01/02/2016

Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2016

Chiều 29/1, tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2016.


Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên chủ trì buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 1/2016 – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Cùng tham dự buổi họp báo, có đại diện lãnh đạo các Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công Thương, Tài chính, GTVT, NN&PTNT, LĐ-TB&XH, Y tế và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Như thường lệ, mở đầu buổi họp báo, Bộ trưởng-Chủ nhiệm VPCP, Người phát ngôn Chính phủ Nguyễn Văn Nên tóm tắt một số nội dung phiên họp thường kỳ tháng 1/2016 của Chính phủ diễn ra sáng cùng ngày dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết, được tổ chức ngay sau Đại hội XII của Đảng vừa thành công tốt đẹp, phiên họp thường kỳ của Chính phủ tập trung thảo luận tình hình kinh tế-xã hội tháng đầu năm 2016. Trong tháng 1, các bộ, ngành địa phương đã tập trung triển khai quyết liệt các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 7/1/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2016 và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến giờ này, nhìn chung các bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực, có các chương trình triển khai nhiệm vụ, có trọng tâm, trọng điểm, để thực hiện ngay từ đầu năm các chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ.

Các thành viên Chính phủ đánh giá: Trong tháng 1/2016, nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội chuyển biến tích cực, tạo không khí phấn khởi ngay từ đầu năm, dù còn một số vấn đề cần quan tâm theo dõi, chỉ đạo quyết liệt hơn. Theo các số liệu thống kê, các mặt đều chuyển biến tích cực. Còn các vấn đề cần theo dõi là giá dầu thế giới tiếp tục giảm sâu, sự phục hồi chậm, thiếu vững chắc của kinh tế thế giới và diễn biến phức tạp trên Biển Đông.

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tích cực đôn đốc, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch đã đề ra, có trọng tâm, trọng điểm, phấn đấu đạt kết quả cao nhất trong năm 2016, tạo đà để hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra trong cả nhiệm kỳ. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu theo dõi sát sao đợt rét đậm, rét hại đang hoành hành tại một số tỉnh phía bắc, để hỗ trợ kịp thời cho người dân chịu thiệt hại do thiên tai. Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu chuẩn bị để người dân dân đón Tết cổ truyền vui tươi, an toàn, tiết kiệm. Theo đó các ngành như Công Thương chuẩn bị hàng hóa bảo đảm phong phú rộng khắp để người dân thuận tiện mua sắm và đặc biệt là bảo đảm chất lượng, tăng cường kiểm tra giám sát, phát hiện hàng hóa kém chất lượng; ngành y tế phối hợp kiểm tra an toàn thực phẩm. Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, xử lý nghiêm các trường hợp đốt pháo. Ngành giao thông tổ chức các phương tiện đa dạng phong phú để công nhân, học sinh sinh viên về quê ăn Tết không bị ảnh hưởng do thiếu phương tiện đi lại. Đặc biệt quan tâm tới những vùng chịu ảnh hưởng thiên tai, rét đậm, rét hại vừa qua. Ngành LĐTB&XH chuẩn bị công tác chăm lo Tết cho những người nghèo, khó khăn, người có công với cách mạng…, đồng thời vận động nhiều nguồn, các nhà hảo tâm giúp đỡ mọi người vui xuân đón Tết.


Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Kiều Minh (báo Nông thôn ngày nay): Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, trong đó nhiều thành viên Chính phủ tái cử, nhưng cũng có trường hợp các Bộ trưởng không tái cử dù Ban Chấp hành khóa XI có đề cử. Chính phủ có phương án tính đến thay thế nhân sự không tái cử trong Ban Chấp hành khóa mới chưa?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Như ta biết, theo thể chế chính trị của chúng ta, công tác nhân sự là công tác của Đảng. Thời gian qua, Đảng đã chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch cán bộ đối với cấp ủy các cấp khá bài bản, chặt chẽ, theo quy định. Theo đó là quy hoạch theo nguyên tắc “mở và động”, tức là mỗi chức danh đều có 1, 2, 3 hoặc thậm chí nhiều hơn số người chuẩn bị kế thừa. Đồng thời, một cán bộ cũng có thể quy hoạch một vài chức danh để khi cần thiết thì Đảng điều động. Có nghĩa là, công tác quy hoạch nhân sự của Đảng sẽ rất hạn chế trường hợp bị động.

