17/10/2017

Quy hoạch phân khu ga Hà Nội và phụ cận cần đặt trong bối cảnh tổng thể phát triển đô thị bền vững

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Vừa qua, dư luận xã hội đã đề cập nhiều tới Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận. Phương án đề xuất xây dựng lại Ga Hà Nội với chức năng là ga trung tâm tàu khách và liên vận quốc tế đi tất cả các hướng. Để thực hiện các chức năng trên, đồ án quy hoạch 09 phân vùng chức năng gồm: Khu văn hóa thấp tầng; Các khu tài chính cao 40-70 tầng; Khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao 40-60 tầng; Khu nghỉ dưỡng đô thị 40-60 tầng; Khu ga đường sắt 40-70 tầng. Chiều cao công trình 100-200 m, xây dựng quanh khu vực hồ Linh Quang. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng để đảm bảo các yếu tố sử dụng hiệu quả nguồn lực, tái thiết, nâng cao chất lượng đô thị tại khu vực này, phương án thiết kế cần được thực hiện và xem xét trong bối cảnh tổng thể phát triển đô thị bền vững.

Mặt tiền công trình ga Hà Nội hiện hữu

Mặt tiền công trình ga Hà Nội hiện hữu

Ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông đô thị trong bài toán phát triển bền vững?

Đầu năm 2017, một cuộc thi sáng kiến tìm giải pháp giảm ùn tắc giao thông Hà Nội đã diễn ra. Đã có 06 đơn vị vào chung kết cuộc thi và không có đề xuất nào có tính sáng tạo đột phá. Tuy vậy, thành phố Hà Nội cũng đã chủ động xây dựng các nhóm giải pháp khác và khẩn trương tiến hành các dự án phát triển giao thông đô thị quy mô lớn. Từ tháng 6/2017, thành phố Hà Nội đã trình Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư, giải pháp và cơ chế thực hiện các dự án đường sắt đô thị Hà Nội với 10 tuyến, tổng chiều dài là 417,8 km. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 40,056 tỷ USD, trong đó nhu cầu vốn từ nay đến 2030 gần 20 tỷ USD, sau năm 2031 là hơn 20 tỷ USD. Để có 300.000 tỷ VND đầu tư, Hà Nội đề xuất tạo vốn từ 6.000 ha quỹ đất, bán nhà biệt thự và cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước.
Ngày 12/9/2017, thành phố Hà Nội công bố kế hoạch đầu tư 5 cầu mới: Cầu Đuống 2, Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Giang Biên và Vĩnh Tuy 2. Trong đó, dự án xây dựng cầu Đuống 2 và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dự kiến đầu tư theo hình thức BOT, còn lại các dự án khác đều đầu tư theo hình thức BT. Thành phố Hà Nội sẽ giao hàng trăm ha đất cho các nhà đầu tư để đối ứng.
Cũng trong thời gian này, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận, đề xuất xây dựng lại ga Hà Nội với chức năng là ga trung tâm tàu khách và liên vận quốc tế đi tất cả các hướng. Để thực hiện các chức năng trên, đồ án quy hoạch 09 phân vùng chức năng gồm: Khu văn hóa thấp tầng; Các khu tài chính cao 40-70 tầng; Khu thương mại quốc tế, khu lối sống mới cao 40-60 tầng; Khu nghỉ dưỡng đô thị 40-60 tầng; Khu ga đường sắt 40-70 tầng. Chiều cao công trình 100-200m, xây dựng quanh khu vực hồ Linh Quang.
Thành phố Hà Nội mở rộng nhanh, nhưng hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, vì vậy Thành phố tập trung nguồn lực để phát triển giao thông là tất yếu. Tuy vậy để đô thị phát triển bền vững, không thể dốc hết nguồn lực cho giao thông – đây là điều kiện cần mà chưa đủ và ẩn chứa nhiều rủi ro. Thành phố phải cân đối nguồn lực từ tài nguyên hạn hẹp của mình cho các nhu cầu không kém quan trọng khác như an ninh quốc phòng, giáo dục, y tế, môi trường, không gian công cộng, cây xanh mặt nước và các cơ sở sản xuất thương mại, dịch vụ… đảm bảo cơ hội tiếp cận việc làm, cơ hội sinh kế cho hàng chục triệu cư dân tại chỗ và các cư dân giao dịch thường xuyên với Thành phố. Không chỉ chăm lo những nhu cầu trước mắt thông thường mà còn phải trù tính cả đến tình huống khó khăn, thảm họa bất thường của tự nhiên cũng như những biến cố thị trường trong nước và quốc tế.
Chính vì vậy Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011 đã đặt ra mục tiêu của Quy hoạch là: “Xây dựng Thủ đô Hà Nội phát triển bền vững, có hệ thống cơ sở hạ tầng xã hội và kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, phát triển hài hòa giữa văn hóa, bảo tồn di sản, di tích lịch sử, với phát triển kinh tế, trong đó chú trọng kinh tế tri thức và bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng an ninh theo hướng liên kết vùng, quốc gia, quốc tế. Xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành thành phố “Xanh – Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”, đô thị phát triển năng động, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao trong nước, khu vực và quốc tế; có môi trường sống, làm việc tốt, sinh hoạt giải trí chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi”.

