29/09/2015

Phát triển VLXD không nung: Cần nhà nước và doanh nghiệp cùng vào cuộc

Bộ Xây dựng đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển Chương trình vật liệu xây dựng (VLXD) không nung. Trọng tâm là rà soát và hoàn thiện tình hình ban hành và thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn kỹ thuật cho từng sản phẩm. Để đạt hiệu quả cao nhất cần thiết có sự tham gia từ hai phía cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp (DN).

Tiếp tục hoàn thiện và bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật cho VLXD không nung

Ông Phạm Văn Bắc, Phó Vụ trưởng Vụ VLXD cho biết, các vấn đề về VLXD không nung đã được Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu và ban hành văn bản quy phạm pháp luật, ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật, tương đối đầy đủ. Cụ thể, Bộ Xây dựng tham gia chủ yếu vào một hợp phần trong đề án gồm 5 hợp phần của Bộ KHCN về Chương trình phát triển VLXD không nung. Hợp phần này có thể chia làm 2 nội dung chính về cơ chế chính sách và hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật cho VLXD không nung.

Qua đó, Bộ Xây dựng đã điều tra, khảo sát tình hình ban hành và thực hiện tất cả các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, từ đó đề xuất kiến nghị bổ sung thêm nội dung còn thiếu. Điều tra, khảo sát tình hình đầu tư xây dựng các nhà máy VLXD không nung trên phạm vi toàn quốc (chủng loại, số lượng, chất lượng, tình hình tiêu thụ sản phẩm). Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng điều tra, khảo sát tình hình đầu tư sản xuất các loại máy móc thiết bị sản xuất VLXD không nung trong nước và tình hình nhập khẩu các thiết bị cho sản xuất VLXD không nung từ nước ngoài…

Theo kiến nghị của ông Phạm Văn Bắc, sắp tới Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển Chương trình VLXD không nung như: Thông tư 09, định mức kinh tế, tiêu chuẩn về VLXD không nung làm cốt liệu, hướng dẫn thi công gạch bê tông cốt liệu,…

Hiện nay, việc sử dụng VLXD không nung thay thế VLXD nung tại các công trình đạt hơn 20%, công suất thiết kế đạt 26 – 28%.

Cần nhà nước và DN cùng vào cuộc gỡ vướng cho gạch không nung

Theo ông Trần Bá Việt, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng (IBST), áp dụng gạch không nung trong thực tế thời gian qua gặp vướng mắc nhiều nhất liên quan đến việc thực hiện các hướng dẫn tiêu chuẩn vào trong thực tiễn, mặc dù Bộ Xây dựng đã ban hành đầy đủ. Người thợ, người kỹ sư thi công, người kỹ sư thiết kế, người quản lý và thậm chí các Sở Xây dựng chuyên ngành tại địa phương, cũng không nắm bắt được việc thực hiện tiêu chuẩn xây dựng cho gạch không nung vào thực tế. Chính vì không tuân thủ đúng và đủ các hướng dẫn tiêu chuẩn cho gạch không nung trong thực tiễn nên dẫn đến các hiện tượng nứt, thấm của tường gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của gạch không nung.

Do vậy, cần đẩy nhanh việc tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng gạch không nung. Gạch không nung là sản phẩm khác với gạch nung, tiêu chuẩn khác với gạch nung thì việc ứng dụng, thiết kế, thi công trong thực tế cũng phải khác, nhưng người thợ vẫn thi công giống gạch đỏ.

Ông Trần Bá Việt cho rằng, chúng ta đã có công cụ rồi, nhưng công cụ lại chưa được giao vào tay người sử dụng. Do đó, Bộ Xây dựng cần có chương trình tập huấn cho các đơn vị liên quan đến việc sử dụng gạch không nung, từ đội quản lý kỹ thuật cho đến đội ngũ quản lý của các Sở Xây dựng chuyên ngành địa phương. Việc tập huấn này phải được thực hiện thường xuyên khi mà đội ngũ nhân sự tại các đơn vị này có sự xê dịch nhất định do về hưu, chuyển công tác…

Theo ông Lê Trung Thành, Vụ trưởng Vụ KHCN&MT (Bộ Xây dựng), Nhà nước sẽ có kênh hỗ trợ về chỉ dẫn cho DN sản xuất cũng như nhà thầu thi công. Tuy nhiên, việc áp dụng chỉ dẫn như thế nào thì DN sản xuất muốn bán được sản phẩm phải đầu tư cho việc tiếp thị sản phẩm. Hay nói cách khác, DN cũng phải có trách nhiệm với sản phẩm của mình, nếu chỉ có chỉ dẫn của cơ quan quản lý nhà nước thì hiệu quả không cao.

“Muốn tiêu thụ được sản phẩm, DN cung cấp gạch phải tích cực tiếp thị sản phẩm, vào cuộc thực sự với nhà thầu thi công, xuống tận công trường để thi công cùng với nhà thầu”, ông Lê Trung Thành nói.

Thanh Nga/ Báo Xây dựng