16/07/2015

Phổ biến Luật Xây dựng 2014 và Nghị định 59/2015/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng

Ngày 15/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị Phổ biến Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 và Nghị định 59/2015/NĐ-CP về Quản lý dự án đầu tư xây dựng.

Đây là hội nghị quan trọng để Bộ Xây dựng chuyển tải những nội dung trọng tâm của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 cũng như của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP – một nghị định đặc biệt quan trọng trong việc cụ thể hóa Luật Xây dựng mới tới nhà quản lý, cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực xây dựng.


Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng: “Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 quy định kiểm soát chặt chẽ năng lực chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng”.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, trước đây do thiếu các quy định cụ thể về thẩm quyền và phương thức quản lý áp dụng đối với các chủ đầu tư khác nhau dẫn đến chủ đầu tư dự án công trình sử dụng vốn nhà nước thiếu quan tâm đối với những vấn đề liên quan đến hiệu quả đầu tư xây dựng, chất lượng, tiến độ, chi phí thực hiện và khả năng khai thác, sử dụng công trình.

“Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, hiệu quả đầu tư thấp, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội ở nước ta hiện nay. Do đó, việc quy định thẩm quyền của chủ đầu tư sử dụng vốn nhà nước cần được giới hạn và phải có phương thức quản lý phù hợp” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết.

Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 quy định các nguồn vốn khác nhau thì phải có quy định quản lý khác nhau, cùng với đó việc kiểm soát vốn của nhà nước cần sự kiểm tra chéo của các cơ quan khác. Đối với các dự án sử dụng nguồn vốn Nhà nước, bên cạnh việc kiểm soát quá trình sử dụng theo đúng kế hoạch, cần phải kiểm soát cả về chi phí, nhằm tránh việc thất thoát trong sử dụng nguồn vốn.

Nhiều nội dung quan trọng của Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 được Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng đề cập đó là Luật đã tăng cường vai trò kiểm soát của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng cũng như nâng cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, đặc biệt là Ban quản lý các dự án…


Hội nghị có sự tham dự của đông đảo chuyên gia, lãnh đạo các đơn vị cũng như đại diện các Ban quản lý dự án thuộc Bộ Xây dựng.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết: Ban quản lý dự án cần phải nâng cao năng lực, vài trò của mình. Muốn làm được điều này, đòi hỏi Ban quản lý dự án phải chuyên nghiệp, cán bộ phải có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, có tâm huyết, trách nhiệm với công việc.

“Nếu chỉ quản lý 1 dự án rồi giải thể thì ban quản lý không thể hoạt động chuyên nghiệp. Muốn chuyên nghiệp thì một Ban quản lý phải quản lý nhiều dự án. Do đó, Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 đã phân rõ các loại ban quản lý, đó là Ban quản lý chuyên ngành và Ban quản lý theo khu vực, cũng có thể 1 Ban quản lý chuyên ngành đồng thời quản lý một khu vực nhất định” – Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.

Những Ban quản lý dự án chuyên nghiệp sẽ góp phần nâng cao chất lượng công trình xây dựng, góp phần giảm thất thoát kinh phí của nhà nước cũng như của người dân ở cả phương diện vô hình lẫn hữu hình, đồng thời tạo điều kiện và tiền đề từng bước phát triển và hoàn thiện thị trường xây dựng trong nước gắn với quá trình đổi mới, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam.

Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng cho biết: Trong từng trường hợp cụ thể, Luật cũng quy định việc hình thành Ban quản lý dự án đặc thù. Bộ trưởng tin tưởng, với Luật Xây dựng sửa đổi năm 2014 cùng các Nghị định hướng dẫn thi hành và những văn bản quy phạm pháp luật khác, Việt Nam sẽ có đủ căn cứ pháp lý trong việc thực hiện đầu tư xây dựng một cách hiệu quả, chất lượng.

Theo Xây dựng