Hiện nay, công tác lập Quy chế quản lý kiến trúc đô thị và nông thôn ở Việt Nam đang gặp nhiều thách thức dù đã có các văn bản pháp luật cụ thể như Luật Kiến trúc 2019 và các nghị định, thông tư hướng dẫn. Đó là việc triển khai quy chế quản lý kiến trúc ở nhiều địa phương còn thiếu đồng bộ, chưa có hướng dẫn chi tiết hoặc thống nhất giữa các cấp chính quyền. Điều này dẫn đến sự thiếu nhất quán trong quy hoạch, từ kiến trúc đô thị cho đến nông thôn.
Hội thảo Nâng cao hiệu quả công tác quản lý kiến trúc đô thị tại Đà Nẵng
Ở một số địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, lực lượng cán bộ có chuyên môn về kiến trúc còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng. Điều này khiến việc xây dựng và thực thi các quy chế quản lý kiến trúc gặp khó khăn. Việc lấy ý kiến của cộng đồng trong lập quy chế quản lý kiến trúc chưa được thực hiện rộng rãi, do đó, các quy chế này đôi khi không phản ánh đúng nhu cầu và nguyện vọng của người dân địa phương.
Tạo lập cơ sở dữ liệu về kiến trúc, giúp các địa phương dễ dàng tiếp cận thông tin và quản lý hiệu quả hơn
Đặc biệt, công tác xác định công trình kiến trúc có giá trị gặp nhiều vướng mắc bởi tiêu chí đánh giá chưa rõ ràng, cơ sở dữ liệu về công trình kiến trúc có giá trị còn thiếu; khác biệt về quan điểm, với việc các địa phương và cơ quan tư vấn thường có quan điểm khác nhau về giá trị của công trình kiến trúc, điều này làm cho việc xác định giá trị của công trình không thống nhất. Có địa phương đánh giá cao giá trị lịch sử, trong khi địa phương khác lại chú trọng về tính thẩm mỹ hay văn hóa, hoặc đề cập tới giá trị của công trình cận đại, thậm chí đương đại…
Việc thực thi các quy chế quản lý kiến trúc tại các địa phương cần hướng dẫn chi tiết hơn từ cấp Trung ương
Để giải quyết những thách thức trong thực thi các quy chế quản lý kiến trúc tại các địa phương cần hoàn thiện các hướng dẫn chi tiết hơn từ cấp Trung ương để hỗ trợ các địa phương trong việc lập quy chế quản lý kiến trúc. Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ chuyên môn, nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền địa phương về giá trị của kiến trúc trong phát triển bền vững. Tạo lập cơ sở dữ liệu về kiến trúc, giúp các địa phương dễ dàng tiếp cận thông tin và quản lý hiệu quả hơn./.
TS.KTS Nguyễn Tất Thắng – Nghiên cứu viên cao cấp Viện Kiến trúc Quốc gia