05/08/2020

Quy hoạch nông thôn mới với điều tiết quá trình đô thị hóa vùng ven đô

(Tạp chí KTVN 229) – Là các làng xã nông nghiệp nằm cận kề đô thị, những ngôi làng ven đô đang gặp nhiều thách thức, bởi một bên là cảnh quan nông thôn, sản xuất nông nghiệp và đời sống thôn quê, một bên là sự hấp dẫn của tiện nghi đô thị, dịch vụ thương mại và đời sống của người thành phố. Đô thị phát triển tiến dần về các làng cận kề, chuyển hóa hoàn toàn hoặc một phần vào trong đô thị.

Níu kéo cho sự tồn tại của những ngôi làng bé nhỏ này chính là những yếu tố hoặc sức mạnh bất tử xuất phát từ các giá trị nội tại độc đáo. Đời sống nơi đây không hoàn toàn tiện nghi nhưng dễ sống. Tuy vậy, không gian làng xóm lại thiếu hụt mạng lưới hạ tầng, hệ thống dịch vụ công cộng và tiện ích đô thị. Việc quản lý đất đai ở các làng ven đô cực kỳ lỏng lẻo khiến cho các doanh nghiệp, các chủ đầu tư đã đầu tư hàng chục, thậm chí hàng trăm ha đất nông nghiệp để biến chúng trở thành đất dự án. Cùng với chính sách “đổi đất lấy hạ tầng” hỗ trợ, không gian của các làng ven đô, vốn rộng rãi phân tán đã trở nên chật chội, chen chúc, tập trung theo tuyến và chia cắt với không gian mở hai bên đường. Các lô đất lớn tách thành nhiều lô đất nhỏ, các mảnh đất hình vuông, chữ nhật biến thành các dải đất nhỏ hẹp, một mặt nhìn ra đường, một mặt hướng ra đồng ruộng.

Làng Cổ Loa, Đông Anh - Phú Đức

Làng Cổ Loa, Đông Anh – Phú Đức

Các công trình xây dựng của người dân mọc lên bám theo các tuyến đường mới mở, một hội chứng phổ biến của phố thị – nhà chia lô mặt phố. Đường và Phố đã trở thành yếu tố dẫn dắt đô thị vào nông thôn. Vì vậy sự lộ diện của các nhà dân ra mặt đường trở thành niềm hãnh diện (về mặt tâm lý) và là phương tiện kinh doanh thương mại (về mặt mưu sinh). Lối sống bám vào đồng ruộng đã chuyển sang lối sống bám theo mặt đường. Ngôi nhà dàn trải có khuôn viên tường rào, tiếp xúc với thiên nhiên bao quanh biến thành ngôi nhà vươn cao chỉ tiếp xúc với thiên nhiên ở mặt tiền và sân thượng.

Người ta bàn nhiều tới chính sách sử dụng đất và chỉnh trang phát triển làng ven đô như thế nào để những vùng đất cận kề đô thị rất có giá trị này phát triển giàu mạnh nhưng không bị mất bản sắc văn hóa, không bị đô thị hóa cưỡng bức. Trong các dự án phát triển làng ven đô, vườn, công viên sinh thái, khu nghỉ dưỡng cuối tuần… là những hạng mục được tính đến, bởi lẽ chúng có thể mang lại những lợi ích sau: Không băm nát một hình thái thiên nhiên nguyên vẹn
thành các mảnh nhỏ vụn. Hình thành các không gian công cộng dạng mở cho cộng đồng đô thị, chúng có thể thu hút và giãn dân đô thị ra ngoài khu vực trung tâm.

Cần tạo nên một cấu trúc hình thái không gian đặc trưng, được xuất phát từ đặc điểm của làng, trong đó tôn trọng phần lõi văn hóa, và phần nghề truyền thống trong hoạt động sản xuất của người dân. Cần có chính sách ưu tiên về đất đai và ưu tiên vốn đối với các gia đình hoặc các tổ hợp gia đình có truyền thống trong sản xuất làng nghề, ưu tiên bảo tồn các nhà thờ họ, các cảnh quan đặc trưng, đặc biệt là các cây xanh có tuổi và mặt nước gắn liền với các sự tích huyền thoại… Đó chỉ là một vài trong số những cách thức tiếp cận làng ven đô trong quá trình đô thị hóa./.

PGS.TS.KTS Doãn Minh Khôi – Trường Đại học Xây dựng

ntm (2)