Hiện trạng không gian đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận

Hiện trạng không gian đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận

Cần đặt trong bối cảnh tổng thể phát triển bền vững

Trở lại với “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận” – đây là khu vực quy hoạch gắn liền với dự án phát triển hệ thống giao thông đường sắt quốc gia, quốc tế và đường sắt đô thị (ĐSĐT): có 02 ga ĐSĐT của 2 tuyến số 1 và 3 cùng đi qua khu vực này. Do tính phức tạp và mới mẻ của phương pháp tiếp cận lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở quy hoạch phát triển đô thị, lấy đầu mối giao thông làm điểm tập trung dân cư để từ đó hình thành tiếp hệ thống giao thông phân tán (TOD- Transit Oriented Development) nên Cơ quan Hợp tác quốc tế JICA – Nhật Bản (JICA) đã tài trợ cho nghiên cứu TOD Hà Nội, như HAIDEP (2004): Đề xuất phát triển mạng lưới ĐSĐT Hà Nội; HAIMUD (2011): Lập quy hoạch định hướng TOD; và HAIMUD 2 (2015): Dự án nghiên cứu thực hiện phát triển đô thị gắn kết với ĐSĐT ở Hà Nội.
Các dự án trước đây đã được đoàn chuyên gia Nhật Bản phối hợp cùng nghiên cứu công phu hơn 10 năm, nhiều phần đã được tích hợp trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (2011). “Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực Ga Hà Nội và phụ cận” vừa qua cũng dấy lên nhiều ý kiến quan ngại của giới chuyên môn, chủ yếu ở các vấn đề sau: Đồ án có một số nội dung không dựa vào chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong Quy hoạch chung 2011, vượt qua những sở cứ khoa học – mục tiêu đoàn chuyên gia Nhật Bản đã chỉ ra, bỏ qua Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc công trình cao tầng nội đô Hà Nội (2016) …
Ga Hà Nội và vùng phụ cận đang đối mặt với thực trạng hạ tầng xuống cấp, khai thác kém hiệu quả trong khi nhu cầu giao thông đô thị gia tăng mạnh mẽ. Khu dân cư sau Ga phát triển tự phát nhiều năm, gây ô nhiễm môi trường nặng nề… đòi hỏi cần thiết lập Quy hoạch tái thiết đồng bộ.
Tuy vậy chất lượng nghiên cứu đồ án cần được quan tâm, đặc biệt cần kế thừa các kết quả nghiên cứu giá trị trước đó. Những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật trong quy hoạch phân khu nếu cần thay đổi, điều chỉnh cho phù hợp cũng cần tuân thủ các mục tiêu đã đặt ra trong Quy hoạch chung. Kèm theo phân tích, kiến giải thuyết phục dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học, chính xác, tin cậy.
Khu vực ga Hà Nội nằm trong QHC của thành phố Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011 và nhiều Đồ án quy hoạch khác cũng đã nghiên cứu quy hoạch khu vực này. Vì vậy, quy hoạch mới cần phải tuân thủ và kế thừa các quy hoạch trước đây về quy mô, mật độ dân số, chiều cao công trình… Đã là công trình Giao thông quan trọng thì cần tính tới lưu lượng vận hành của ga Hàng Cỏ – Ga quốc tế liên vận Bắc Nam. Trong bối cảnh hiện nay, ngành Đường sắt chưa phát triển, nhưng không thể căn cứ vào những hạn chế hiện thời mà bỏ qua những nhu cầu tất yếu trong tương lai, đặc biệt với đường sắt hiện đại thì lưu lượng khách lưu thông hàng ngày tại khu vực ga với hàng trăm ngàn người/ngày, lưu lượng ra vào tương tác lên đến hàng triệu người… vậy cần tính toán ra sao?
Nếu dự tính khu vực ga có hệ thống công trình ngầm hơn 30ha có phần thiếu tính khả thi về nguồn lực kinh tế, đồng thời liên quan đến quyền sở hữu của các công trình xây dựng trên khối công trình ngầm 30ha đó. Ví dụ các công trình xây trên hệ thống ngầm thì móng công trình có bị ảnh hưởng tới kết cấu công trình hay không? Khi xây dựng các khối công trình ở trên sẽ xin cấp phép ra sao? Quyền sở hữu các nhà ở cao tầng trên đó sẽ như thế nào?