Trong Đại hội vừa qua, có một số trường hợp dự kiến nhưng không trúng cử, đó là việc bình thường vì dự kiến có số dư. Công tác quy hoạch cũng đã lường trước các trường hợp nếu có đồng chí nào trúng hay không trúng đều có kế hoạch kịp thời. Hiện nay, Đại hội mới vừa kết thúc, các cấp có thẩm quyền được phân cấp quản lý cán bộ sẽ tính toán xem xét bố trí hợp lý trong thời gian tới.

Nghĩa Nhân (báo Pháp luật TPHCM): Cảm ơn Bộ trưởng Nguyến Văn Nên đã giải thích thêm một chút về công tác cán bộ. Chúng tôi hiểu công tác cán bộ là công tác của Đảng, tuy nhiên, tôi muốn hỏi ở đây là sau khi bầu cử Đảng xong thì sẽ có sự gián đoạn một thời gian khoảng 5-6 tháng gì đó thì mới đến bầu cử Quốc hội, xong rồi mới bầu cử Chính phủ mới. Tuy nhiên, tôi được biết vừa rồi Thủ tướng có một buổi làm việc với các nhóm chuyên gia tư vấn thì cũng có ý kiến đề nghị rằng Chính phủ ở một số vị trí thấy đủ “chín” rồi thì có thể làm sao sớm đi vào vận hành ngay, gắn cương vị chính trị với cương vị Nhà nước. Liệu đề xuất và suy nghĩ, cân nhắc từ phía Chính phủ với Đảng như thế nào.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Đúng ra công việc nhân sự không phải là nội dung chính của Người phát ngôn Chính phủ hôm nay. Tuy nhiên, không hẳn là không có liên quan, vì thế tôi hiểu tới đâu sẽ trả lời đến đó. Nếu cái gì chưa rõ thì chúng ta sẽ tiếp tục hỏi cơ quan chức năng, tổ chức cán bộ sẽ trả lời đầy đủ hơn để chúng ta truyền tải thông tin này cho đúng theo sự quan tâm của các bạn cũng như của người dân.

Trước hết tôi nói về nhân sự có liên quan tới Đại hội, bầu cấp ủy. Chúng ta biết rồi, đất nước chúng ta về hệ thống chính trị rất nhiều đầu mối mà Ủy viên Trung ương thì có hạn, kể cả chính thức và dự khuyết có 200 người. Cho nên đề án công tác nhân sự và quan điểm xuyên suốt của Đảng là không nhất thiết ngành nào cũng bố trí Ủy viên Trung ương và các địa phương cố gắng tối đa để có người đứng đầu là Ủy viên Trung ương. Nếu nơi nào chưa bố trí được thì Trung ương sẽ xem xét hợp lý những yêu cầu cần và đủ để điều động, đảm bảo có sự lãnh đạo xuyên suốt. Tinh thần chung là như thế.

Sau Đại hội chúng ta sẽ thấy rằng còn lại nhiều ngành không bố trí đủ Ủy viên Trung ương, điều đó là bình thường.

Phóng viên hỏi là bố trí đã đạt được tiêu chuẩn cấp ủy nhưng về mặt khác, chuyên môn không bảo đảm thì sao? Tôi nghĩ cấp ủy khi bố trí về nhân sự là cân nhắc kỹ những yêu cầu bảo đảm sự lãnh đạo cả về quản lý và năng lực chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị ở nơi đó. Tôi nghĩ từ xưa đến giờ cấp ủy bố trí đều cân nhắc rất kỹ điều này.

Sáng nay họp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có chúc mừng một số đồng chí là thành viên Chính phủ tái cử, trong đó có một số đồng chí được tín nhiệm bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cũng dặn dò các đồng chí tiếp tục phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao trên từng cương vị cụ thể. Thủ tướng cũng dặn dò 14 thành viên Chính phủ không tái cử đợt này phải tiếp tục tập trung với nỗ lực cao nhất, tinh thần trách nhiệm cao nhất để hoàn thành công việc mà mình đang đảm trách cho đến giờ phút có người kế nhiệm để bàn giao. Như vậy hiểu rằng về quan điểm, về trách nhiệm là không được quyền lơ là. Thủ tướng nói cho đến phút bàn giao trách nhiệm nhưng có thành viên Chính phủ nói là phải đến từng giây. Tất nhiên nói vui nhưng muốn thể hiện tinh thần trách nhiệm của mình làm việc đầy đủ, không để chỗ nào trống cả và như thế cũng không phải đồng loạt bàn giao mà cứ nơi nào chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu cần và đủ, như vậy có thể có người giao sớm, có người chậm hơn nhưng chúng ta hiểu rằng trách nhiệm là xuyên suốt, không có khoảng trống.

