08/02/2023

Phương pháp chống nồm cho nền nhà hiệu quả

Nhà nồm hay còn gọi là “nhà đổ mồ hôi” thường xảy ra vào các thời điểm giao mùa, thay đổi nhiệt độ đột ngột. Là hiện tượng tự nhiên, tuy nhiên nhà nồm gây khá nhiều khó khăn trong sinh hoạt đời sống hàng ngày của các gia đình. Để khắc phục tình trạng này, hãy cùng khám phá những bí quyết chống nồm hiệu quả khi xây dựng. 

Nhà nồm là gì? Nguyên nhân gây nên hiện tượng nhà nồm

Nhà nồm hay “nhà đổ mồ hôi” là những thuật ngữ để chỉ hiện tượng hơi nước ngưng tự trên các bề mặt phẳng (sàn, tường, trần…) gây ẩm ướt, trơn trượt. Đây là một hiện tượng phổ biến thường xuất hiện vào những tháng đầu năm tại khu vực miền Bắc nước ta do các nguyên nhân sau:

– Độ ẩm trong không khí cao, thường trên 90% hoặc bão hòa

– Nhiệt độ bề mặt nền thấp dưới nhiệt độ đọng sương

Tác hại của hiện tượng nhà nồm

Nhà nồm có thể gây nên những hậu quả khá nghiêm trọng mà các gia đình không lường trước được. Một số tác hại phổ biến có thể kể đến gồm:

– Gây nấm mốc, ố vàng các kết cấu xây dựng trong nhà

– Phát sinh nhiều loại vi khuẩn có hại trên các bề mặt bị ẩm ướt

– Dễ trơn trượt gây nguy hiểm khi đi lại nhất là đối với những gia đình có người già và trẻ nhỏ

Phương pháp chống nồm cho nền nhà

Phương pháp thiết kế cấu tạo lớp nền hợp lý chống nhà nồm

Đây là cách thức thay đổi cấu tạo và sử dụng các loại vật liệu đặc biệt để hạn chế truyền nhiệt lạnh từ phía dưới lên bề mặt sàn làm ngưng tự hơi nước. Hiện nay, có một số cách thiết kế cấu tạo lớp nền phổ biến sau đây:

Cách 1: Cách nhiệt nền nhà bằng lớp xỉ than dạng hạt

Xỉ than là phế phẩm sau khi đốt than đá trong các lò phản ứng nhiệt của các nhà máy nhiệt điện, các công ty dùng than đốt lò công nghiệp, nhà máy xi măng, mỏ khai thác đá. Khi mua xỉ than đá cần chú ý có 2 loại là xỉ than thô và xỉ than mịn, trong đó, xỉ thô được dùng làm vật liệu xây dựng còn xỉ mịn thường để trồng cây và lọc nước. Hiện nay trên thị trường, người tiêu dùng có thể mua xỉ than từ các nhà máy sử dụng than đá để đốt hoặc các công ty sản xuất vật liệu xây dựng.

Bản vẽ cấu tạo lớp nền cách nhiệt bằng xỉ than dạng hạt

Cấu tạo lớp nền cách nhiệt bằng xỉ than dạng hạt bao gồm 5 phần:

– Lớp số 1: Gạch men lát nền độ dày 15mm, miết mạch bằng xi măng

– Lớp số 2: Lớp vữa lót lát nền nhà độ dày 25-30mm

– Lớp số 3: Xỉ lò dạng hạt có độ dày 200mm

– Lớp số 4: Màng cách nước giấy dầu hoặc xi măng cát vàng dày 20mm

– Lớp số 5: Bê tông gạch vỡ mác 100

Cách 2: Cách nhiệt nền nhà bằng lớp không khí

Phương pháp được kết cấu bằng cách thêm vào một lớp đệm không khí có độ dày khoảng 20mm phía dưới sàn nhà để hạn chế khả năng truyền nhiệt lạnh lên trên bề mặt gây ngưng tự hơi nước. Đây là phương pháp hiệu quả, có tính ứng dụng cao mà lại tiết kiệm chi phí xây dựng nên được khá nhiều gia đình lựa chọn hiện nay.

Bản vẽ cấu tạo lớp nền cách nhiệt bằng không khí

Cấu tạo lớp nền cách nhiệt bằng không khí gồm 5 phần:

– Lớp số 1: Tấm lát bê tông lưới thép hoặc bất kỳ vật liệu nào có lớp đệm không khí

– Lớp số 2: Không khí kín độ dày 20mm

– Lớp số 3: Vữa xi măng cát vàng dày 20mm

– Lớp số 4 và 5: Bê tông gạch vỡ dày 100mm

Cách 3: Cách nhiệt nền nhà bằng lớp xốp Polystyrene (EPS)

Phương pháp sử dụng xốp Polystyrene (EPS) có nguyên lý cách nhiệt và thiết kế tương đồng với cách sử dụng xỉ than dạng hạt. Điểm khác biệt đáng chú giữa 2 phương pháp nằm ở việc thay đổi lớp xỉ than bằng một lớp xốp Polystyrene (EPS) cường độ cao độ dày khoảng 25mm phía dưới nền để chống thấm và cách nhiệt.