Sơ đồ mặt bằng quy hoạch tổng thể QHPK đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận do tư vấn Nhật Bản lập và xin ý kiến các bộ, ngành tháng 09/2017 (nguồn ảnh: Giadinh.net)

Sơ đồ mặt bằng quy hoạch tổng thể QHPK đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận do tư vấn Nhật Bản lập và xin ý kiến các bộ, ngành tháng 09/2017 (nguồn ảnh: Giadinh.net)

Phối cảnh tổng thể QHPK đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận do tư vấn Nhật Bản lập và xin ý kiến các bộ, ngành tháng 09/2017 (nguồn ảnh: giadinh.net)

Phối cảnh tổng thể QHPK đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận do tư vấn Nhật Bản lập và xin ý kiến các bộ, ngành tháng 09/2017 (nguồn ảnh: giadinh.net)

Giao thông công cộng cần đi trước (Giao thông ngầm và nổi) mới có cơ sở thực hiện dự án, điều tiết dân số và khả năng tăng dân số tại khu vực. Các hệ thống giao thông đường bộ kết nối với bên ngoài nguyên tắc kết nối trực tiếp với các đường giao thông hiện trạng bên ngoài, cần tạo dòng giao thông cân bằng giữa bên trong và bên ngoài khu vực, tránh tình trạng trong phình to mà ngoài thắt nhỏ lại dẫn đến ùn tắc cục bộ.
Phía Đông là khu nội đô hiện hữu, việc phát triển dự án về phía Tây nên tạo những khoảng không gian cây xanh đủ lớn, tạo nên hình ảnh kiến trúc cảnh quan đô thị hài hòa giữa cũ và mới; Lưu khu vực liên quan phía Tây tiếp giáp Tây Bắc – Văn Miếu Quốc Tử giám không nên phát triển nhà cao tầng. Nên phát triển hướng Tây Nam (khu vực xung quanh Hồ Linh Quang); Nội đô hiện hữu đã bị ảnh hưởng bởi rất nhiều cấu trúc, cần có những không gian để thở cho đô thị, phục vụ cho đời sống sinh hoạt văn hóa xã hội cộng đồng truyền thống và hiện đại. Đây là cơ hội rất tốt cho người dân nội đô Hà Nội, đặc biệt bốn quận nội thành; Khu vực ga Hàng cỏ mang đậm yếu tố văn hóa lịch sử, khu vực kết nối với Văn Miếu Quốc Tử giám, khu vực Hoàng Thành Thăng Long mang những giá trị văn hóa, lịch sử vô giá.

Phát triển đô thị tại Việt Nam trong thời gian qua đang gặp nhiều hạn chế, một phần là do chất lượng đồ án quy hoạch còn yếu kém… một số địa phương đã trông cậy vào tư vấn quốc tế làm giải pháp cứu vãn thực trạng này. Thực tế giải pháp này không hẳn mang lại kết quả như mong đợi mà cần thiết có sự chung tay của các cơ quan quản lý chuyên môn, chuyên gia độc lập trong nước và quốc tế, cộng đồng xã hội cùng tham gia giám sát, đánh giá… để các đô thị Việt Nam nói chung, Thủ đô Hà Nội nói riêng có được những đồ án quy hoạch và định hướng phát triển đô thị một cách bền vững. /.

Tháng 9/2017, TP Hà Nội đã có văn bản xin ý kiến các Bộ, Ngành liên quan đối với Đồ án Quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận. Quy hoạch này do tư vấn Nhật Bản đề xuất đã có nhiều ý kiến đa chiều. Có 3 vấn đề đặt ra đối với đồ án cần quan tâm như sau: Thứ nhất, Đồ án nên xem xét ở khía cạnh kết nối tổng thể /đồng bộ: Ga Hà Nội không thể tách rời 18 ga của 3 tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) và đường sắt quốc gia, liên vận quốc tế và đường sắt cao tốc. Nghiên cứu của JICA (2012-2015) đã chỉ ra rằng: Trước khi mở đường cho một mô hình phát triển đô thị mới TOD tại đây cần hình thành thiết chế mới đủ năng lực, các cơ sở pháp lý đủ mạnh để điều chỉnh các mối quan hệ mới xuất hiện. Dự án cần xem xét trật tự này. Thứ hai, Đồ án cần xem xét đầu vào: Dân số hiện trạng là 37.000 người sẽ tăng lên 44.000 người và 36.000 người lao động… (dân số đã tăng gấp đôi nhưng vẫn chỉ là phần nhỏ của yếu tố đầu vào). Ga trung tâm có 6 tuyến đường sắt sẽ có hàng triệu người qua lại mỗi ngày. Nhu cầu hạ tầng cấp, thoát nước, năng lượng, giao thông tăng vọt, đó là chưa kể đến tình huống sự cố, thảm họa… Nếu đề xuất hạ tầng cận biên dự án vẫn giữ nguyên là rất bất ổn. Thứ ba, Phía Đông nhà Ga vốn là khu phố đã được quy hoạch và thực hiện quy hoạch nghiêm cẩn, thận trọng hơn 100 năm qua, không có khả năng hấp thụ của mô hình mới khổng lồ trong một thực thể nhỏ gọn. Nếu đề xuất bảo tồn hời hợt, nhà ga cũ có phục chế còn lại nhỏ bé, chìm nghỉm giữa các tổ hợp cực lớn… Đề xuất ý tưởng giao thông ngoại biên cần khảo sát, tổ hợp thông tin đầu vào chính xác, phân tích tường minh… không nên viện dẫn những ý tưởng mơ hồ “Trứng Linh Quang / Rồng Xanh” để thay thế những luận cứ khoa học, tính toán thuyết phục đã có trước đây.

Trần Huy Ánh & Phạm Thanh Huyền