Mỹ Dung (báo VnMedia): Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT cho biết sẽ ban hành quy chế kỳ thi THPT quốc gia trước Tết Nguyên đán nhưng đến nay vẫn chưa có. Tại phiên họp Chính phủ hôm nay, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ sớm công bố. Xin hỏi có gì khó khăn mà chưa công bố được, bao giờ công bố được vì đây là vấn đề được các phụ huynh, học sinh, xã hội rất quan tâm?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên: Hôm nay không có đại diện Bộ GD&ĐT tại đây, thông tin chi tiết sẽ được gửi tới phóng viên sau. Nhưng hôm nay, Chính phủ họp có nghe Bộ trưởng Bộ GD&ĐT báo cáo kế hoạch để thông tin, thông báo sớm về kỳ thi. Có nhiều ý kiến nên Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ tiếp thu ý kiến, chính sửa và báo cáo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và sẽ thông báo trong thời gian sớm nhất.

Văn Hùng (báo Nông nghiệp Việt Nam): Thưa Bộ trưởng và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, có một vấn đề mà hiện nay dư luận đặc biệt quan tâm là các ngân hàng thương mại dừng giải ngân gói hỗ trợ cho vay mua nhà thu nhập thấp, gọi tắt là gói 30.000 tỉ đồng. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hàng nghìn khách hàng đã ký hợp đồng, đã đóng 30-35% số tiền cho nhà đầu tư. Các ngân hàng thương mại viện dẫn nội dung Thông tư 26 cho rằng NHNN không chấp nhận lấy tài sản hình thành trong tương lai làm tài sản thế chấp, như vậy có đến hàng nghìn khách hàng rơi vào tình trạng rất khó khăn. Tôi đề nghị Phó Thống đốc NHNN nói rõ thêm để gói 30.000 tỉ đồng đáp ứng nhu cầu của người dân?

Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: Thực hiện Nghị quyết 02 của Chính phủ về gói hỗ trợ cho vay 30.000 tỉ đồng, NHNN đã ban hành Thông tư 11 hướng dẫn thủ tục cho vay đối với chương trình này về các điều kiện để các đối tượng được vay theo Nghị quyết 02. Thông tư này quy định số giải ngân kể từ ngày Thông tư có hiệu lực (1/6/2013) và giải ngân tối đa 36 tháng nên phải đến 1/6/2016 mới là thời điểm kết thúc giải ngân. Phóng viên phản ánh gần đây các tổ chức tín dụng dừng giải ngân, đề nghị phóng viên cung cấp rõ thông tin ngân hàng nào ngừng giải ngân, chúng tôi sẽ yêu cầu các đơn vị chức năng xem xét cụ thể. Tuy nhiên, có thể thời gian cuối năm, trong điều hành chính sách tín dụng của NHNN, các ngân hàng được thông báo tăng trưởng tín dụng nhất định nên tổ chức tín dụng nào đã sát chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thì có thể tạm dừng một thời gian. Sang đầu năm 2016, các tổ chức tín dụng lại bắt đầu thực hiện cho vay bình thường.

Còn các quy định, trình tự, thủ tục sử dụng tài sản hình thành trong tương lai để thế chấp vay vốn đã được ban hành theo Thông tư 26. Để giải ngân thì các tổ chức tín dụng và các cá nhân sẽ thực hiện theo quy định đó. Trong quá trình điều hành chính sách tín dụng của NHNN, NHNN luôn chỉ đạo các tổ chức tín dụng phải chú trọng cải cách thủ tục hành chính để bảo đảm việc tiếp cận vốn của ngân hàng theo đúng quy định pháp luật. Cho nên những trường hợp nhiêu khê, xin phóng viên phản ánh rõ những cá nhân đủ điều theo quy định của pháp luật mà tổ chức tín dụng nhiêu khê để chúng tôi sẽ cử các cơ quan chức năng xuống làm việc.


Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Kiều Minh (báo Nông thôn ngày nay): Vừa qua có đợt rét lịch sử gây ra thiệt hại lớn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có biện pháp hỗ trợ gì cho bà con nông dân có gia súc nuôi bị chết?

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh: Vừa qua nước ta chịu đợt rét kỷ lục, nhiệt độ xuống nhanh, thiệt hại lớn cho các tỉnh.

