12/03/2020

Phát triển hệ thống nhà chờ, điểm đỗ xe buýt: Cần đa dạng các hình thức đầu tư

Số lượng điểm dừng xe buýt có nhà chờ trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn ít nên đã phần nào ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ, nhất là khả năng tiếp cận phương tiện của hành khách. Trước thực tế đó, UBND thành phố Hà Nội đã có chủ trương kêu gọi, đa dạng hóa các hình thức đầu tư để phát triển hệ thống điểm dừng, nhà chờ xe buýt theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Sau đây là cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải về vấn đề này.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội) Nguyễn Hoàng Hải

– Xin ông cho biết về hiện trạng hệ thống nhà chờ, điểm đỗ phục vụ hành khách đi lại bằng xe buýt trên địa bàn thành phố?

– Thành phố hiện có 3.775 điểm dừng xe buýt (361 điểm có nhà chờ, chiếm tỷ lệ gần 10%). Trong đó, khu vực 12 quận nội thành có 1.329 điểm (340 điểm có nhà chờ, tỷ lệ trên 25%), khu vực ngoại thành có 2.446 điểm dừng (21 điểm có nhà chờ, tỷ lệ dưới 1%). Hệ thống điểm dừng, nhà chờ hiện nay cơ bản phù hợp với mạng lưới hiện tại; cự ly giữa các điểm dừng trên tuyến đáp ứng quy định tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT ngày 7/11/2014 của Bộ Giao thông – Vận tải quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ (khoảng cách bình quân giữa các điểm dừng xe buýt nội thành là 630m, ngoại thành là 900m). Tại các điểm dừng đều có thông tin cơ bản về các tuyến buýt dừng đón, trả khách (số hiệu tuyến, tên tuyến, lộ trình rút gọn của tuyến); bảo đảm thuận lợi cho hành khách trong khu vực nội thành khi trên 80% người dân có thể tiếp cận bến với khoảng cách đi bộ dưới 500m.

Tuy nhiên, hệ thống này cũng bộc lộ hạn chế. Tại nội thành vẫn còn một số khu vực chưa bố trí được điểm dừng xe buýt do hệ thống đường giao thông có mặt cắt nhỏ (nội bộ Khu đô thị Ciputra; khu Ngoại giao đoàn và khu Tây Hồ Tây; khu Quảng An – Quảng Bá – Phủ Tây Hồ; khu vực trong ngõ từ số 136 đến ngõ 209 Đội Cấn; khu vực dọc đường Quan Nhân…).

Với khu vực ngoại thành, tỷ lệ người dân có thể tiếp cận xe buýt trong phạm vi dưới 500m kể từ nhà còn thấp do mạng lưới xe buýt hiện nay chủ yếu hoạt động trên các đường trục chính. Số lượng điểm dừng xe buýt có nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp đã hạn chế rất nhiều về chất lượng dịch vụ, khả năng tiếp cận của hành khách, đặc biệt là khi thời tiết không thuận lợi.

– Trong khu vực nội thành, tỷ lệ điểm dừng có nhà chờ vẫn rất thấp. Vậy đâu là nguyên nhân khiến tỷ lệ này chưa được nâng lên?

– Tỷ lệ điểm dừng có nhà chờ trong khu vực nội thành đạt thấp bởi theo quy định, điểm dừng xe buýt tại nơi có hè đường rộng từ 5m trở lên phải lắp đặt nhà chờ. Song, số đường phố có hè rộng đủ điều kiện lắp đặt nhà chờ chiếm tỷ lệ thấp, gây khó khăn trong việc phát triển số lượng nhà chờ. Bên cạnh đó, nhiều công trình dân dụng, giao thông đang được triển khai tại khu vực có điểm dừng nhà chờ nên nhiều nhà chờ phải thu hồi, di chuyển để bảo đảm quy hoạch và tổ chức giao thông của công trình.

– Mới đây, UBND thành phố có chủ trương đầu tư 600 nhà chờ xe buýt theo tiêu chuẩn châu Âu tại 12 quận nội thành. Ông có thể cho biết lộ trình và cách thức triển khai? 

– Việc đầu tư 600 nhà chờ xe buýt thuộc dự án xây dựng đồng bộ nhà chờ xe buýt trên địa bàn thành phố và các biển quảng cáo, màn hình trên dải phân cách tại 12 quận nội thành theo hình thức đối tác công – tư (PPP). UBND thành phố đã có Quyết định số 6662/QĐ-UBND ngày 18/11/2019 quyết định chủ trương đầu tư. Hệ thống nhà chờ sẽ được xây dựng theo hướng hiện đại, đạt tiêu chuẩn châu Âu; khắc phục hạn chế trong đầu tư, quản lý hệ thống nhà chờ xe buýt hiện nay; tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt; sắp xếp, bố trí lại hệ thống biển thông tin quảng cáo ngoài trời trên dải phân cách giữa các tuyến đường khoa học, đồng bộ, văn minh.

