05/09/2017

Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Thừa Thiên – Huế cần có định hướng lâu dài

 Hướng đến xác định các phương án đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng (VLXD) tại chỗ, đồng thời xác lập phương án cung ứng vật liệu xây dựng trong và ngoài tỉnh, nhất là đối với các tỉnh lân cận trong vùng để mở rộng thị trường VLXD chính là mục tiêu của tỉnh Thừa Thiên – Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.


Trong tương lai Thừa Thiên – Huế sẽ phát triển sản xuất các VLXD có thế mạnh, đồng thời khuyến khích đầu tư các công nghệ có sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp khác để tránh ô nhiễm môi trường (ảnh minh họa)

Quan điểm phát triển các loại VLXD phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch ngành công nghiệp, quy hoạch đất đai, quy hoạch đô thị, quy hoạch kết cấu hạ tầng của tỉnh, phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành công nghiệp VLXD của cả nước, của vùng Bắc Trung Bộ, quy hoạch phát triển các sản phẩm VLXD chủ yếu đảm bảo tính khoa học và khả thi cao.

Phát triển sản xuất VLXD phải đi đôi với quản lý Nhà nước trong lĩnh vực VLXD để đảm bảo sự phát triển bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái, di tích văn hóa, lịch sử, cảnh quan, đảm bảo an ninh quốc phòng và không làm ảnh hưởng đến du lịch, một lĩnh vực kinh tế quan trọng của tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Tập trung phát triển sản xuất các loại VLXD có thế mạnh của tỉnh như: xi măng, VLXD, bê tông, men frit vì đây là những hướng đầu tư chính của ngành VLXD ở tỉnh trong giai đoạn tới. Chú trọng phát triển sản xuất các chủng loại VLXD mới có chất lượng cao phục vụ cho xây dựng đô thị, các khu thương mại và du lịch. Đối với các sản phẩm VLXD có nhu cầu tiêu thụ lớn ở trong tỉnh và có khả năng hướng tới thị trường trong nước và xuất khẩu, cần kết hợp công nghệ, thiết bị trong nước với công nghệ tiên tiến của nước ngoài, không nhập khẩu công nghệ lạc hậu, công nghệ tiêu tốn nhiều nguyên liệu, nhiên liệu để tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và năng lượng, đồng thời khuyến khích đầu tư các công nghệ có sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp khác để tránh ô nhiễm môi trường, đưa sản phẩm đạt tiêu chuẩn khu vực và quốc tế, giá thành hạ, tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

Mục tiêu cụ thể của tỉnh là phấn đấu đạt sản lượng VLXD đáp ứng nhu cầu đã dự báo, đối với các sản phẩm VLXD có lợi thế về thị trường tiêu thụ thì cần đưa sản lượng vượt từ 2 – 3 lần tùy theo từng chủng loại so với nhu cầu để mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh và hướng đến xuất khẩu. Hướng tới nâng giá trị sản xuất ngành công nghiệp VLXD đến năm 2020 gấp khoảng 1,5 đến 2 lần so với hiện nay. Thu hút khoảng 1.000 lao động mới vào làm việc trong ngành VLXD.

Phương án quy hoạch VLXD cụ thể là nhu cầu xi măng của tỉnh theo dự báo đến năm 2020 là 1.250 – 1.300 ngàn tấn/năm. Năng lực sản xuất trong tỉnh là 4.580 ngàn tấn/năm. Nhu cầu vật liệu ốp lát trên địa bàn tỉnh dự báo đến năm 2020 khoảng 4,95 – 5,0 triệu m²/năm. Hiện nay, năng lực sản xuất trên địa bàn tỉnh đã trên 17,0 triệu m²/năm; dư thừa đáp ứng nhu cầu của tỉnh, cung ứng ra thị trường các tỉnh khác.

Định hướng phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030 đó là đi vào sản xuất các chủng loại VLXD mới, có chất lượng cao hơn, có khả năng thay thế các loại VLXD truyền thống và các loại VLXD nhập khẩu, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ tại chỗ, phục vụ cho các tỉnh thuộc Vùng duyên hải miền Trung và xuất khẩu. Việc phân bố và tổ chức sản xuất khoa học hơn, tiếp tục giải toả các cơ sở sản xuất VLXD gây ô nhiễm môi trường ra khỏi các thị xã, thành phố, thị trấn, các khu đông dân cư, di chuyển vào các khu công nghiệp. Xây dựng các cơ sở sản xuất cấu kiện đúc sẵn, bê tông thương phẩm, vữa xây dựng tại các khu bãi trung chuyển ở ngoại thành. Hạn chế việc đưa vào nội thành các loại vật liệu rời như cát, đá sỏi và các tác nhân gây ô nhiễm môi trường.

Hà Đào/BXD