Cập nhật số gia súc chết là 9.000 con, gia cầm trên 43.000 con, cây trồng thiệt hại trên 27.000 ha. Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã có nhiều đoàn công tác đi các địa phương hướng dẫn bà con có biện pháp bảo vệ gia súc , gia cầm, cây trồng hiệu quả hơn.

Bộ NN&PTNT đã tập hợp tình hình thiệt hại, có 14 tỉnh. Bộ trưởng Cao Đức Phát đã báo cáo tình hình và đề nghị Chính phủ hỗ trợ giải quyết thiệt hại, theo Quyết định 142 và Quyết định 49. Nhưng trước mắt, Bộ NN& PTNT đề nghị các địa phương tạm ứng ngân sách, khẩn trương hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, sau đó sẽ áp dụng các Quyết định số 142 và 49.

Bộ NN& PTNT cũng đề nghị ngân hàng hoãn, giãn nợ cho vay với các hộ có trâu bò chết trong đợt rét vừa qua, tạo điều kiện để bà con chống đợt rét, khôi phục sớm nhất việc ổn định sản xuất.

Thanh Tùng (báo Đầu tư): Theo hướng dẫn mới nhất về điều kiện thành lập văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam thì một trong những yêu cầu rất khắt khe để thành lập chi nhánh là thương nhân nước ngoài phải hoạt động ít nhất 5 năm tại Việt Nam. Tôi muốn hỏi điều kiện này có quá khó không, thời gian này có quá dài không trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Đây là quy định trong Nghị định 07/2016/NĐ-CP được ban hành ngày 25/1/2016, tức là chỉ mấy ngày gần đây thôi.

Nghị định này cũng như tất cả văn bản quy phạm pháp luật, khi đã được ban hành là đã được thực hiện theo tất cả các bước quy định về việc xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tức là qua các bước xin ý kiến, thậm chí tổ chức hội thảo, nhất là đối tượng thương nhân nước ngoài ngoài thì thường cũng rất quan tâm đến đến các văn bản điều chỉnh hoạt động của họ tại Việt Nam. Về phía Bộ Công Thương, đã phối hợp với các bộ, ngành tổ chức các hội thảo tại ba miền Bắc, Trung, Nam để xin ý kiến của chính các đối tượng là thương nhân nước ngoài tại Việt Nam, cũng như xin ý kiến của tất cả các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Sau đó, khi đã có thẩm định của Bộ Tư pháp thì mới trình để xin ý kiến thành viên Chính phủ trước khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

Còn việc một nghị định mới được ban hành, để xác định, đánh giá văn bản đó, nghị định đó hay bất cứ một văn bản quy phạm pháp luật nào liệu có phù hợp thực tiễn hay không thì cần phải có thời gian thực hiện, đúc kết, rút kinh nghiệm. Chúng tôi khẳng định là không nhất thiết phải trong thời gian bao lâu, nhưng nếu có một điều, nội dung nào chưa phù hợp với thực tiễn hoặc gây cản trở, trở ngại cho hoạt động của tất cả các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của nước ngoài tại Việt Nam thì chúng tôi sẽ hết sức kịp thời đề xuất với Chính phủ và các cấp có thẩm quyền sửa lại để có thể phục vụ, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam.

Chúng tôi xin cung cấp một thông tin để quý vị có thể tham khảo là: Việt Nam hiện nay được đánh giá là một trong 6 quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á có môi trường đầu tư kinh doanh tốt. Chúng ta đã thu hút được một lượng lớn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ngay tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài cũng đánh giá rất cao việc Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nhân nước ngoài mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, kể cả mở văn phòng, chi nhánh tại Việt Nam.


Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải – Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chí Hiếu (báo điện tử Vnexpress): Ngày 04/2 này, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sẽ được ký kết tại New Zealand. Xin hỏi Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, với tư cách là đơn vị được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao làm đầu mối chủ trì đàm phán TPP, Bộ Công Thương đã được Chính phủ chỉ đạo gì để chuẩn bị cho Lễ ký kết này? Nội dung sau khi rà soát lại có khác biệt gì so với trước đây hay không?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Năm 2015 có thể nói là năm thành công của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của cả dân tộc Việt Nam trong hội nhập. Dư luận, tức là theo các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, kể cả tương đồng về chính trị hay không, đều đánh giá Việt Nam đã rất thành công trong hội nhập và đặc biệt là ký kết Hiệp định TPP, Hiệp định hết sức quan trọng.

