phát triển hệ thống thoát nước bền vững. Liên doanh CDM ( Mỹ) và Oriental Consultans Co.ltd (Nhật) là đơn vị tư vấn đồ án.

Thực trạng thoát nước Đà Nẵng

Đà Nẵng là một đô thị trẻ, nhưng hạ tầng kỹ thuật thoát nước hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố. Theo số liệu báo cáo, hệ thống thoát nước mưa của cả thành phố gồm 904km cống hộp và cống tròn, 36km mương hở đậy nắp, 6,9km mương đất, 22 km kênh, mương hở.

Trong đó tình trạng ngập úng nước mưa do cống tắc nghẽn 11 vị trí, khẩu độ cống không đủ độ lớn để thoát nước là 36 vị trí, 14 cống chưa được kết nối, 11 vị trí chưa có hệ thống thoát nước, 75% hồ điều hòa nước chưa khai thác được hiệu quả.

Nước thải công nghiệp, y tế được xử lý cục bộ tại chỗ. Nước thải sinh hoạt, dịch vụ, thương mại được thu gom về trạm xử lý nước thải tập trung và phân tán qua các hệ thống khác. Tỷ lệ đấu nối với nhà máy xử lý nước thải ở một số khu vực chỉ đạt 80%, một số khu vực chỉ đạt 65%, bể tự hoại tự thấm chiếm trên 30%. Toàn thành phố hiện nay có 4 nhà máy xử lý nước thải theo công nghệ hồ kỵ khí và trạm xử lý nước thải Hòa Xuân sử dụng bể khử trùng nước thải trước khi thải ra sông. Một số trạm xử lý nước thải hiệu quả vẫn còn thấp.

Nước thải toàn thành phố được đưa qua 184 giếng tách có van lật và giếng tách không có van lật nằm khu vực ven sông Hàn, ven biển Đông, ven vịnh Đà Nẵng, ven sông Phú Lộc, ven sông Cẩm Lệ. Hệ thống giếng tách không có van lật thường hoạt động không hiệu quả có nguy cơ bị nước biển tràn vào.

Bên cạnh đó, nước thải được thoát qua hệ thống các trạm bơm chìm bê tông cốt thép hoạt động theo chế độ cài đặt tự động và lắp đặt hệ thống truyền tín hiệu.

Theo báo cáo của UBND thành phố Đà Nẵng tại kỳ họp thứ 15 HĐND thành phố khóa VIII vừa qua, trên địa bàn thành phố hiện nay vẫn còn 58 điểm ngập úng. Một số trận mưa lớn làm ngập nặng ở một số tuyến đường. Nước thải ở một số khu vực gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Đề xuất quy hoạch của đơn vị tư vấn

Trên cơ sở hiện trạng về hệ thống thoát nước của thành phố, đơn vị tư vấn đồ án Liên doanh CDM và Oriental Consultans Co.ltd đã đưa ra 02 nhóm giải pháp quan trọng đó là: Khắc phục các tồn tại, khuyết điểm của hệ thống thoát nước cho các đô thị hiện hữu. Xây dựng hệ thống nước cho các vùng chưa có hệ thống cống tại các khu vực phát triển mới, khu dân cư mở rộng theo điều chỉnh quy hoạch chung đã phê duyệt.

Đối với đề xuất chọn kiểu thoát nước giai đoạn 2030 chọn hệ thống cống chung cho khu dân cư cũ, mật độ cao. Khu đô thị mới, khu công nghiệp chọn hệ thống cống riêng. Khu dân cư mật độ thấp, cụm dân cư nông thôn chọn hệ thống xử lý phân tán. Khu đất nông nghiệp, không gian xanh không xây dựng. Đối với một số khu vực quan trọng có bãi tắm chất lượng nước tràn cần xử lý ở cấp bảo vệ cao nhất. Đối với một số khu vực trung tâm đề nghị thay thế 9km đường cống và bổ sung thêm 5km cống thoát. Đối với khu vực vùng ven, khu vực mật độ dân cư không cao đề xuất xây dựng mương thoát nước dạng mở.

Các cửa xả, các vấn đề cao trình đập cửa xả có van lật và biến đổi khí hậu. Phân lưu vực thu gom và xử lý nước thải. Xây dựng một số tuyến cống mới, xây dựng cống bao ở lưu vực Sơn Trà. Đối với hệ thống xử lý nước thải, đề xuất quy hoạch xây dựng các nhà máy nước thải tập trung ở Phú Lộc, Sơn Trà, Hòa Xuân, Liên Chiểu. Quy hoạch xây dựng 32 trạm xử lý nước thải phân tán ở huyện Hòa Vang công suất 100m3/ngđ- 3500m3/ngđ.

Về phân kỳ đầu tư hệ thống thoát nước mưa khoảng 5.300 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 là 1.300 tỷ đồng, giai đoạn 2020-2030 là 4.000 tỷ đồng. Phân kỳ đầu tư hệ thống thoát nước thải khoảng 12 nghìn tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2016-2020 là 4.100 tỷ đồng, giai đoạn 2020-2030 là 7.900 tỷ đồng.

Đối với giải pháp tầm nhìn 2030-2050, CDM và Oriental Consultans Co.ltd đã đề xuất giải pháp xây dựng các hồ điều tiết trên thượng lưu hoặc khác khu vực chứa lũ. Tăng khả năng thoát lũ ra biển. Nâng cao cốt nền đô thị theo đường mực nước với lũ tần suất 5%. Giải pháp thoát nước bền vững bằng cách kiểm soát dòng chảy ở cấp gia đình, cấp tiểu khu, cấp thành phố và cấp khu vực.

Nguyễn Nam