24/06/2023

“Phát triển kinh tế đô thị Hà Nội”: Mở ra những hướng đi đột phá

(KTVN) – Để phát huy tối đa tiềm năng của kinh tế đô thị, giúp bứt tốc kinh tế Thủ đô theo các mục tiêu đề ra, TP Hà Nội sẽ tập trung quy hoạch khu vực phát triển đô thị với các không gian phát triển kinh tế đô thị quy mô, đặc sắc, vượt trội, đáp ứng được yêu cầu là động lực chính giúp Thủ đô đạt được các mục tiêu cao về tăng trưởng.

Thủ đô Hà Nội (Ảnh: ST)

UBND thành phố đánh giá, hoạt động kinh tế ở khu vực đô thị chưa thật sự phát huy được lợi thế, chưa làm tốt vai trò động lực, thu hút, thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn và cả thành phố. Các nguồn lực như đất đai, tài chính, lao động, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội… trong khu vực đô thị chưa được huy động và khai thác đồng bộ, có hiệu quả phát triển kinh tế đô thị thành phố.

Công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị còn chưa gắn liền mục tiêu phát triển đô thị với mục tiêu phát triển kinh tế đô thị. Việc tổ chức triển khai các dự án đầu tư phát triển các khu đô thị mới và các dự án cải tạo, chỉnh trang các khu đô thị cũ thường kéo dài, không đồng bộ về hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội gây khó khăn cho đời sống cư dân, lãng phí đất đai, vốn đầu tư, trở ngại cho các hoạt động kinh tế đô thị…

Trước những tồn tại hạn chế, TP. Hà Nội đã phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế đô thị TP. Hà Nội” nhằm đánh giá thực trạng phát triển kinh tế đô thị giai đoạn 2016 – 2020 và đưa ra những định hướng, giải pháp để phát huy tối đa tiềm năng phát triển của kinh tế đô thị Hà Nội.

Trong đó, Thành phố đã đặt ra yêu cầu quy hoạch khu vực phát triển đô thị với các không gian phát triển kinh tế đô thị quy mô, đặc sắc, vượt trội, đáp ứng được yêu cầu là động lực chính giúp Thủ đô đạt được các mục tiêu cao về tăng trưởng đã được xác định tại Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị.

Đồng thời, Thành phố cũng chỉ đạo triển khai cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu, đặc biệt khu vực nội đô lịch sử nhằm tăng quỹ đất, diện tích kinh doanh cho các hộ cá thể tại các khu vực tuyến đường, ngõ, xóm, đồng thời tăng mỹ quan đô thị.

Có thể nói, với những định hướng nói trên, quy hoạch sẽ mở ra nhiều không gian phát triển kinh tế đô thị quy mô, đặc sắc, vượt trội. Ngược lại kinh tế đô thị sẽ là động lực để nâng cao chất lượng đô thị hóa, để đô thị phát triển bền vững.

Mọi hoạt động liên quan đến đất đai, đặc biệt là thu hồi, cần dựa vào một yếu tố quan trọng bậc nhất: Đó là quy hoạch được phê duyệt. Đây có thể coi là điều kiện tiên quyết trong chu trình tạo quỹ đất phục vụ thu hút nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuyết Ngân