Sau khi đã báo cáo các cấp có thẩm quyền, báo cáo Chính phủ, được phép của Bộ Chính trị, ngày mai (30/1) đoàn của Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu sẽ sang Australia và New Zealand để chuẩn bị ký kết, nhưng trước kết là đẩy mạnh hợp tác kinh tế. Đi cùng đoàn có rất nhiều thành viên, đặc biệt có các doanh nghiệp Việt Nam. Tôi nghĩ rằng các hiệp định thương mại, trong đó có TPP, mang lại rất nhiều lợi ích, mà đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt Nam hiện đang rất hào hứng, rất quan tâm và đang hết sức cố gắng để tìm hiểu những lợi ích mà TPP có thể mang lại.

Về việc có gì thay đổi so với những nội dung mà trước đó chúng ta đã được thoả thuận hay không? Chúng tôi vui mừng thông báo là sau khi đã báo cáo các cấp, chúng ta đạt được, giữ được những điểm có thể nói là mang lại rất nhiều lợi ích cho các đối tượng, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp và người dân.

Chúng tôi muốn nói là kết thúc đàm phán để ký kết TPP đã quan trọng rồi, nhưng việc tiếp theo là làm thế nào để mọi đối tượng, trong đó có doanh nghiệp, người dân, biết được những nội dung có liên quan để tận dụng được lợi thế, đồng thời có biện pháp, có phương án để hạn chế khuyết điểm, phát huy lợi thế của mình.

Đây là vấn đề không phải chỉ của Bộ Công thương, cũng không phải của một bộ ngành nào đó, mà là công việc của các bộ, ngành, địa phương, các hiệp hội, của chính các doanh nghiệp và của người dân. Rất mong báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền những lợi thế của các hiệp định thương mại tự do, trong đó có TPP, đồng thời tập trung giúp các đối tượng, đặc biệt là các doanh nghiệp, thấy những ảnh hưởng, tác động chưa tốt đến nền kinh tế, đến hoạt động của doanh nghiệp.

Hải Vân (tạp chí Năng lượng Việt Nam): Liên quan việc thiếu điện trong năm 2015, EVN trong tháng 11, tháng 12 đã phải chạy dầu. Bộ Công Thương đã xử lý vấn đề này như thế nào? Trong bối cảnh giá dầu giảm sâu, việc điều chỉnh giá điện trong năm 2016 sẽ được thực hiện như thế nào?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Liên quan đến tình hình cấp điện, chúng ta đã biết những tháng cuối năm 2015, khu vực Miền trung và Miền Nam bị khô hạn và chắc chắn ảnh hưởng đến lượng nước để làm thuỷ điện. Liên quan đến việc này, ngày 26/11/2015 Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, địa phương, đặc biệt là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên để thông báo về tình hình khô hạn, đồng thời khuyến cáo về sử dụng tiết kiệm điện và nguồn nước hợp lý.

Thứ hai, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ NN&PTNT, EVN, là những chủ sở hữu của các hồ chứa thuỷ điện, để xác định nhu cầu sử dụng nước tại các khu vực và các hồ chứa, từ đó đáp ứng nhu cầu cấp nước sử dụng lâu dài cho vùng hạ du, phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, đồng thời tối ưu hiệu quả phát điện.

Chúng ta sử dụng các hồ chứa có hai mục đích, một là phát điện, nhưng đồng thời cũng là cung cấp nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt. Do vậy cách sử dụng tối ưu giữa hai việc này là rất quan trọng. Sự phối hợp giữa các bộ ngành, trong đó có sự phối hợp giữa Bộ Công Thương với Bộ NN&PTNT, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là rất quan trọng và chúng tôi hết sức lưu ý việc này.

Đối với EVN, chúng tôi cũng yêu cầu Tập đoàn phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình diễn biến của thuỷ văn, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT, Trung tâm Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, UBND các tỉnh có hồ chứa nước để xây dựng và thực hiện kế hoạch điều tiết nước theo đúng quy trình, quy định mà hiện nay đã ban hành, nhất là các hồ ở miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ.

Có thể nói đến tháng 12/2015, diễn biến vẫn bất lợi cho việc cung cấp nước cho các hồ chứa. EVN đã chủ động huy động một số nguồn nhiệt điện chạy dầu có giá thành cao để đáp ứng yêu cầu phụ tải điện, bảo đảm cho các nhà máy thuỷ điện có điều kiện tích nước cho nhu cầu phát điện và sử dụng của người dân, nhất là tại các vùng hạ lưu trong các tháng cao điểm mùa khô 2016. Chúng tôi đang hết sức cố gắng, nếu không có diễn biến quá bất thường, có thể khẳng định trong năm 2016 với tình hình diễn biến như hiện nay thì vẫn tiếp tục đảm bảo được nguồn nước để phát điện và cho nhu cầu sử dụng, sản xuất của người dân.

