08/07/2015

Phân cấp trong công tác quản lý quy hoạch kiến trúc

Đây là một trong những giải pháp được UBND thành phố Hà Nội đưa ra nhằm đẩy nhanh tiến độ quy hoạch và quản lý đô thị Hà Nội.

Tiến độ quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, năm 2008, Hà Nội thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội, mở rộng địa giới hành chính gấp hơn 3 lần. Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259 năm 2011 đã chỉ ra định hướng chung cho công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị. Theo đó, Hà Nội không chỉ xây dựng mới đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị cả khu vực đô thị lẫn nông thôn, mà còn có trách nhiệm bảo tồn, phát huy các giá trị khu vực Nội đô lịch sử thành phố.

225858baoxaydung_3

Sau khi Quy hoạch chung được phê duyệt, Hà Nội đã khẩn trương triển khai đồng bộ với khối lượng lớn các đồ án quy hoạch, gồm 33 đồ án Quy hoạch chung như huyện, Đô thị vệ tinh, Thị trấn, Thị xã và các Thị trấn sịnh thái; 35 đồ án Quy hoạch phân khu đô thị. Trong đó có nhiều đồ án rất lớn và phức tạp như đồ án Quy hoạch chung Đô thị vệ tinh Hòa Lạc, đồ án Quy hoạch phân khu Sông Hồng, sông Đuống…

Để quản lý tốt việc xây dựng, phát triển đô thị cần một bộ công cụ hoàn chỉnh từ Quy hoạch chung, Quy hoạch phân khu đến các Quy hoạch chi tiết khu vực quan trọng, hai bên tuyến đường; Thiết kế đô thị; Quy chế quản lý Quy hoạch kiến trúc…vv cũng như các cơ chế, chế tài, quy định khác.

Với yêu cầu cấp bách của công tác quản lý đô thị, năm 2012 UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch quy hoạch để tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó tập trung chỉ đạo, ưu tiên triển khai về công tác lập, thẩm định, phê duyệt các đồ án Quy hoạch chung huyện, Đô thị vệ tinh, Thị trấn, Thị xã và đô thị sịnh thái; các đồ án Quy hoạch phân khu thuộc khu vực đô thị trung tâm (nằm trong vành đai 4), đảm bảo việc nghiên cứu lập quy hoạch được đồng bộ, có tính tầng bậc.

Trong khoảng thời gian hơn 3 năm, một khối lượng lớn các đồ án quy hoạch đã được Thành phố phê duyệt (16/35 đồ án Quy hoạch phân khu, 21/33 Quy hoạch chung), tầm nhìn và chất lượng đồ án được đảm bảo, tính cộng đồng được nâng cao rõ rệt thông qua các Hội nghị tham vấn ý kiến cộng đồng, tham vấn ý kiến các Hội nghề nghiệp và Hội đồng thẩm định Thành phố.

Song song với đó, một số Quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị, Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đã được triển khai nhằm phục vụ kịp thời công tác quản lý đô thị. Cụ thể, trên 420 hồ sơ nhiệm vụ, đồ án quy hoạch chi tiết khu chức năng đô thị, hai bên tuyến đường đã được phê duyệt (Một số đồ án quy hoạch chi tiết quan trọng đã hoàn thành: Khu trung tâm Tây Hồ Tây; Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài); Thiết kế đô thị cũng đã được ưu tiên triển khai, trong năm 2014 là 06 đồ án, năm 2015 là 30 đồ án (trong đó có 25 đồ án do các địa phương (quận) tổ chức thực hiện). Đến nay, 03 đồ án đã được phê duyệt; 04 đồ án đang hoàn thiện để trình phê duyệt; các đồ án còn lại hiện đang tiếp tục tổ chức nghiên cứu lập theo nhiệm vụ đã được duyệt. Ngoài ra, Thành phố đã kiến nghị với Bộ Xây dựng hỗ trợ triển khai 04 đồ án thiết kế đô thị mẫu;

Về việc công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, UBND thành phố cho biết các đồ án quy hoạch, chỉ giới đường đỏ các tuyến đường sau khi được duyệt, UBND Thành phố giao các cơ quan chủ trì tổ chức công bố công khai và bàn giao cho các cơ quan, tổ chức có liên quan (trong đó có các địa phương) theo quy định.