Bản vẽ cấu tạo lớp nền cách nhiệt bằng xốp Polystyrene (EPS)

Cấu tạo lớp nền cách nhiệt bằng xốp Polystyrene (EPS) gồm 5 phần:

– Lớp 1: Gạch men sứ dày 7mm miết mạch bằng xi măng

– Lớp 2: Lớp keo dán hoặc sơn bitum cao su không pha xăng dầu

– Lớp 3: Lớp vật liệu xốp Polystyrene (EPS) cường độ cao dày 25mm

– Lớp 4: Lớp chống thấm nước bằng giấy dầu, sơn bitum cao su hoặc vữa xi măng cát vàng dày 10-20mm

– Lớp 5: Bê tông gạch vỡ mác 100

Cách 4: Sử dụng vật liệu lát nền chống nồm

Vật liệu lát nền có khả năng chống nồm tốt phải có đặc tính cách nhiệt tốt, đồng thời, có khả năng thấm hút nước để hạn chế khả năng ngưng tụ của hơi nước trên bề mặt. Hiện nay, trên thị trường có một số loại vật liệu có thể sử dụng để chống nồm nền nhà tốt bao gồm: gạch gốm nung, gạch gốm bọt, gỗ, tấm nhựa composite. Một lưu ý để tăng hiệu quả khi sử dụng phương pháp này là phải lát kín, không để hở các mối nối, đồng thời, kết hợp các phương pháp cách nhiệt dưới nền.

Bản vẽ nền nhà kết hợp vật liệu chống nồm và lớp nền cách nhiệt bằng không khí. Trong đó, lớp số 1 vật liệu chống nồm có độ dày khoảng 7-12mm, các lớp còn lại có kết cấu tương tự phương pháp cách nhiệt nền bằng không khí.

Bản vẽ nền nhà chống nồm sử dụng gốm bọt – loại vật liệu có các lỗ khí giúp cách nhiệt nền, hạn chế ngưng tụ hơi nước trên bề mặt

Ngoài ra, các gia đình cũng có thể sử dụng linh hoạt các vật liệu chống nồm và các lớp cách nền khác tùy theo điều kiện thực tế của từng công trình để đảm bảo hiệu quả xây dựng và tiết kiệm chi phí đầu tư.

Phương pháp sử dụng các biện pháp cưỡng bức chống nhà nồm

Đây là cách thức hạn chế hiện tượng ngưng tự hơi nước trên sàn nhà tạm thời, thường có hiệu quả trong một khoảng thời gian nhất định. Phương pháp này thường được ứng dụng kết hợp với các lớp nền chống nồm để tăng hiệu quả hoặc tạm thời khắc phục tình trạng ẩm ướt tại những ngôi nhà cũ chưa có thiết kế chống nồm khi xây dựng.

Cách 1: Đóng kín cửa chống nhà nồm

Đóng cửa để chống nồm là phương pháp đơn giản, hiệu quả mà không phải ai cũng biết

Hơi nước luôn tồn tại trong không khí và là nguyên nhân chính gây nên tình trạng nhà nồm. Việc đóng kín cửa thường xuyên sẽ hạn chế sự lưu thông của không khí, giảm thiểu lượng hơi nước được đưa từ bên ngoài vào trong nhà gây nên hiện tượng ẩm ướt bề mặt sàn nhà.

Cách 2: Lau nhà bằng giẻ khô chống nhà nồm

Lựa chọn loại vải mềm, có khả năng thấm hút tốt sẽ giúp việc lau sàn mang lại hiệu quả cao nhất

Để khắc phục hiện tượng nồm ẩm, nhiều người có thói quen lau nhà thường xuyên để nhà khô. Phương pháp này không những không hiệu quả mà còn khiến sàn nhà thêm ẩm ướt và khó khô hơn. Trong trường hợp “nhà đổ mồ hôi”, giải pháp hiệu quả nhất là lau nhà thường xuyên bằng khăn hoặc vải khô để hút ẩm.

Cách 3: Sử dụng các thiết bị sưởi, sấy nền chống nhà nồm

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, các thiết bị có chức năng làm khô không khí xuất hiện ngày càng rộng rãi trên thị trường với giá thành phải chăng (khoảng từ 2 triệu đồng) để đa số hộ gia đình có thể tiếp cận. Hiện nay, một số thiết bị phổ biến có thể sử dụng để chống nồm bao gồm: máy sấy, máy sưởi, điều hòa hai chiều…

Máy sưởi là lựa chọn phù hợp để vừa làm ấm cơ thể, vừa chống nồm vào những ngày thời tiết lạnh đầu năm mới

Ngoài ra, đối với các gia đình có tài chính hạn chế, gia chủ có thể sử dụng các loại chất đốt như than củi, gỗ,… để sưởi và làm khô sàn. Tuy vậy, phương pháp này có thể ảnh đến sức khỏe con người bởi khí thải do chất đốt tạo ra, đồng thời, chỉ nên áp dụng đối với môi trường thông thoáng để tránh ngạt khí.

Cách 4: Sử dụng vật liệu hút ẩm chống nhà nồm

Phương pháp này có ưu điểm là tiết kiệm và dễ dàng áp dụng. Tuy vậy, các loại vật liệu hút ẩm chỉ thường chỉ phát huy tốt hiệu quả khi được sử dụng trong những không gian nhỏ, hiện tượng “nhà đổ mồ hôi” không quá nhiều. Hiện nay trên thị trường có một một số sản phẩm hút ẩm có thể sử dụng để chống nồm như:

– Vật liệu tự nhiên: than củi, gỗ (lưu ý không đốt, chỉ để vật liệu hút ẩm tự nhiên)

– Vật liệu tổng hợp: hộp hút ẩm, viên hút ẩm, túi chống ẩm

Sử dụng than củi để chống ẩm là một phương pháp dân gian, đơn giản và khá hiệu quả

Trên đây là một số phương pháp đơn giản, hiệu quả có thể dễ dàng sử dụng để chống nhà nồm khi xây dựng hiện nay. Hãy thử áp dụng và cảm nhận hiệu quả đến với ngôi ngôi nhà của bạn.

Happynest