Về câu hỏi khi giá dầu giảm sâu, liệu giá điện trong nước như thế nào, có sự thay đổi hay không thì trước hết, xin cung cấp thông tin để chúng ta cùng nắm được, đó là lượng điện phát bằng dầu chiếm chưa đến 1% tổng lượng điện phát ra, như vậy có thể nói là giá dầu thay đổi sẽ không ảnh hưởng, hoặc ảnh hưởng rất nhỏ đến giá bán điện.

Về giá điện liệu có thay đổi hay không, muốn có sự thay đổi chúng ta phải đánh giá lại sự thay đổi của các yếu tố đầu vào đối với giá điện. Hiện nay, Bộ Công Thương chưa có chủ trương, đồng thời cũng chưa nhận được văn bản đề nghị tăng giá điện của EVN. Như chúng ta đã biết, nếu muốn thay đổi giá điện, đầu tiên phải có đề nghị của DN. Bộ Công Thương trong chức năng quyền hạn của mình, nếu điều chỉnh dưới 30% thì có thể quyết, còn nếu cao hơn thì phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Nhưng hiện nay thì chưa có đề nghị và có thể khẳng định là trước mắt chưa có điều chỉnh giá điện.

Thế Dũng (báo Người lao động): Thưa Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, vừa qua có thông tin người tiêu dùng sử dụng ô tô Mercedes và Lexus dùng xăng A95 bị cháy. Vậy quan điểm của Bộ như thế nào, nếu do xăng thì Petrolimex có phải đền bù cho người dân không?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Vừa qua có một số trường hợp trục trặc khi sử dụng ô tô. Không chỉ với xe Mercedes, mà nhiều loại xe chúng ta đi cũng có thể gặp trục trặc như vậy. Chúng ta phải xem xét có phải do xăng hay không, hay do động cơ hay thậm chí do thời tiết quá lạnh như vừa qua báo chí có phản ánh trường hợp rất nguy hiểm là lái xe đốt lửa sưởi ấm bình xăng thì xe mới chạy được. Chúng ta phải xem nguyên nhân tại sao. Nếu đúng do xăng thì Bộ KH&CN và Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng phải xác định xăng như thế nào, có phải do xăng nhập khẩu không hay do người bán trộn lẫn thêm thành phần nào khác. Bộ Công Thương đã có văn bản gửi 63 tỉnh, thành phố, yêu cầu lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra tìm hiểu nguyên nhân, báo cáo để có xử lý phù hợp với trách nhiệm của Bộ Công Thương. Có thể đưa ra cảnh báo, có thể báo cáo gửi Chính phủ hoặc gửi các bộ, ngành liên quan để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Mạnh Quân (báo Thanh niên): Ngày hôm qua (28/1), Hải quan Hải Phòng đã bắt giữ một vụ buôn lậu lớn do một cán bộ có hộ chiếu ngoại giao đứng tên và nghe nói lô hàng ấy của rất nhiều người có hộ chiếu ngoại giao. Hiện nay vụ việc đang được phối hợp chỗ Ban 389 Trung ương xử lý. Về vụ việc này, xin cho biết đang được xử lý như thế nào?

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình: Về vụ việc phóng viên Mạnh Quân nêu, Bộ Ngoại giao hiện nay cũng đang xem xét vấn đề và có ý kiến như thế này: Từ trước đến nay, việc cán bộ ở các cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài kết thúc nhiệm kỳ về nước và mang theo, chuyển về nước hàng hóa đã qua sử dụng, hàng hóa phục vụ tiêu dùng là việc làm rất là bình thường, được pháp luật cho phép. Theo ý kiến của chúng tôi, các cá nhân liên quan tới việc này sẽ thực hiện mọi nghĩa vụ theo quy định hiện hành của pháp luật. Cho đến nay, theo chúng tôi được biết, ngay cả Hải quan cũng không nói là buôn lậu. Họ chỉ đang kiểm ra và xác minh lại với cá nhân có liên quan thôi, nên chưa thể nói có gian lận thương mại hay buôn lậu được.

Theo Nhóm PV Báo Điện tử Chính phủ