06/08/2015

OCOP Quảng Ninh khẳng định lối đi riêng

Với chủ đề “Thương hiệu Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa”, hội chợ OCOP Quảng Ninh 2015 đã diễn ra thành công tốt đẹp. Hội chợ thu hút 188 gian hàng tham gia, trong đó, có 101 gian hàng OCOP của tỉnh; 55 gian hàng của 13 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; 32 gian hàng thương mại. Tại hội chợ đã diễn ra 6 nhóm sản phẩm, dịch vụ OCOP (Thực phẩm – ẩm thực, Thảo dược, Vải may mặc, Lưu niệm – nội thất – trang trí, dịch vụ) đã thu hút trên 50.000 lượt người tới tham quan, mua sắm tại Hội chợ. Tổng doanh thu bán hàng của các gian hàng trong và ngoài tỉnh đạt trên 5,4 tỷ đồng.

Hội chợ OCOP Quảng Ninh không chỉ giới thiệu, quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP của tỉnh đến với người tiêu dùng, mà còn khẳng định chương trình OCOP đang đi đúng hướng, thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đây cũng là thành quả của công tác quy hoạch sản xuất, quy hoạch vùng trọng điểm của Quảng Ninh trong 5 năm qua.

Đồng chí Tòng Thị Phóng - Ủy viên bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội thăm quan sản phẩm thuyền nan của thị xã Quảng Yên.

Đồng chí Tòng Thị Phóng – Ủy viên bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội thăm quan sản phẩm thuyền nan của thị xã Quảng Yên.

OCOP (One commune, one product) là Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”. Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên ở Việt Nam triển khai Chương trình này. OCOP Quảng Ninh được triển khai từ tháng 10/2013, dựa trên các kinh nghiệm học hỏi từ OVOP quốc tế và triển khai ở Việt Nam. Ý tưởng của Ban xây dựng NTM và tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng nhận được sự đồng thuận và vào cuộc của đội ngũ cán bộ, công chức của các ban ngành và các huyện, thị xã xây dựng. Mục tiêu chung của Chương trình là góp phần phát triển và tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị và phát triển nội sinh dựa trên các lợi thế cạnh tranh của địa phương, bao gồm: các sản vật, công nghệ, văn hóa, truyền thống địa phương. Đây là một hướng đi quan trọng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, nhằm phát huy lợi thế so sánh và tránh cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp lớn nước ngoài.

Để triển khai chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, thường trực BĐH OCOP Tỉnh đã phối hợp với tư vấn triển khai, hướng dẫn thực hiện chu trình OCOP đến các địa phương trong toàn tỉnh. Hoàn thành khung tiêu chí lựa chọn tổ chức kinh tế, lựa chọn sản phẩm, dịch vụ để các địa phương thực hiện. Tổ chức kinh tế trong chương trình OCOP gồm doanh nghiệp và HTX theo Luật HTX 2012 được xếp theo hướng ưu tiên tập trung vào cộng đồng, doanh nghiệp thấp nhất là: Doanh nghiệp tư nhân, Công ty TNHH một thành viên, Công ty TNHH 2 thành viên trở lên và đến Công ty cổ phần. Sản phẩm, dịch vụ trong chương trình OCOP phải sử dụng 100% nguyên liệu chính trong tỉnh, sử dụng ít nhất 50% lao động trong vùng. Tỉnh cũng đã triển khai xây dựng Bộ Tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm theo cách phân hạng từ 1 – 5 sao cho 6 nhóm sản phẩm, dịch vụ OCOP, đã lấy ý kiến tham gia của các địa phương, sở ngành.

Với sự vào cuộc của các địa phương, chương trình “Quảng Ninh – Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) đã được triển khai rất mạnh mẽ. Cho đến nay đã có 26/34 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ thực hiện từ chu trình 2014 được hoàn thiện tiêu chuẩn sản xuất. Dự kiến có thêm 25 – 28 sản phẩm đăng ký trong năm 2015. Có 50 doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất sản phẩm, dịch trong chương trình OCOP. Các sản phẩm thuộc chương trình OCOP có chất lượng tốt, giá cả phù hợp, kiểu dáng công nghiệp bao bì có sự tiến bộ rõ rệt về hình thức.

Gian hàng văn hóa - du lịch Bình Liêu thu hút đông đảo khách tham quan

Gian hàng văn hóa – du lịch Bình Liêu thu hút đông đảo khách tham quan

Năm 2015, nhằm cụ thể hoá chương trình Xây dựng thương hiệu địa phương; thúc đẩy sản xuất phát triển, tạo tiền đề phát triển các ngành du lịch, cung cấp cho thị trường những sản phẩm đặc sản truyền thống, sản phẩm OCOP có chất lượng tốt, góp phần tăng thu nhập cho người nông dân; nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng về Chương trình OCOP. Đồng thời, để tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh các sản phẩm OCOP tỉnh tìm kiếm thông tin, thị trường, xây dựng thị trường sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và ký kết các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và kết nối niềm tin giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng… Do vậy, UBND tỉnh đã quyết định tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2015. Qua hội chợ OCOP, cái được lớn nhất từ Hội chợ OCOP không phải là doanh số thu được mà chính là việc đã quảng bá thành công các sản phẩm nông sản của địa phương đến với người tiêu dùng, đánh giá được thị trường tiềm năng của nông sản địa phương, qua đó thúc đẩy việc sản xuất tại các địa phương trong tỉnh.

Có thể nói, chương trình OCOP Quảng Ninh đã dần từng bước khẳng định là chương trình phát triển kinh tế trọng tâm trong phát triển kinh tế vùng nông thôn và kinh tế đô thị, chương trình đang đi đúng hướng phát triển đối tượng chính là tổ chức kinh tế (Doanh nghiệp, HTX) và sản phẩm, dịch vụ theo chuỗi giá trị có sự chỉ đạo, hỗ trợ của Nhà nước (từ ý tưởng sản phẩm­ -> tổ chức sản xuất ngoài cánh đồng-> chế biến tại các cơ sở sản xuất -> xúc  tiến thương mại,bán hàng). Bằng cách làm sáng tạo, chương trình đã được nhân dân trong tỉnh cũng như TW, các tỉnh thành biết đến rộng rãi và đang trở thành thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung phát triển chương trình OCOP trở thành thương hiệu mạnh và hội chợ OCOP trở thành một sản phẩm du lịch. Tiếp tục triển khai chương trình OCOP sâu rộng. Hoàn thiện pháp lý hệ thống tài liệu của chương trình để ban hành thực hiện: Bộ tiêu chí đánh giá và phân hạng sản phẩm để làm cơ sở đánh giá sản phẩm; Chương trình đào tạo CEO. Đồng thời chỉ đạo các địa phương khẩn trương hoàn thành đầu tư các trung tâm, điểm bán hàng OCOP và tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới./.

TẠP CHÍ KIẾN TRÚC VIỆT NAM SỐ 5+6/2015