22/07/2021

Quốc hội ‘nóng’ với vấn đề sửa đổi Luật Đất đai 2013

Ngày làm việc thứ hai Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV nổi bật với những nội dung liên quan đến việc sửa đổi bộ luật đang được được dư luận xã hội quan tâm nhất hiện nay: Luật đất đai 2013.

Theo đó, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã thông tin về thời điểm dự kiến Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa dự án Luật này vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022) để thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) theo quy trình tại ba kỳ họp”. Trích lời của vị Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội.

Các đại biểu và người dân mong ngóng

Theo đại biểu Tô Văn Tám, đoàn Kon Tum, Luật Đất đai đang thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri và nhân dân.

Ông lấy dẫn chứng thực tế việc đất đai chưa trở thành nguồn lực lớn, chưa được sử dụng tốt để phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều tiêu cực sai phạm xảy ra trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai ở nhiều địa phương khi giao đất, thu hồi đất…

Ông Tám phân tích thêm, Tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội mặc dù có điểm mở là nếu chất lượng tốt và tiến độ nhanh hơn nhưng cơ quan này cần xem xét đẩy nhanh tiến độ thông qua theo quy trình 2 kỳ họp.

Hình ảnh hội trường ngày làm việc thứ 2 tại Kỳ họp. Nguồn: VOV

Cùng chung cảm giác sốt ruột chính là đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang), bà đưa ra vấn đề về việc Luật Đất đai dù được đưa vào chương trình nhiều năm trước nhưng bị liên tục lùi thời gian và đến giờ vẫn chưa được sửa đổi.

Bà nêu ra vấn đề: Nếu dự án luật này được đưa vào chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và thứ 4 để thông qua tại kỳ họp thứ 5 thì phải đến năm 2024. Sau đó còn cả quãng thời gian có hiệu lực thi hành, tiếp tục đợi văn bản hướng dẫn thì có thể kéo dài tới cuối nhiệm kỳ luật mới đi vào cuộc sống.

Trong khi đó, cần tiến hành sửa đổi sớm để khắc phục những bất cập trong quản lý đất đai hiện nay.

Từ đó, theo đề nghị của bà Nguyễn Thị Kim Bé, cần đưa dự án này vào chương trình cho ý kiến tại kỳ họp cuối năm 2021 để tiến độ sửa đổi sớm hơn.

Tác động gì nếu không làm sớm?

Sử dụng quyền tranh luận, ĐB Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ nêu rõ thực trạng thị trường bất động sản đang tăng giá rất kinh khủng, thậm chí có thể khủng hoảng vấn đề bất động sản về đất ở, song bất động sản du lịch đang đi xuống.

Theo ông, hầu hết địa phương, doanh nghiệp đã giải toả công trình đền bù, tuy nhiên do vướng Luật Đất đai và Luật Đấu thầu nên đành “bó tay”, không thể giải quyết được. Nếu đến tận đến kỳ họp thứ 4 mới đưa trình luật này thì hàng trăm nghìn tỷ đồng sẽ ứ đọng và doanh nghiệp gặp tình trạng rất nguy hiểm. Ông Thân đưa ra phương án Quốc hội phải đưa ra nghị quyết để giải toả bức xúc của doanh nghiệp nếu không kịp trình.

Giải đáp những ý kiến mà các đại biểu quốc hội đưa ra, Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Thành Long trả lời rằng đây là vấn đề lớn. Chính phủ đưa ra 4 tờ trình và tích cực làm việc với các Ủy ban để đưa vào chương trình kỳ họp. “Việc đưa dự án Luật Đất đai vào chương trình là cố gắng lớn, trong khi chúng ta chờ nhiều quyết sách của các cơ quan có thẩm quyền, không đơn thuần chỉ pháp lý mà còn là vấn đề chính trị”. Ông Long kết luận.

Cùng quan điểm, ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết thêm, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vô cùng phức tạp. Do chứa đựng những nội dung tác động lớn tới xã hội nên cần nhiều thời gian để nghiên cứu và Quốc hội phải thảo luận kỹ lưỡng.

Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến đưa dự án Luật này vào Chương trình trình Quốc hội cho ý kiến tại hai kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thứ 4 (tháng 10/2022). Cuối cùng thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) chuẩn theo quy trình tại ba kỳ họp. Trường hợp chất lượng dự án tốt và tiến độ chuẩn bị nhanh hơn khi chuẩn bị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét triển khai, rút ngắn xuống theo quy trình hai kỳ họp.

H.S/Doanh nhân Việt Nam