30/08/2018

Phân vân “bài toán” di dời

Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 thì có 12 trường đại học ở Hà Nội phải di dời. Từ năm học 2010 – 2011, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Bộ Xây dựng đã có phương án di dời các cơ sở giáo dục ra ngoại thành. 

Được đề xuất di dời là các trường Đại học Luật Hà Nội, Đại học Ngoại thương, Đại học Công đoàn, Đại học Xây dựng, Viện Đại học Mở Hà Nội… Theo quy hoạch, các trường sẽ được bố trí tại 7 khu đô thị vệ tinh là Gia Lâm (khoảng 250 ha), Sóc Sơn (600 ha), Sơn Tây (300 ha), Hòa Lạc (1.200 ha), Phú Xuyên (100 ha)… Đến thời điểm này nhiều trường đều đã có đất và chắc cũng lên dự án xây dựng, có trường đã hoàn thành xây dựng xong nhiều hạng mục, nhưng việc di dời khỏi nội đô còn là chuyện… trong tương lai.

Năm 2015 Viện Đại học Mở Hà Nội được cấp đất xây cơ sở mới tại huyện Văn Giang (tỉnh Hưng Yên) với 6 ha đáp ứng nhu cầu học tập của 15.000 sinh viên chính quy theo chiến lược phát triển đến năm 2030, gồm khu ký túc xá cho 70% sinh viên, phòng thí nghiệm, khu thể thao… Tuy nhiên, kinh phí đầu tư khoảng 400 – 600 tỷ đồng tự lo nên sau 3 năm… Viện Đại học Mở Hà Nội mới xây được khu thí nghiệm Trung tâm Giáo dục Quốc phòng An ninh của trường khai thác, đà này phải 2 – 3 năm nữa mới xong được khu giảng đường.

Cơ sở mới của Trường ĐH Thủy lợi trị giá hơn 1.000 tỷ đồng được xây dựng ở khu đô thị Đại học Phố Hiến, Hưng Yên đã xong cuối năm 2016, nhưng chỉ thi thoảng có vài trăm sinh viên học Giáo dục Quốc phòng.

Lý giải về việc chưa đưa sinh viên về học tại đây, đại diện trường này cho rằng: Sau khi xây xong cơ sở mới, tháng 2/2017 trường đã đưa 3.000 sinh viên xuống cơ sở mới học nhưng sau một thời gian ngắn thì nhiều sinh viên cảm thấy buồn chán vì không có không gian kết nối, khu vực để giải trí, khó khăn kiếm việc làm thêm… do Hưng Yên chưa hoàn thành hạ tầng khu đô thị Đại học Phố Hiến như kế hoạch ban đầu, dẫn đến kém sức hấp dẫn đối với các nhà trường và người học; điều này đã tác động không nhỏ tới tâm lý sinh viên, gây lo ngại ảnh hưởng đến việc tuyển sinh của các trường.

Trước áp lực tăng dân số nội đô ngày càng lớn thì tầm nhìn của quy hoạch là rất đúng, nhưng có một thực tế đang thấy là số trường đại học xây dựng cơ sở mới rất ít, lại có trường đã hoàn thành cơ sở mới nhưng cũng không thể đưa sinh viên đến đào tạo do cơ sở hạ tầng xung quanh chưa phát triển.

Có nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, nhưng có một điều không thể phủ nhận là tâm lý chung của các nhà quản lý những trường này là ngại không muốn di dời do đã quá quen với việc ở trong trung tâm, thuận lợi cho việc đi lại giao dịch, quảng bá hình ảnh nhà trường, thu hút người học… trong đó có một phần rất quan trọng là giá trị của khối bất động sản đang sở hữu chưa có phương án chuyển đổi đem lại lợi ích nhất cho mình. Xem ra, việc di dời các trường này ra khỏi nội đô Hà Nội không biết bao giờ đến hồi kết, trong khi áp lực quy mô sinh viên của các trường đang ngày một tăng.

Tâm An/Giáo dục và Đào tạo