01/07/2015

Quản lý sân chơi trẻ em trong đô thị

Bây giờ ở các đô thị lớn, mỗi khi nói đến nơi vui chơi của trẻ em là người ta nghĩ ngay đến công viên, vườn hoa hay các điểm vui chơi với các trò chơi điện tử hiện đại hấp dẫn… ở các trung tâm thương mại lớn tọa lạc tại trung tâm TP, hay ở các khu đô thị mới cao cấp, sang trọng và chắc chắn là không phải miễn phí?! Còn tại các khu chung cư cũ và mới xây dựng, khái niệm về sân chơi cho trẻ em hầu như là thứ gì đó xa xỉ, trong thời buổi kinh tế thị trường, tấc đất – tấc vàng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Lao động

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Lao động

Vậy sân chơi cho trẻ em có cần không? Rất cần. Bởi lẽ vườn hoa, sân chơi là thế giới riêng của trẻ em, là nơi chúng được thỏa mãn thể hiện sự hồn nhiên của mình, được thoải mái chơi đùa, khám phá bao điều thú vị cùng bạn bè trên những cây cầu tụt, bập bênh, bãi cát nhỏ, chiếc xích đu, hay chạy nhảy, đá bóng… là nơi trẻ hình thành những tính cách tốt đẹp như biết nhường nhịn, sẻ chia cùng bè bạn. Và với đô thị, thì sân chơi, vườn hoa là một thành phần của không gian công cộng. Mà không gian công cộng là yếu tố không thể thiếu trong cấu trúc đô thị. Trong các trường học kể cả các trường mẫu giáo, mầm non theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam từ trước đến nay, thì ngoài các kiến trúc phục vụ cho việc giáo dục, học tập, thì đều phải có diện tích dành cho vườn trường, cây xanh và sân chơi cho học sinh với các trang thiết bị phục vụ nhu cầu vui chơi, tập luyện thể chất tùy theo lứa tuổi, cấp học. Với các khu chung cư, khoảng cách giữa hai chung cư (bằng 2 lần chiều cao tòa nhà) chính là nơi hoạt động sinh hoạt chung của cộng đồng, trong đó có trẻ em, người cao tuổi. Ở đó có cây xanh, vườn hoa nhỏ, ghế đá, sân chơi cầu lông, nơi đặt cầu trượt, cầu bập bênh… cho trẻ nhỏ. Còn ở trong các khu phố thì tại những vườn hoa, công viên, người ta cũng bố trí chỗ vui chơi cho trẻ em, người già, ghế ngồi cho người đi dạo…

Tuy nhiên, hiện nay, vấn đề vườn hoa, sân chơi cho trẻ em tại các khu dân cư đang là nỗi bức xúc của cộng đồng, và cũng là bài toán khó giải của chính quyền TP. Hiện tại, toàn Hà Nội có khoảng 60 khu nhà ở, khu chung cư cũ trong đó có 33 khu thuộc sở hữu Nhà nước (chiếm hơn 430ha) nhưng hầu hết không còn vườn hoa, sân chơi, không gian công cộng. Còn các khu chung cư mới tính đến năm 2014, TP có 370 dự án với diện tích đất là 5.600ha, nhưng theo kiểm tra của HĐND TP, thì chỉ có 56 dự án thực hiện đúng quy định, tức là có không gian công cộng, vườn hoa, sân chơi, số còn lại là không có, hay thực hiện sai và không được chủ đầu tư quan tâm.

Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sự biến mất các vườn hoa, sân chơi tại các khu dân cư? Đó là sự buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền và sự bất cập trong chính sách quản lý xây dựng chung cư mới! Không gian công cộng trong đô thị là cấu trúc phục vụ cộng đồng phải do chính quyền đô thị quản lý. Việc quản lý này, ở nước ta lâu nay thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Đối với các khu phố thì vườn hoa công viên, cây xanh, mặt nước được giao cho Cty Công viên cây xanh quản lý, bảo trì chăm sóc có một phần xã hội hóa để đảm bảo kinh phí hoạt động. Nhưng tại các khu nhà ở, khu chung cư mới thì hiện chưa rõ ai là người quản lý. Chủ đầu tư hay là người mua nhà? Rất nhiều khu chung cư không gian công cộng thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư, nên đã trở thành nơi kinh doanh nhà hàng, bãi đậu xe có thu phí. Không gian công cộng tại các khu nhà ở cũ khi chuyển sang nền kinh tế thị trường đã bị người dân lấn chiếm để làm chợ dân sinh, mở hàng quán, là nơi trú ngụ của những người vô gia cư từ nơi khác đến.

Rõ ràng, quản lý vườn hoa sân chơi ở các khu dân cư trong đô thị không ai khác phải là chính quyền đô thị các cấp, từ phường đến quận và thành phố, với sự cùng tham gia góp sức của các tổ chức chính trị xã hội và cộng đồng. Chỉ có điều các nhà quản lý có quyết tâm thực hiện trách nhiệm của mình trước xã hội hay không mà thôi!

KTS Phạm Thanh Tùng