Nhà đầu tư tự bỏ 100% kinh phí đầu tư xây dựng, vận hành khai thác và duy tu bảo trì, bảo dưỡng toàn bộ hạng mục công trình trong thời hạn 20 năm. Hiện thành phố đã phê duyệt chủ trương, các sở, ngành liên quan đang triển khai các bước tiếp theo để sớm kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Số lượng điểm dừng xe buýt có nhà chờ trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn ít nên đã phần nào ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ

Số lượng điểm dừng xe buýt có nhà chờ trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện còn ít nên đã phần nào ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ

– Vậy ở khu vực ngoại thành thì sao, thưa ông?

Năm 2019, Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội đã cùng UBND các huyện, thị xã khảo sát, lên kế hoạch lắp đặt 307 nhà chờ tại khu vực ngoại thành và có Văn bản số 6859/BC-SGTVT ngày 7/8/2019 báo cáo đề xuất UBND thành phố giao Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tổ chức nghiên cứu lập dự án đầu tư nhà chờ xe buýt và tổ chức quản lý sau đầu tư.

– Có ý kiến cho rằng, việc xã hội hóa đầu tư nhà chờ xe buýt chỉ phù hợp với khu vực nội thành, các vị trí có khả năng “gọi” quảng cáo, tài trợ. Còn ở khu vực ngoại thành thì nên sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư hệ thống nhà chờ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

– Nhu cầu sử dụng nhà chờ xe buýt của hành khách xuất hiện tại tất cả điểm dừng, không kể nội thành hay ngoại thành. Do vậy, với khu vực không thể thu hút nhà đầu tư xã hội hóa thì việc sử dụng ngân sách là cần thiết vì sẽ góp phần rất lớn vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Bên cạnh đó, nếu các nhà chờ được đầu tư, việc thực hiện các nội dung tuyên truyền để thu hút người dân sử dụng xe buýt, tuyên truyền về pháp luật, trật tự an toàn giao thông… cũng sẽ đạt hiệu quả cao hơn.

 – Trân trọng cảm ơn ông!

Tiến sĩ Thạch Minh Quân (Trường Đại học Giao thông – Vận tải) cho biết, năm 2019, nhà trường đã phối hợp với Tổ chức Plan International Việt Nam thực hiện cuộc khảo sát đánh giá chất lượng đối với 29 nhà chờ và 51 điểm dừng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội. Đây là các điểm dừng, nhà chờ được lựa chọn ngẫu nhiên, nằm trong các tuyến phố chính của 12 quận, các tuyến trục kết nối nội thành với các khu đô thị vệ tinh, thị trấn, thị xã ở ngoại thành, tuyến kết nối sân bay và kế cận liên tỉnh. Việc đánh giá chất lượng dựa trên 5 tiêu chí: Vị trí; cơ sở vật chất; tính an toàn; tính vệ sinh, thẩm mỹ; sự thân thiện.

Theo kết quả khảo sát, chất lượng toàn bộ nhà chờ xe đều cơ bản đạt yêu cầu. Cụ thể: 9 nhà chờ đạt chất lượng tốt (trong đó, 7/9 nhà chờ thuộc tuyến buýt nhanh BRT), 9 nhà chờ đạt chất lượng khá, 10 nhà chờ đạt chất lượng trung bình, 1 nhà chờ chất lượng kém. Tuy nhiên, chất lượng các điểm dừng đỗ còn rất hạn chế. Cụ thể: 2 điểm dừng không đạt chất lượng, 12 điểm dừng có chất lượng kém, 22 điểm chất lượng trung bình, 13 điểm có chất lượng khá, chỉ có 2 điểm dừng chất lượng tốt.

Từ kết quả khảo sát này, nhóm nghiên cứu đề xuất thành phố trang bị cơ sở vật chất và duy trì sửa chữa thường xuyên để bảo đảm chất lượng đồng đều giữa các điểm dừng; lắp đặt, thay thế, sửa chữa hệ thống chiếu sáng để tránh góc khuất; cắt tỉa cây, bụi rậm che chắn tầm nhìn của người chờ xe buýt và của biển chỉ đường; cần bố trí thùng rác công cộng ở các nhà chờ, điểm dừng để phục vụ hành khách.

PV/Báo Dân sinh