Trong giai đoạn từ năm 2011-2015 trung bình mỗi năm có khoảng 30 đồ án được công bố công khai.

Theo đánh giá của UBND thành phố, tiến độ lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch còn chưa đáp ứng được tiến độ theo kế hoạch đề ra; tồn tại mâu thuẫn giữa phát triển và cải tạo chỉnh trang đô thị, giữa quy hoạch nông thôn mới với quy hoạch chung huyện; Việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với đồ án quy hoạch phân khu đô thị (giai đoạn lập Nhiệm vụ và Đồ án quy hoạch) mất rất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, theo quy định của Nghị định số 11/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hầu hết các đồ án quy hoạch đô thị cần lấy ý kiến thống nhất của Bộ Xây dựng trước khi trình UBND Thành phố phê duyệt, cũng như việc lấy ý kiến thỏa thuận của các Bộ, ngành (Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng…) sẽ kéo dài thời gian lập, thẩm định đồ án quy hoạch.

Các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện quy hoạch

UBND thành phố Hà Nội cho rằng, nguyên nhân của những tồn tại trên đâu là do việc đồng thời tổ chức triển khai lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch đô thị với khối lượng rất lớn và yêu cầu cao về chất lượng là một thách thức trong điều kiện lực lượng quản lý quy hoạch, tư vấn thiết kế còn thiếu và yếu; Việc rà soát, khớp nối, thống nhất giữa quy hoạch xây dựng với các quy hoạch ngành, quy hoạch nông thôn mới gây nhiều khó khăn bất cập trong công tác lập, thẩm định;

Sự phối hợp giữa các cơ quan Thành phố với các Bộ, ngành trong việc xin ý kiến cho đồ án quy hoạch còn chưa được chặt chẽ.

Năng lực quản lý đô thị của một số địa phương còn yếu, thiếu nhân lực, nguồn lực, việc phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch và quản lý đô thị còn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.

Để khắc phục những tồn tại này và đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, thành phố xác định công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch là tiền đề cho quản lý xây dựng cơ bản, các giải pháp đề ra được tập trung vào việc đẩy mạnh tiến độ, chất lượng quy hoạch và quản lý quy hoạch như tập trung nguồn lực, đẩy mạnh công tác lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch; Sớm hoàn thành các khu tái định cư, khu cải tạo và tái thiết đô thị; Tập trung hoàn thành dứt điểm các dự án đầu tư xây dựng công trình trọng điểm về hạ tầng đô thị của Thành phố.

Đẩy mạnh phân cấp trong công tác quản lý quy hoạch kiến trúc và nâng cao chất lượng quản lý các cấp thành phố – quận/huyện – thị xã/thị trấn.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính và áp dụng công nghệ thông tin phục vụ cho các công tác công bố quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị để đảm bảo tính công khai, minh bạch, kịp thời phổ biến công khai các thông tin quy hoạch được phê duyệt tới người dân, đi đôi với hướng dẫn thủ tục triển khai công việc tiếp theo.

Tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng Thành phố để góp ý cho các đồ án quy hoạch ngay từ khâu ý tưởng lập quy hoạch trên cơ sở phân công rõ trách nhiệm các ngành, các cấp trong việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch theo quy chế đã ban hành. Tăng cường huy động trí tuệ của các Hiệp Hội, các chuyên gia đầu ngành trong việc đóng góp ý kiến và đưa ra các giải pháp cho các khu vực đặc thù, các công trình kiến trúc cụ thể tại các địa điểm quan trọng.

Đồng thời khẩn trương lập, phê duyệt các Quy chế, Quy định quản lý, thiết kế đô thị cho các khu vực đặc thù, các tuyến phố, trục giao thông quan trọng, làm cơ sở cho việc quản lý quy hoạch kiến trúc.

Theo Chính phủ