19/12/2014

Quy chế cải tạo nhà thuê có từ 20 năm trước!

Trước ý kiến của Thanh tra Bộ Xây dựng cho rằng cần xem lại tính chất pháp lý của thỏa thuận cải tạo, xây dựng lại nhà thuê của nhà nước ký giữa Viện Sena với Sở Nhà đất Hà Nội năm 1997, UBND thành phố Hà Nội khẳng định, thỏa thuận này nằm trong chủ trương được ban hành từ đầu năm 1993!.

 

Cụ thể, chủ trương này của thành phố chính là văn bản số 197 do Sở Nhà đất Hà Nội ban hành ngày 9/2/1993 quy định về việc các hộ dân và cơ quan thuê nhà của cơ quan nhà đất xin xây dựng cải tạo nhà.

Về nguyên tắc, việc cải tạo xây dựng lại tại khu vực nhà công cho thuê phải theo đúng quy hoạch chung và tuân thủ quy tắc xây dựng cơ bản của thành phố (QĐ số 2704/QĐUB ngày 4/6/1990).

quiche

Nhà 35 Điện Biên Phủ nhiều năm cho thuê lại trái phép. Ảnh: Hà Anh.

Quy định này nhằm tạo thuận lợi, khuyến khích các hộ dân và cơ quan thuê nhà của nhà nước tự bỏ vốn tham gia xây dựng cải tạo lại nhà ở và công trình, đồng thời tăng cường sự thống nhất quản lý xây dựng và sử dụng nhà đất.

Các xí nghiệp quản lý nhà cấp quận có trách nhiệm đứng tên xin phép xây dựng, thực hiện toàn bộ thể thức hồ sơ xin cấp phép xây dựng và quyết định việc sử dụng diện tích mới sau xây dựng công trình.

Theo văn bản này, diện tích cải tạo xây dựng được do các hộ và các cơ quan tự bỏ vốn được sử dụng theo chính sách hiện hành chịu sự quản lý trực tiếp theo hợp đồng thuê nhà với cơ quan nhà đất cấp quận.

Đối tượng tự bỏ vốn xin xây dựng cải tạo có các quyền lợi gồm: Được quyền sử dụng diện tích mới (được ghi bổ sung vào hợp đồng thuê nhà) hoặc làm lại hợp đồng mới gồm cả diện tích thuê cũ và  diện tích mới tăng thêm sau xây dựng công trình. Được quyền nhượng lại theo giá chuẩn xây dựng cơ bản thời điểm của thành phố sau khi đã tính khấu hao cho cơ quan quản lý nhà đất khi không còn nhu cầu sử dụng diện tích mới xây dựng, cải tạo.

Trở lại việc áp dụng quy định này với trường hợp cải tạo, xây dựng lại nhà 35 Điện Biên Phủ, UBND thành phố Hà Nội khẳng định là hoàn toàn đúng các quy định, phù hợp với chủ trương của thành phố.

Bản thân lãnh đạo Viện Sena khi hạ bút ký vào văn bản ngày 5/7/1997 với một bên là Xí nghiệp kinh doanh nhà quận Ba Đình, Cty Kinh doanh nhà số I và Sở Nhà đất Hà Nội về việc xác định giá trị công trình nhà cũ dỡ bỏ và thỏa thuận quản lý sử dụng diện tích sau xây dựng cải tạo tại số nhà 35 Điện Biên Phủ cũng đã biết rất rõ điều này.

Biên bản nêu rõ: Nhà nước sở hữu toàn bộ đất, toàn bộ công trình sau khi cải tạo và công trình hạ tầng kỹ thuật của ngôi nhà và quản lý cho thuê lại diện tích theo hợp đồng cũ và diện tích tăng thêm sau khi xây dựng. Ngoài ra, nhiều văn bản khác cũng khẳng định quyền sở hữu, quản lý của nhà nước đối với diện tích nhà sau khi cải tạo, xây dựng lại.

Vấn đề đặt ra là liệu có sự cố tình hiểu sai trong trường hợp này hay không?

 

Theo Tiền Phong